Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bộ Tài chính đề xuất hướng sửa thuế với túi nilon

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ Tài chính vừa có công văn trình Thủ tướng Chính phủ phương án tháo gỡ vướng mắc về thuế bảo vệ môi trường, áp dụng với túi nilon. Theo đó, nhiều điều khoản thuế sẽ được quy định cụ thể hơn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất túi ni lông và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất khẩu có sử dụng bao bì.

Cụ thể, trong công văn số 6545/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị đối tượng thu thuế bảo vệ môi trường là các loại túi, bao bì có hình dạng túi (có miệng túi, có đáy túi, có thành túi và có thể đựng sản phẩm trong đó) được làm từ màng nhựa đơn HDPE, LDPE, LLDPE.

Còn lại, những sản phẩm khác như màng ni lông, tấm nilon, dải nilon, cuộn nilon dạng ống, màng nilon sử dụng che phủ nông nghiệp không thuộc phạm vi chịu thuế.

Về cách tính, thu thuế, Bộ Tài chính đề xuất, đối với túi nilon đa lớp (túi, bao bì làm từ màng phức hợp, có nhiều lớp, trong đó có lớp màng nhựa thuộc đối tượng chịu thuế), thuế bảo vệ môi trường được tính theo tỷ lệ phần trăm trọng lượng màng nhựa đơn HDPE, LDPE, LLDPE có trong túi.

Trước đó, thông tư số 152 của Bộ Tài chính chỉ quy định, túi nilon thuộc diện chịu thuế là loại túi, bao bì nhựa mỏng làm từ màng nhựa đơn HDPE, LDPE hoặc LLDPE trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hoá và túi nilon đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của pháp luật.

Theo các đơn vị sản xuất, kinh doanh, quy định này quá chung chung, khiến các doanh nghiệp không nắm rõ dòng sản phẩm nào của đơn vị phải chịu thuế, dòng nào không. Trong khi, mức áp thuế đối với tất cả các sản phẩm của doanh nghiệp phải chịu thuế suất 40.000 đồng/kg thành phẩm.

Cũng theo công văn kiến nghị, Bộ Tài chính cho rằng, bao bì (kể cả dạng túi và không dạng túi) do doanh nghiệp mua để đóng gói hàng hóa của mình thì không thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường (bao gồm cả đóng gói hàng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước).

Tuy nhiên, những trường hợp được miễn chỉ áp dụng với doanh nghiệp mua trực tiếp của đơn vị sản xuất hoặc nhập khẩu bao bì, không áp dụng đối với bao bì mua qua khâu thương mại.

Hướng giải quyết này đã làm rõ hơn những thắc mắc trước đó vì theo quy định, các trường hợp hàng hóa nhập khẩu để gia công sau đó xuất khẩu ra nước ngoài thì thuộc đối tượng không phải nộp thuế bảo vệ môi trường./.

Theo Xuân Dũng (Vietnam+)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)