Chăn nuôi bò sữa không còn hấp dẫn với nông dân vùng ngoại thành TPHCM. Để tránh lãng phí chuồng trại, Sở NN-PTNT TPHCM đã tư vấn, định hướng nông dân chuyển đổi nuôi giống bò thịt lai ngoại có năng suất, chất lượng cao hơn.
Bò lai chất lượng cao
Theo Trung tâm Khuyến nông (Sở NNPTNT), năm 2016, UBND TPHCM đã ban hành Chương trình phát triển đàn bò thịt song song với đàn bò sữa giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Hiện nay, người chăn nuôi bò thịt (chủ yếu vẫn là giống bò lai Sind) vẫn mang tính nhỏ lẻ, chưa mạnh dạn phát triển đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả, dù bò thịt mang lại nguồn thu nhập khá.
Bà Nguyễn Thị Liễu Kiều, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, cho biết, năm 2017, Việt Nam nhập hơn 900.000 tấn thịt trâu, bò đông lạnh từ Ấn Độ, chưa tính đến trâu, bò nguyên con nhập chính ngạch từ Australia và số lượng nhập qua tiểu ngạch cũng khá nhiều.
Cũng trong năm 2017, sản lượng thịt trâu, bò tiêu thụ khoảng 260.000 tấn, tăng trưởng 4% – 5%/năm. TPHCM có hơn 58.200 con bò thịt, tăng 2,8% so cùng kỳ. Theo tính toán hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thịt bò ở TPHCM khoảng 760 con/ngày, nhưng sản lượng đàn bò thịt quá thiếu so với nhu cầu tiêu dùng.
Với mục tiêu hình thành các giống bò lai phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại TP, Trung tâm Khuyến nông lựa chọn các dòng tinh bò thịt cao sản như BBB, Red Angus, Drought Master… phối cho bò cái nền lai Sind hoặc bò cái có năng suất sữa thấp nhưng khả năng sinh sản tốt tạo ra con lai có ưu thế cao, mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với chăn nuôi các giống bò thịt truyền thống.
So với bò thịt thông thường, trong cùng điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng, khẩu phần phù hợp theo từng giai đoạn, việc đầu tư nuôi bò thịt lai giống ngoại có hiệu quả kinh tế vượt trội hơn so với nuôi bò lai Sind.
Từ đó, Trung tâm Khuyến nông đã tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều nông dân. Sau khi được tập huấn, nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi bò thịt có năng suất, chất lượng cao.
Hơn thế, nông dân không ngừng tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước cơ giới hóa đã thành công hướng đến phát triển chăn nuôi bò thịt bền vững như biết cách chọn phối giống có năng suất chất lượng cao, quản lý đàn bằng cách ghi chép sổ sách, biết bố trí cơ cấu đàn hợp lý, xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh phòng bệnh.
Hỗ trợ kỹ thuật và vốn
Nông dân Đặng Anh Đức (huyện Củ Chi) chia sẻ, vài năm qua, đàn bò sữa cho năng suất quá thấp (dưới 10kg sữa/con/ngày) nên thu không đủ bù chi.
Sau khi được Sở NN-PTNT tư vấn chuyển sang nuôi bò thịt cao sản với quy trình chăm sóc tận dụng tối đa nguồn phụ phế phẩm công nông nghiệp sẵn có, thiết lập diện tích trồng cỏ thâm canh (tối thiểu khoảng 200m2 – 300m2/con) để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu hàng ngày.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn đang còn nhiều khó khăn như giá thịt bò hơi không giảm nhưng thiếu ổn định, dịch bệnh gia súc trong vùng còn tiềm ẩn nhiều phức tạp…
Theo Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia súc lớn, trong những năm qua cùng với sự gia tăng về số lượng đàn gia súc thì diện tích đồng cỏ cũng tăng dần lên, nhưng chỉ mới đáp ứng được khoảng 20% – 30% nhu cầu thức ăn thô xanh cho đàn gia súc.
Do đó, giải pháp chủ lực để đảm bảo tốc độ phát triển của ngành là đảm bảo số lượng và chất lượng của thức ăn chăn nuôi, trong đó thức ăn thô xanh là chủ lực. Đồng thời, tạo nguồn phân hữu cơ tại chỗ để chăm bón, nâng cao năng suất cho cỏ.
Bà Nguyễn Thị Liễu Kiều nhận định, về diện tích chăn nuôi bò thì nước ta không có lợi thế, nhưng vẫn có thể phát triển chăn nuôi bò thịt tốt nhờ vào nguồn thức ăn phong phú từ các phụ phẩm như rơm, bắp, bã mía…
Hơn nữa, chăn nuôi bò thịt không đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao so với chăn nuôi bò sữa, không cần chăn thả với diện tích đồng cỏ lớn, mà có thể nuôi bằng cách bổ sung thức ăn tinh để tăng hiệu suất chuyển hóa thức ăn, rút ngắn thời gian nuôi và có giá thành đủ sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng con giống lai phải đặc biệt quan tâm đến khâu nuôi dưỡng. Nông dân TPHCM chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, đất trồng cỏ hạn hẹp, phần nào ảnh hưởng đến việc phát triển đàn bò, ứng dụng cơ giới hóa còn hạn chế dẫn đến chi phí sản xuất cao, hiệu quả kinh tế thấp, người chăn nuôi chưa mạnh dạn đầu tư quy mô lớn và không cho ăn theo công thức, thức ăn trộn bằng tay.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn, nông dân chăn nuôi bò thịt sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất, với phương án đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị phục vụ chăn nuôi bò thịt, sản xuất giống bò thịt.
Hỗ trợ 60% lãi suất với phương án đầu tư mua giống, vật tư, thức ăn, nhiên liệu và trả công lao động trong sản xuất, chăn nuôi bò thịt. Nếu dự án dưới 10 tỷ đồng UBND huyện (hoặc quận) duyệt, trên 10 tỷ đồng là cấp thành phố.
Chương trình giống bò thịt tại TPHCM gồm giai đoạn 1 (2016 – 2020) là chọn tạo đàn bò hướng thịt nền phù hợp để tạo ra con lai theo hướng thịt. Năm 2020, tổng đàn bò thịt đạt 30.000 con, đàn bò nền đạt 30% tổng đàn bò thịt. Hàng năm cung ứng 10.000 tấn thịt bò hơi và 7.000 con bò cái giống, trọng lượng trưởng thành đạt 300 – 350 kg, tỷ lệ thịt xẻ 50% – 55%. Giai đoạn 2 (2021 – 2030) là đàn bò thịt cao sản đạt 40.000 con, trong đó hình thành con giống bò chuyên thịt. Hàng năm cung cấp cho thị trường 15.000 tấn thịt bò hơi, 10.000 bò cái giống, đáp ứng 20% liều tinh bò thịt cao sản cho người chăn nuôi. Đến năm 2030, trọng lượng trưởng thành 350 – 400 kg, tỷ lệ thịt xẻ 55% – 60%. Hình thành chuỗi liên kết sản xuất và xây dựng thương hiệu giống bò thịt |
Bình luận (0)