Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bỏ thói quen xấu để giúp mắt khỏe

Tạp Chí Giáo Dục

Có một số thói quen có thể tàn phá thị lực, từ việc ngủ với kính áp tròng đến sử dụng sản phẩm cũ chứa đầy vi khuẩn gây nhiễm trùng.


Có một số thói quen có thể tàn phá thị lực – Ảnh: Shutterstock
Theo Hiệp hội Nhãn khoa Mỹ, chăm sóc thị lực không chỉ tập trung vào việc kiểm tra mắt định kỳ mà còn liên quan đến việc tránh xa những thói quen xấu sau:
Không sử dụng kính mát. Đeo kính râm giúp lọc ánh sáng và bảo vệ mắt chống lại các tia UV có hại từ mặt trời. Theo các chuyên gia, kính mát giúp làm giảm độ chói từ mặt trời và có thể lọc ra gần 100% tia cực tím có hại. Thường xuyên tiếp xúc với tia UV có thể gây tổn hại cho giác mạc, thủy tinh thể và võng mạc. 
Tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử. Con người có xu hướng ngày càng tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử. Và mỏi mắt là một chấn thương lặp đi lặp lại được gây ra bởi thời gian, điều kiện làm việc không phù hợp và ánh sáng chói từ màn hình của thiết bị điện tử.
Ánh sáng chói có thể khiến cơ mắt mệt mỏi, và khi điều này xảy ra, nó gây khó khăn cho mắt để giải mã những gì hiển thị trên màn hình. Có rất nhiều cách để làm giảm mỏi mắt như: đặt màn hình máy tính đúng vị trí và canh khoảng cách phù hợp, cho mắt nghỉ ngơi sau thời gian sử dụng, thay đổi sự tập trung của mắt, chớp mắt, giảm độ sáng trên màn hình.
Ngủ với kính áp tròng. Mặc dù kính áp tròng được thiết kế đặc biệt cho những người có vấn đề về mắt, nhưng các bác sĩ nhãn khoa khuyên không nên đeo nó qua đêm. Giác mạc là lớp nằm ngoài cùng của mắt, nhận được oxy từ môi trường bên ngoài. Đeo kính áp tròng qua đêm ngăn cản oxy tới mắt và đôi khi dẫn đến loét giác mạc. Viêm loét giác mạc có thể gây đau mắt, mờ mắt, chảy nước mắt, đỏ, ngứa.
Lạm dụng thuốc nhỏ mắt. Thuốc nhỏ mắt có tác dụng làm co mạch máu khiến các sợi chỉ đỏ trong mắt biến mất. Nhỏ mắt có thể làm giảm triệu chứng đỏ nhưng không làm giảm các nguyên nhân. Sử dụng thuốc nhỏ mắt đôi khi có thể có tác dụng phục hồi, nhưng không nên lạm dụng. Tốt nhất không sử dụng chúng trong tất cả các trường hợp đỏ mắt và tránh nhỏ nhiều hơn bốn lần mỗi ngày.
Không tẩy trang khi đi ngủ. Có thể sẽ hấp dẫn khi đi ngủ với khuôn mặt vẫn còn phấn son, nhưng xét về phương diện sức khỏe, ngủ với lớp trang điểm còn trên mặt làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt. Các hạt li ti từ mỹ phẩm có thể dính vào mắt gây kích ứng. Trước khi đi ngủ, rất cần thiết để loại bỏ lớp bóng mắt, mascara, phấn lót hay bất kỳ sản phẩm nào khác còn sót trên mắt.
Kính áp tròng hết hạn. Giống như các loại thuốc khác, kính áp tròng cũng có thời hạn sử dụng. Mặc dù được niêm phong trong các thùng kín, nhưng với thời gian, kính áp tròng có thể bị tổn hại do các ống kính dễ thu hút sự ô nhiễm. Vì thế, cần phải kiểm tra kỹ lưỡng thời hạn sử dụng của kính áp tròng để không rước họa vào thân.
Lười khám mắt. Hầu hết bác sĩ nhãn khoa đều khuyên nên khám mắt hằng năm. Điều này rất quan trọng để đảm bảo đôi mắt khỏe mạnh và không có vấn đề. Một buổi kiểm tra mắt có thể phát hiện ra các triệu chứng của một số bệnh chẳng hạn như tiểu đường, bệnh tăng nhãn áp hay khối u não.
Theo Dailyhealthpost, trẻ em nên bắt đầu khám mắt từ 3 tuổi. Người lớn không có tiền sử gia đình hoặc các bệnh về mắt và có tầm nhìn tốt nên kiểm tra mắt mỗi 2-3 năm. Sau 40 tuổi, thời gian khám mắt rút ngắn lại còn 1,5 năm, trừ khi bạn bị tiểu đường hay có các vấn đề sức khỏe của mắt cần được theo dõi chặt chẽ hơn.
Cọ xát mắt. Rất khó để tránh dụi mắt khi bị ngứa hoặc mệt mỏi. Tuy nhiên, dụi mắt có thể truyền vi khuẩn từ tay vào mắt gây nhiễm trùng, viêm nhiễm, và viêm kết mạc. Nếu bị cảm lạnh hoặc dị ứng và thấy khó để dừng việc gãi mắt thì cần rửa tay để loại bỏ vi khuẩn. Cũng có thể rửa mặt để xoa dịu sự khó chịu khi mắt bị ngứa. 
Không chăm sóc sức khỏe. Nhiều người không nhận ra được mối liên hệ giữa mắt với sức khỏe tổng thể. Theo các chuyên gia, kiểm soát cholesterol và huyết áp có thể giúp bảo vệ tầm nhìn. Cao huyết áp mãn tính hoặc bệnh tiểu đường không được chẩn đoán sớm có thể dẫn đến biến chứng về tầm nhìn và thậm chí mù lòa.
Ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe tổng thể, kiểm tra mắt thường xuyên là những điều cực kỳ quan trọng để duy trì tầm nhìn tốt.
Ngọc Khuê (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)