Đối với những địa phương có nguồn thu ngân sách lớn, việc bỏ thu phí hầu như không ảnh hưởng, trong khi với các tỉnh nghèo, đây có thể sẽ là gánh nặng.
Với TP HCM, việc dừng thu phí xe máy không ảnh hưởng nhiều tới kinh phí bảo trì đường bộ của địa phương |
Liên quan đến đề xuất dừng thu phí đường bộ đối với xe máy, thời điểm hiện tại đã có phản hồi của 32 địa phương, trong đó có một số ít địa phương đề nghị dừng thu, trong khi các địa phương khác đề nghị tiếp tục thu, một số khác thì không có ý kiến. Điều này có thể xuất phát từ việc thu phí bảo trì đường bộ xe máy do các địa phương trực tiếp thu đang gặp nhiều khó khăn do chế tài chưa đủ mạnh nên có hiện tượng người nộp, người không nộp.
Ông Đinh Văn Nhã (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội):
Nên để địa phương tự quyết
Việc thu phí bảo trì đường bộ đối với mô tô, xe gắn máy cũng là việc làm cần thiết. Thời gian qua chúng ta đã thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao, vì thế cần phải xem xét để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Nếu đề xuất bỏ thu phí bảo trì đường bộ trên cả nước, đối với một số thành phố lớn như: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng…, là những địa phương có nguồn ngân sách lớn thì đây không phải vấn đề. Nhưng với những địa phương còn khó khăn, thì việc này sẽ vô tình tạo ra gánh nặng cho các địa phương đó.
Tôi cho rằng việc thu phí vẫn cần phải thu, nhưng mức thu nên giao cho từng địa phương quyết định, cụ thể ở đây là HĐND tỉnh, thành phố. Địa phương khi ấy làm sao phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích của việc thu phí, phải công khai, minh bạch các khoản thu này được sử dụng vào mục đích như thế nào để trực tiếp người dân có thể giám sát được. Nguồn tiền thu từ người dân để bảo trì đường thì dứt khoát phải dành phân bổ hợp lý cho giao thông, không vì mục đích nào khác. Tuyên truyền tốt, dân đồng thuận thì việc làm này sẽ phát huy hiệu quả. Trên thực tế, với phí bảo trì đường bộ thì ngân sách Nhà nước mới chỉ đáp ứng được 40-50% thôi, thậm chí không được như thế.
Bà Ngô Bích Thủy (Phó Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư):
Nếu dừng sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo trì
Mỗi năm có khoảng 300 nghìn km đường từ cấp tỉnh trở xuống cần phải bảo trì. Tuy vậy, ngay cả khi thu phí bảo trì đối với xe máy thì cũng chỉ đáp ứng 30 – 40%. Vì thế, nếu dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo trì.
Trong thời gian qua, do nhận thấy vai trò quan trọng của loại phí này đối với công tác bảo trì, xây dựng giao thông nông thôn nên nhiều tỉnh đã tích cực thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. Có nơi như như tỉnh Vĩnh Long tỉ lệ thu đạt tới 80%. Hay như tỉnh Thái Bình chỉ trong mấy tháng đầu năm 2015 đã thu được hơn 13 tỷ đồng. Nếu dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy thì các địa phương sẽ mất đi nguồn kinh phí xây dựng giao thông nông thôn và phải tự cân đối ngân sách của tỉnh để dùng cho công tác bảo trì.
Ông Nguyễn Công Định (Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa):
Áp lực ngân sách bảo trì đường bộ
Năm 2013, số tiền thu phí của Khánh Hòa đạt khoảng 10 tỷ đồng, đến năm 2014, chỉ khoảng 5 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2015 mới đạt hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này đã giúp giảm một phần áp lực ngân sách.
Nhưng thực tế, việc thu phí khá khó khăn, tồn tại một số bất cập, thiếu đồng bộ dẫn đến sự không công bằng, thắc mắc trong cử tri. Trong khi chúng ta thiếu chế tài xử phạt, các hộ dân không thực hiện đúng quy định. Tại kỳ họp vừa qua, HĐND tỉnh Khánh Hòa thống nhất mức thu bằng 0 đồng phí sử dụng đối với mô tô, xe gắn máy. Nhu cầu xây dựng, duy tu bảo dưỡng hạ tầng giao thông các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ đến giao thông nông thôn trên địa bàn là rất lớn. Không có những nguồn thu ngoài xã hội, áp lực này sẽ phải trông chờ vào ngân sách, trong khi khả năng đáp ứng còn rất hạn chế.
Ông Y Puăt Tơr (Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk):
Thu phí để giảm gánh nặng cho Nhà nước
Hiện tỉnh Đắk Lắk có trên 998.900 mô tô, xe gắn máy. Tính đến hết tháng 6/2015, phí thu được đối với mô tô là 4,867 tỷ đồng, đạt 16,5% kế hoạch năm 2015, giảm 56,37 % so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ thu phí đạt thấp là do công tác tổ chức thu phí tại các địa phương triển khai chưa thật sự quyết liệt, ý thức chấp hành việc nộp phí chưa cao, chế tài lại không có. Đặc biệt, công tác phổ biến, tuyên truyền vận động nhân dân của chính quyền cơ sở chưa tốt, chưa thật sự làm dân hiểu.
Có thể nói, đây là nguồn Quỹ quan trọng tạo nguồn cho địa phương duy tu, bảo dưỡng một số tuyền đường, nhằm giảm gánh nặng về kinh phí bảo trì cho Nhà nước. Đắk Lắk là một tỉnh còn nghèo, hạ tầng giao thông còn yếu kém. Bãi bỏ việc thu phí sẽ tạo khó khăn cho địa phương trong vấn đề tạo nguồn sửa chữa đường sá. Hiện Đắk Lắk còn hơn 5 nghìn km cần quỹ để “chăm sóc”.
Ông Ngô Hải Đường (Phó phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP HCM):
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo trì đường bộ
Trong các năm 2013, 2014, TP HCM chưa thực hiện việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. Đối với năm 2015, đến nay, các quận, huyện đang thực hiện phát phiếu kê khai và thống kê số lượng phương tiện. Cũng có số rất ít đơn vị đã tiến hành thu phí nhưng chưa sử dụng kinh phí này. Do đó, từ trước đến nay, công tác bảo trì hệ thống đường bộ nói chung và đường liên tỉnh nói riêng trên địa bàn TP HCM được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách thành phố mà chưa có nguồn kinh phí nào khác.
Từ năm 2014, khi có nguồn kinh phí được Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư phân bổ từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ đối với xe ô tô, thành phố đã triển khai công tác sửa chữa một số tuyến đường (sửa chữa định kỳ) để phục vụ người dân. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu. Do đó, về cơ bản thành phố vẫn phải dùng ngân sách thành phố để chi trả cho công tác bảo trì các tuyến đường trên địa bàn. Trường hợp dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với máy, trước mắt, thành phố vẫn tiếp tục dùng ngân sách để bảo trì hệ thống đường bộ. Về lâu dài, thành phố sẽ nghiên cứu đẩy mạnh xã hội hóa công tác này, đồng thời sẽ nghiên cứu các dịch vụ khai thác cơ sở hạ tầng hiện có để bổ sung vào nguồn vốn bảo trì đường bộ.
Ông Nguyễn Văn Điệp (Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai):
Cân đối nguồn vốn,sửa trước những đoạn đường ưu tiên
Việc triển khai thu phí bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được triển khai sau khi có chủ trương thu phí bảo trì đường bộ từ T.Ư. Kết quả ban đầu cho thấy đợt thu lần trước thấp hơn đợt thu lần sau. Công tác thu phí chủ yếu là vận động người dân đóng phí, do đó, có người đóng có người không đóng nhưng không có chế tài dẫn đến việc phát sinh nhiều bất cập trong việc thu phí tại các cơ sở, cũng như tính công bằng, hợp lý trong việc thu phí. Vừa qua, tại cuộc họp HĐND các đại biểu cũng có nhiều ý kiến không đồng tình về việc thu phí trong quá trình triển khai cũng còn nhiều bất cập và đã đề nghị dừng thu phí bảo trì đường bộ.
Hiện nay, đối với các tuyến đường ở địa phương, ngân sách địa phương cân đối sửa chữa. Hàng năm, Sở GTVT lên kế hoạch sửa chữa duy tu các tuyến đường tỉnh cần nguồn vốn rất lớn nhưng ngân sách không thể đáp ứng hết. Vì vậy, Sở phải cân đối nguồn vốn nên chỉ ưu tiên những tuyến, đoạn đường quan trọng ở khu vực đông dân cư để đảm bảo ATGT đường êm thuận.
Ông Nguyễn Quang Vinh (Chánh Văn Phòng Quỹ bảo trì Đường bộ Nghệ An):
Dân hưởng lợi lớn từ việc thu phí
Năm 2013, Nghệ An thu phí xe máy được 10 tỷ đồng, tương đương 30% kế hoạch; năm 2014 là 27 tỷ đồng tương đương 74% kế hoạch, 6 tháng đầu năm 2015 thu được 2,85/13,9 tỷ đồng đạt 20,1% kế hoạch. Từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ ở địa phương năm 2013, 2014 và phí thu được từ ô tô năm 2015, tỉnh đã phân bổ kinh phí để duy tu, sửa chữa 24 tuyến đường tỉnh với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng, 64 tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã với kinh phí 131,3 tỷ đồng. Tất cả các tuyến đường được duy tu, sửa chữa bằng nguồn từ Quỹ Bảo trì đường bộ đều được cắm biển “Tuyến đường được sửa chữa bằng Quỹ Bảo trì đường bộ” để người dân thấy được tiền nhân dân đóng góp đang được sử dụng một cách hiệu quả.
Đặc biệt, thực hiện Nghị định 56 của Chính phủ, từ năm 2015, tỉnh Nghệ An đã cho phép các địa phương được trích lại 60% tổng số tiền thu được từ khoản phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, xe gắn máy để tái xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, phong trào này được đẩy nhanh và mang lại hiệu quả tích cực hơn. Người dân địa phương các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cũng được hưởng lợi từ Quỹ Bảo trì đường bộ. Nghệ An đã có văn bản đề nghị Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư và Bộ GTVT cho phép địa phương được tiếp tục thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, xe gắn máy.
Theo Nhóm PV/ Báo giao thông
Bình luận (0)