Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bỏ thuốc lá để ngăn ngừa ung thư

Tạp Chí Giáo Dục

Những bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi biết rằng, hút thuốc lá rất có hại cho sức khỏe. Dù vậy, khi chưa phát bệnh, họ không thể dễ dàng bỏ thuốc lá. 

 
Không ân hận nhưng tôi biết mình đã sai
Nói đến nguyên nhân đưa mình đến với thuốc lá, ông V.T.Q, 67 tuổi, bệnh nhân của Khoa Ung bướu, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, nuối tiếc. Ngày nhỏ, khi thời tiết lạnh, bắt trước các anh lớn, ông chỉ “nhấp tí thuốc cho đỡ buốt”. Năm 12 tuổi, lần đầu tiên hút thuốc, lại là thuốc lào, cậu bé Q. ho sặc sụa, nhưng dần cũng quen. Lớn lên, sống xa nhà, điếu thuốc lại trở thành "bạn đồng hành" của ông trong những đêm cần thức trắng. Đối diện với cuộc sống mưu sinh vất vả hàng ngày, điếu thuốc lại tiếp tục bầu bạn cùng ông. 
Ảnh: Internet
“Có lẽ "làm bạn" với nhau lâu quá nên giờ tôi cũng chuẩn bị đi theo nó luôn- ông Q. cười chua chát- Hoàn cảnh gắn tôi với thuốc lá, tôi không ân hận nhưng biết mình đã sai khi chọn thuốc lá làm bạn. Tôi luôn lấy mình để làm "gương" cho gia đình, bạn bè khi khuyên họ nên bỏ thuốc lá. Với các em thiếu niên, nếu chưa từng hút thì đừng nên tiếp xúc với nó, với những người đã từng hút thì nên bỏ dần. Tôi biết nói thì dễ nhưng làm rất khó, nhất là khi hút thuốc đã trở thành thói quen hàng ngày. Nhưng hãy nhìn vào điếu thuốc và tưởng tượng, khi bạn hút thuốc, điếu thuốc ngắn đi chừng nào thì cuộc đời của bạn cũng ngắn đi chừng ấy”.
Có bệnh mới sợ thuốc lá
“Tôi bệnh là do ham vui”, ông T. 59 tuổi thổ lộ. Làm quen với thuốc lá từ khi 15 tuổi, ông nghiện thuốc lá lúc nào không hay. Hôm nào phải giao tiếp nhiều, ông hút 2 gói/ngày, bình thường cũng hút từ 1 – 1, 5 gói/ngày. Ông nhớ lại: “Hồi mới hút thuốc, nhiều người khuyên không nên hút nhưng tôi không nghe. Thấy tôi hút ngày càng nhiều, vợ con cũng lo. Nhưng đã thành thói quen rồi, vui cũng hút, buồn cũng hút, không vui không buồn cũng hút, vì thế  đâu có bỏ được; nghe nói hút thuốc dễ bị bệnh mà có thấy tận mắt đâu mà sợ!”.
Bây giờ thì ông T. khẳng định “bỏ hết rồi, bỏ dứt điểm”. Trở lại bệnh viện tiếp tục quá trình trị liệu, ông cho biết, năm 2009, phát hiện bị ung thư phổi, nghe bác sĩ khuyên nên bỏ thuốc lá, ông bỏ luôn. "Ban đầu mới bỏ thuốc, tôi cũng thèm lắm. Nhưng gia đình mua kẹo singum cho tôi nhai, từ từ rồi cũng quen. Bác sĩ nói nếu  có lối sống lành mạnh, có thể tôi sống thêm từ 3 – 5 năm nữa. Thấy tôi như vậy, con cháu ở nhà không ai dám hút thuốc cả, tôi cũng mừng”.
Ba người bị ung thư thì một có tiền sử hút thuốc lá
Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Đình Thanh- Trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM cho biết, 60 % các bệnh nhân bị ung thư phổi tại khoa có tiền sử hút thuốc lá với lượng khá nhiều. Tuy nhiên, điều đáng mừng là gần 100% trong số đó bỏ thuốc lá ngay sau khi nhập viện. Ngoài những tác hại gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thì thuốc lá cũng góp phần đưa bệnh ung thư đến gần người hút hơn. “Khói thuốc lá, trông thì nhẹ nhàng, phảng phất, lãng tử… nhưng chứa 60 chất gây ung thư tác hại đến người hút và cả những người chung quanh hít phải làn khói trắng này. Không chỉ ung thư phổi, Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã cảnh báo, thuốc lá là nguyên nhân gây ra 15 loại ung thư: miệng, họng, thanh quản, dạ dày, ruột, vú, cổ tử cung, bàng quang… Trong ba người bị ung thư thì một người có nguyên nhân do hút thuốc lá”, BS Thanh nhấn mạnh. Vì vậy, phương hướng của ngành y tế trong điều trị tốt nhất đối với ung thư phổi là phòng chống hút thuốc lá.
Hơn thế, phòng bệnh và điều trị dự phòng là một trong những phương pháp tốt nhất mà các bác sĩ áp dụng trong quá trình tuyên truyền về tác hại của thuốc lá. Trong số đó, bác sĩ khẳng định, khuyên bệnh nhân bỏ thuốc lá cũng là một cách điều trị, điều này đang được rất nhiều bệnh nhân ủng hộ.
Bác sĩ Thanh khuyến cáo: “Hãy bỏ thuốc lá, không phải chỉ vì sức khỏe của riêng bạn mà còn vì sức khỏe của gia đình, người thân, bạn bè của bạn. Vì tác hại của hút thuốc lá thụ động cũng không kém so với hút thuốc lá”.
Nguyên Hạnh / Phụ Nữ

Bình luận (0)