Tòa soạnThư đi – tin lại

Bỏ tiền tỷ xây trường để làm… chuồng bò: Kỳ 1: Vi phạm tràn lan

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy trò Trường THCS Cộng Hòa (huyện Quốc Oai, Hà Nội) đón năm học mới bằng một ngôi trường xây 3 năm chưa xong

HS thiếu chỗ học trong khi trường xây xong chưa được đưa vào sử dụng. Nghịch lý này đang tồn tại ngay thủ đô Hà Nội.
Trường xây tiền tỷ nhưng cô và trò vẫn khai giảng, học tập trong ngôi trường như nhà hoang. Trường xây xong để rêu mọc, mối làm tổ, còn thầy và trò thiếu phòng học, thiếu sân chơi.   
3 năm chưa hoàn thiện xong cổng trường
So với hàng triệu HS thủ đô náo nức đón ngày khai trường trong những ngôi trường khang trang vừa được xây mới, cải tạo lại sau 3 tháng nghỉ hè thì các em HS Trường THCS Cộng Hòa (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) là chịu thiệt thòi hơn cả. Ngôi trường của các em nếu không giăng tấm biển “Nhiệt liệt chào mừng năm học mới” trên hai cột trụ xây dở dang chắc không ai nhận ra đó là nơi đào tạo nên những mầm non đất nước. Sau ngày khai giảng vẫn thê thảm khi các cô trò Trường THCS Cộng Hòa ngày ngày phải đi qua bốn cột trụ xây nham nhở bước vào khoảng sân lầy lội để tới lớp. Đó là chưa kể tới việc đang giờ học im phăng phắc thi thoảng vang lên tiếng máy khoan, máy cưa ầm ĩ của dăm ba người thợ nói là tới hoàn thiện nốt công trình. Theo phản ánh của các cô giáo trong trường, nhóm thợ chỉ dăm ba người này làm việc rất cầm chừng, thi thoảng mới thấy xuất hiện làm một vài việc như trát lại tường vài phòng học dang dở, hay đấu nối điện… Làm được một hai bữa lại không thấy nhóm thợ đâu, có nhiều lần GV thắc mắc lên chính quyền xã lại thấy nhóm thợ khác xuất hiện vài ngày rồi lại đi đâu mất…
Thực trạng này đã kéo dài 3 năm nay, từ năm 2010 Trường THCS Cộng Hòa được đầu tư xây mới 2 khối nhà 2 tầng. Đến nay, tường của 2 khối nhà đã mọc rêu xanh, hai dãy nhà thì vẫn trong tình trạng hoang phế. Nghịch cảnh thầy và trò của Trường THCS Cộng Hòa vẫn phải dạy và học trong tình trạng thiếu phòng đang gây bức xúc không nhỏ với người dân địa phương. Bác Lâm (bảo vệ nhà trường) cho biết, các cháu không có chỗ tập thể dục, chỗ chơi vì lối đi từ cổng vào sân chưa được lát gạch và xi măng nên cứ mưa là ngập. Sau nhiều lần trì hoãn, vừa qua, đơn vị thi công tiến hành lợp tôn cho 2 khối nhà trông như bỏ hoang. Còn anh Xuân Quang, người dân xã Cộng Hòa bức xúc: “Phụ huynh chúng tôi cũng nhiều lần thắc mắc về tình trạng ngôi trường và có đặt vấn đề với Ban giám hiệu nhà trường. Nhưng cũng khó cho nhà trường khi được biết chủ đầu tư của công trình xây dựng trường học là UBND xã Cộng Hòa, còn doanh nghiệp xây dựng trường nghe đâu thuộc huyện… Ngôi trường với đầu tư tiền tỷ không biết vì lý do gì 3 năm để dang dở, trong khi đó Trường Tiểu học Cộng Hòa khởi công sau 2 năm đến nay đã đưa vào sử dụng”. Nói về chuyện trường bỏ hoang để dân nuôi bò, ông Vương Đắc Thủy, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa thẳng thắn cho biết, cả xã có vài con bò người dân nuôi theo tập quán thả rông nên không thể có chuyện trường thành chuồng bò!
Ngay cạnh Trường THCS Cộng Hòa là Trường THCS Tân Hòa, ngôi trường được chi hàng tỷ đồng để xây thêm phòng học nhằm đạt chuẩn nhưng sau 2 năm hoàn thiện, các phòng học mới xây của trường vẫn chưa được đưa vào sử dụng mà để cho… mối xơi! Thực trạng này cũng đã được UBND xã Tân Hòa báo cáo huyện Quốc Oai, tại các phòng học mới được đầu tư xây dựng, hầu hết các khung cửa bị mối đục khoét; nền của các phòng và hành lang bị nổ, bong tróc gạch nát; kính các cửa sổ bị vỡ. Cửa sổ làm bằng kính đã vỡ gần hết, sàn nhà chỗ lồi chỗ lõm, gạch hoa lát nền nhiều chỗ bong tróc. Trường học thậm chí còn không có cánh cổng nên công tác bảo vệ không thể đảm bảo được, vì vậy hè vừa qua trẻ em xung quanh tùy tiện ra vào nghịch phá…
Trường bỏ hoang trong vỏ bọc hoành tráng
Nhìn từ xa, Trường Tiểu học Hoàng Xá (xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, Hà Nội) với mái ngói đỏ tươi, sơn ve còn tươi màu mới, cao đẹp và bề thế chẳng thua bất kì một ngôi trường đạt chuẩn nào khác. Nhưng khi tiếp cận thì trường hiện ra chẳng khác gì một ngôi nhà để hoang, sân trường rộng hơn 200m2 người dân tận dụng phơi gỗ. Hàng trăm mét khối gỗ ngổn ngang che lấp toàn bộ mặt sân không còn một lối đi để vào lớp. Chính vì thế, càng vào trong càng thấy cảnh phế tích ở ngay sảnh chính của trường và dọc hành lang phủ đầy rác thải. Dù không thấy cảnh chuồng trâu, chuồng bò nhưng phân và nước thải của loài động vật này thì vương vãi khắp nơi và bốc mùi nồng nặc. Đó là chưa kể hầu hết cửa kính của các lớp học đã bị đập vỡ vụn, các mảnh thủy tinh văng đầy mặt nền, trên tường thì chi chít hình vẽ bậy…
Trường xây mới bỏ hoang phế không thể sử dụng, trong khi trước áp lực “heo vàng vào lớp 1” lượng HS tiểu học trong địa bàn xã ngày càng tăng. Không còn cách nào khác, hơn 600 HS Trường Tiểu học Lại Thượng vẫn phải “dạy chung”, “học dồn” nhờ trong dãy lớp của trường THCS gần đấy. Trong khi  cơ sở vật chất của Trường THCS Lại Thượng đã chật hẹp, khó khăn giờ càng chồng chất khi phải “gánh” thêm thầy trò cấp tiểu học. Cô Chu Thị Bảy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lại Thượng cho biết: “Hai cấp học áp dụng hai hình thức giáo dục hoàn toàn khác nhau, cùng sử dụng một điểm trường trong khi khung giờ dạy học lại không giống nhau khiến cho sinh hoạt cô và trò luôn bị động. Chúng tôi vẫn  cố gắng khắc phục nhưng về lâu dài tình trạng này thật không ổn”.
Khổ nhất vẫn phải nhắc đến phụ huynh và HS thôn Hoàng Xá. Trong 4 năm qua, con em của thôn càng trông chờ vào ngôi trường mới thì càng phải đau lòng chứng kiến dãy phòng học hoàn thành, nhưng rồi chỉ để làm… chuồng bò, chuồng gà và là nơi tập kết các loại phế thải, xà bần vật liệu xây dựng…
Ngày nào cũng phải đưa con đi học ngang qua ngôi trường mới xây cất nhưng bỏ hoang phế, anh Kim Văn Huỳnh (thôn Hoàng Xá) không khỏi bức xúc: “Đường sá đi lại vẫn còn xấu qua nhiều ao chuôm nên chúng tôi rất lo ngại cho sự an toàn của con em mỗi khi đi học. Bình thường tôi vẫn đưa đón các cháu tận nơi, nhưng hôm nào bận cũng phải đánh liều cho cháu nó tự đi mà lo ngay ngáy. Trong khi đó ngôi trường mới xây hoành tráng, bề thế thì nằm trơ gan cùng tuế nguyệt, bỏ mặc cho hoang phế”. Cũng như anh Huỳnh, khi trường này bắt đầu xây, bà con ai cũng mừng và trông đợi  ngày ngôi trường khánh thành, thậm chí bà con còn nhất trí để trường được khởi công xây dựng vào tháng 4-2009 trên khu đất thuộc khuôn viên chùa Hoàng Xá trên trục đường chính dẫn vào thôn. Lãng phí này được chính người dân Hoàng Xá đong đếm chi ly, nếu được đưa vào sử dụng và khai thác hết tiềm năng thì dãy 4 phòng học (mỗi phòng có thể đảm bảo chỗ học cho 40-50 HS) không chỉ đáp ứng nhu cầu trường lớp cho riêng thôn Hoàng Xá mà hai thôn lân cận là Ngụ Thộ và Phú Thụ cũng thơm lây… Nhưng lợi ích này vẫn còn dạng tiềm năng bỏ ngỏ.
Cách đây chưa lâu, Trường Mầm non Cụm 3 (xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đầu tư “tiền tỷ” xây mới từ năm 2010 nhưng chỉ được đưa vào sử dụng khoảng 5 tháng thì đóng cửa, bỏ hoang đến tận bây giờ mà không rõ vì lý do gì?! Thực trạng này vẫn còn xảy ra nhiều trên địa bàn thủ đô Hà Nội.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê

Bình luận (0)