Nhiều người vì muốn giảm cân lấy lại vóc dáng nên ăn rất ít hoặc kiêng tinh bột hoàn toàn. Hậu quả là sức khỏe bị giảm sút do cơ thể suy nhược. Nguy hiểm hơn là sau đó họ dễ rơi vào trạng thái hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi và trí nhớ bị giảm sút.
Lựa chọn thực phẩm giàu tinh bột đúng cách sẽ có lợi cho sức khỏe |
Bỏ cơm để giảm cân
Với trọng lượng trên 90kg nên anh Vũ Xuân Hưng, nhân viên của một công ty vận tải đường biển ở Q.7 được coi là “người đàn ông quá khổ”. Sau khi nghe lời khuyên của người thân và đọc vài thông tin trên mạng, anh Hưng đã bắt đầu điều chỉnh chế độ ăn bằng cách ăn ít cơm để giảm bớt trọng lượng: “Trước đây mỗi bữa chính tôi có thể ăn 4 đến 5 chén cơm hoặc buổi sáng có khi ăn liền 2 tô hủ tiếu nhưng nay tôi đã chuyển sang ăn thịt cá và các loại rau củ”. Điều mong muốn của anh Hưng cũng được toại nguyện, sau 3 tháng trọng lượng của anh đã giảm được gần 10kg, vóc dáng tuy chưa gọn nhưng cũng nhẹ nhàng và dễ nhìn hơn. Thế nhưng, đi cùng với niềm vui là nỗi lo nối tiếp sau đó vì anh thấy sức khỏe không còn như xưa: “Dù đi đứng không còn nặng nề như trước nhưng cơ thể có vẻ mệt mỏi hơn, thỉnh thoảng còn hay chóng mặt hoa mắt giống như triệu chứng của căn bệnh rối loạn tiền đình trước đây tôi đã bị”. Cũng theo anh Hưng, đôi khi hay quên quên nhớ nhớ vì không được minh mẫn và sáng suốt như trước đây.
Đó cũng là nỗi lo của chị Bùi Thị Thắm, chủ quán cà phê Hồng Thắm đường Hoàng Long, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức trong mấy tháng nay vì kiêng ăn cơm, bánh mỳ, hủ tiếu để hy vọng lấy lại vóc dáng thời thanh xuân: “Ban đầu tôi bỏ cơm cũng thấy rất khó chịu vì rất thèm nhưng phải quyết tâm tìm cách giảm béo. Sau mấy tháng bỏ cơm thì thấy giảm cân thật nhưng có vẻ như sức khỏe không được bình thường như trước”. Tiền sử có bệnh đau đầu nên hầu như hôm nào người phụ nữ 50 tuổi này cũng có triệu chứng chóng mặt, nhức mắt, ngồi một chỗ cũng thấy mệt và đuối sức.
BS.CKI Nguyễn Thị Ánh Vân – Khoa Dinh dưỡng lâm sàng (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) trao đổi: “Cơm, bánh mỳ, bắp, khoai các loại, trái cây, nước ngọt, bánh ngọt là những thực phẩm giàu chất bột đường luôn chiếm một phần quan trọng trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Ngoài chất đạm protein và chất béo, carbohydrate là một trong 3 chất đa lượng căn bản của cơ thể con người. Carbohydrate tồn tại ở nhiều dạng khác nhau. Những dạng phổ biến và dồi dào về số lượng nhất là đường, chất xơ và tinh bột có trong gạo, khoai, mỳ, bắp…”. Theo BS Vân, đường glucose nhờ carbohydrate cung cấp sẽ được chuyển hóa thành năng lượng cho các bộ phận cơ thể và phục vụ hoạt động thể chất.
Não bộ sẽ bị “vạ lây”
Tuy nhiên, có người quan niệm chất bột đường chính là “thủ phạm” đầu tiên gây nên hậu quả béo phì và coi chúng là “kẻ thù không đội trời chung” trong mỗi bữa ăn, vì thế cần phải tránh xa. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đây là một quan niệm thật sự sai lầm vì như trên đã nói, bột đường (glucid/carbohydrate/glucose) là chất cung cấp năng lượng cho các hoạt động và chức năng quan trọng nhất của cơ thể, chiếm 60-65% tổng năng lượng khẩu phần. Một gam carbohydrate cung cấp 4kcal năng lượng. Nó cấu tạo nên tế bào và các mô, hỗ trợ sự phát triển não và hệ thần kinh, điều hòa hoạt động của cơ thể, cung cấp chất xơ cần thiết. Đặc biệt, các glucid, glucose là chất đốt của não bộ, là nhiên liệu giúp não bộ hoạt động nên không thể thiếu trong khẩu phần ăn hằng ngày. Với trọng lượng 1/50 trọng lượng cơ thể, nhưng mỗi ngày não cần tới 400 calo, tương đương với 1/5 tổng số năng lượng mà người bình thường cần trong một ngày.
BS Nguyễn Thị Ánh Vân kết luận, ngay cả trong giấc ngủ lượng glucose trong não bộ cũng rất cần thiết và gia tăng khi có những giấc mơ. Bỏ cơm thì não bộ sẽ bị “vạ lây”. Vì glucid, glucose giúp não bộ hoạt động nên không thể thiếu trong khẩu phần ăn hằng ngày của mỗi chúng ta… |
Thực tế cho thấy, bên cạnh thực phẩm chứa tinh bột có lợi cho sức khỏe là một số thực phẩm không có lợi cho sức khỏe. BS Nguyễn Viết Quỳnh Thư – Trưởng khoa Dinh dưỡng (BV Pháp Việt) phân tích: “Những nguồn carbohydrate không có lợi cho sức khỏe là bánh mỳ, sợi mì, soda và những thực phẩm được chế biến hoặc tinh luyện kỹ. Những sản phẩm này chứa nhiều carbohydrate dễ tiêu hóa, khiến chúng ta dễ tăng cân hoặc khó giảm cân. Điều này cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tim mạch”. Vì thế để tránh tăng cân không có nghĩa là kiêng khem các loại thực phẩm giàu chất bột đường như bỏ cơm, không ăn các loại bánh mỳ, hủ tiếu mà phải biết chọn lựa các loại thực phẩm giàu chất bột đường có lợi cho sức khỏe và cũng không làm tăng cân. Thay vì ăn cơm ngày 2 bữa thì chúng ta phải nạp năng lượng từ từ bằng cách ăn ít lại và ăn nhiều bữa.
Muốn giảm cân nên chọn những loại thực phẩm có dạng bột đường hấp thu chậm như: ngũ cốc thô gồm gạo lứt không xát trắng, bánh mỳ đen, khoai lang, khoai tây, bắp nguyên củ. Chọn bưởi, táo, sơri, thanh long tráng miệng là những loại hoa quả ít ngọt cũng có lợi cho cơ thể mà không hề tăng đường huyết và tăng ký. Hạn chế và tránh xa những loại trái cây nhiều đường, nước ngọt, bánh kẹo ngọt, chè…
Nhiều người bỏ ăn sáng và bữa tối cũng không nên. Bữa cơm tối ăn nhẹ nhàng nhưng phải đầy đủ vì ban đêm não bộ cũng làm việc như ban ngày. Bữa cơm tối sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, trí nhớ và hoạt động não bộ.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Bình luận (0)