Bìa sách và những bức ký họa trong Kỹ thuật của người An Nam |
Đó là bộ tranh khắc và ký họa có đến 4.200 bức vẽ về sinh hoạt nghề nghiệp trên khắp đường phố Hà Nội cùng các vùng phụ cận, do nhiều họa sĩ, nghệ nhân VN thực hiện theo yêu cầu của nhà nghiên cứu người Pháp Henri Oger cách đây một thế kỷ.
Công trình có một không hai
Đến nay, người ta vẫn chưa xác định hết danh tính của tập thể thợ vẽ và thợ khắc VN đã làm việc với Henri Oger để hoàn tất bộ tranh độc đáo trên, mà Từ điển bách khoa Việt Nam chỉ thấy nhắc đến vài người trong số đó như: Phạm Trọng Hải (quê Hưng Yên), Nguyễn Văn Giai, Phạm Văn Thiêu, Nguyễn Văn Đang (cả ba đều quê Hải Dương). Bộ tranh đồ sộ ấy xuất bản lần đầu tiên với tựa Kỹ thuật của người An Nam (Technique du peuple Annammite) vào đúng 100 năm trước (1909) gồm 2 tập khổ lớn và với số lượng rất ít: chưa đầy 60 bản! Vì thế nó đã trở nên quý hiếm và gần như “tuyệt tích”. Ở nước ngoài, một ít bản hiện được lưu giữ dưới dạng vi phim tại các trường đại học như Johns Hopkins Baltimore, Southern Illinois Carbondale, California Berkeley, Cornell (Mỹ); ở Thư viện nghệ thuật và khảo cổ học ĐH Paris IV, Sorbonne (Pháp); ĐH Keio (Nhật Bản)… Riêng ở VN là nơi ấn hành hiện cũng chỉ còn biết đến hai bản: một (không đầy đủ) lưu giữ tại Thư viện quốc gia Hà Nội và một bản khác (tương đối tốt) tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM.
“Ra đời cách đây một thế kỷ, Kỹ thuật của người An Nam (1909) của Henri Oger nằm trong số những cuốn sách mà tính độc đáo và sự trường tồn của chúng bắt nguồn từ khả năng gợi sự liên tưởng trong nhiều trường hợp. Độc giả trước hết bị lôi cuốn bởi chất lượng thẩm mỹ của khoảng 4.200 bức vẽ và tranh khắc đã cấu thành và khiến tác phẩm này trở nên một cuốn sách nghệ thuật thực sự” – trích nhận xét chung của Hội đồng danh dự của dự án tái bản công trình tranh khắc và ký họa Kỹ thuật của người An Nam. |
Vì giá trị văn hóa và nhiều điểm độc đáo trong công trình của Henri Oger và các họa sĩ, nghệ nhân VN nên một dự án tái bản bộ sách được bàn định theo sáng kiến của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội. Người khởi xướng trực tiếp là ông Jean Jacques Donnard, phụ trách vùng của dự án Phát huy di sản thư tịch ở Đông Nam Á (dự án VALEASE). Bản mẫu cho lần tái bản này lấy từ bản lưu của Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, cấu trúc của ấn bản gốc được giữ nguyên trạng và in làm 3 tập, dày hơn 975 trang, khổ rộng 31,5 x 24 cm. Tập 1 gồm bản văn (bằng 3 thứ tiếng Anh, Pháp, Việt – bản dịch tiếng Anh của Sheppard Ferguson, bản dịch tiếng Việt của Trần Đình Bình) giới thiệu tổng quát về kỹ thuật của người VN. Tập 2 và tập 3 in lại toàn bộ 700 bản tranh khắc (với khoảng 4.200 ký họa). So với bản gốc (và các công trình giới thiệu về bộ sách xuất bản trước đây), thì lần tái bản này cung cấp đến độc giả bản dịch sang tiếng Việt toàn bộ các tiêu đề và ghi chú bằng chữ Hán-Nôm trong bộ sách (do nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Nguyên đảm trách).
Henri Oger là ai?
Bộ sách có bài của Pierre Huard giúp độc giả biết chi tiết về nhà nghiên cứu Henri Oger. Theo đó, Henri Oger sinh năm 1885 tại Montrévault (Pháp), học triết học, tiếng La-tinh và tiếng Hy Lạp, học trường Cao học thực hành năm 1906, sang Hà Nội hai năm 1907-1909, làm viên chức hành chánh dân sự của Đông Dương năm 1910-1912, có bằng tiếng Việt và tiếng Hán. Ông về lại Pháp năm 1919 vì bị bệnh, rồi sau đó mất tích năm 1936. Trong thời gian ở VN, Henri Oger thực hiện “đề án quan trọng nhất” (và cũng đủ làm rõ cá tính của ông là nhà nghiên cứu trẻ, mới 24 tuổi), trên thực địa (đi ròng rã một năm trời khắp các xưởng, các cửa hàng, đường phố của Hà Nội và làng quê cùng một họa sĩ VN) để ghi nhận những điều trông thấy qua ký họa.
Xong việc, Henri Oger tìm cách xuất bản, nhưng thời bấy giờ không một nhà in nào ở Hà Nội đảm nhiệm được việc đó và cũng chưa có sự trợ giúp chính thức nào (cho công trình). May mắn là không lâu sau, Henri Oger được 20 người tốt bụng ủng hộ khoảng 200 đồng bạc, nên đã tuyển được 30 thợ khắc gỗ ứng tác trong hai xưởng đặt tại chùa Vũ Thạch. Cuối cùng, bộ sách cũng in xong trên giấy của “những người làm giấy làng Bưởi, loại giấy đặc biệt được làm từ vỏ cây thụy hương”. Ấn bản không phải nộp lưu chiểu và không đưa vào Thư viện quốc gia. Điều đó đã khiến Pierre Huard kêu lên: “Tôi không tưởng tượng được là mình đã không tìm thấy bản (in) nào của công trình này trong các thư viện ở Paris (chỉ có bản vi phim)”. Lúc mới ra đời với số lượng ít ỏi nêu trên, tác phẩm này đã không nhận được sự tán thưởng nào từ phía công chúng nước Pháp cũng như ở VN (kể cả những người quan tâm tới triết học, khảo cổ học và văn học dân gian lúc bấy giờ). Nhưng đến nay, việc tái bản, phục hồi công trình được tiến hành nghiêm túc, đánh dấu số tuổi 100 năm sau lần xuất hiện đầu tiên, cũng như “xứng đáng được đánh giá và nghiên cứu lại” một cách khoa học và khách quan hơn.
Đó cũng là một cách nhìn nhận Henri Oger và các họa sĩ, nghệ nhân VN đã “làm việc giữa không khí lãnh đạm và thù địch” một thời. Nay các cơ quan văn hóa Việt – Pháp vừa thực hiện xong dự án tái bản 2.000 cuốn với sự hợp tác của Công ty văn hóa Nhã Nam và NXB Thế Giới. Vấn đề còn lại lúc này, như Philippe Le Failler và Olivier Tessier (những người viết lời tựa và phần giới thiệu cho cuốn sách) đưa ra là: cần khai thác kho tàng thông tin lịch sử, xã hội và văn hóa chứa đựng trong bộ tranh khắc và ký họa ấy.
Giao Hưởng (Theo TNO)
Bình luận (0)