Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Kỳ thi quốc gia không gây sốc cho thí sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận. Ảnh: I.T

Đăng đàn Quốc hội lần này (trong 2 ngày 12 và 13-6), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhận được rất nhiều câu hỏi của các đại biểu xoay quanh các vấn đề của giáo dục đang được dư luận quan tâm hiện nay như: Chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) mới, một kỳ thi THPT quốc gia, đánh giá học sinh (HS) tiểu học theo thông tư 30, chất lượng giáo dục ĐH.

PV: Liên quan đến thông tư 30 về đánh giá HS tiểu học, bên cạnh tích cực còn ý kiến trái chiều, nhất là khen thưởng cuối năm, có nơi khen thưởng khắt khe quá, có nơi lại khen thưởng quá dễ dãi. Nhiều bậc phụ huynh năm nay không biết con mình điểm số như thế nào vì không có xếp loại học lực khá, giỏi… Bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Việc chuyển từ đánh giá HS tiểu học qua điểm học lực sang đánh giá nhận xét và bằng điểm là một bước chuyển phù hợp với thực tế đang triển khai tại các nước có nền giáo dục phát triển. Phương thức này nhằm thay đổi động lực học của HS từ điểm số sang học hoàn thiện kỹ năng và hình thành phẩm chất của con người.

Có một số bất cập đã cản trở việc thực hiện một quy định có tính nhân văn. Đó là sĩ số HS/lớp ở nhiều đô thị quá cao khiến cho giáo viên khi phải sát sao quan tâm tới từng HS sẽ vất vả hơn. Thói quen, nhận thức của phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý chưa thay đổi nên có những lúng túng, bỡ ngỡ. Đây là trục trặc bước đầu, Bộ GD-ĐT sẽ có chấn chỉnh.

Chúng ta có cần phải có một vị “nhạc trưởng” để viết CT-SGK mới?

Bộ đã thống nhất có tổng chủ biên toàn bộ CT và có chủ biên của từng môn, từng cấp học. Nói cụ thể thì có chỉ huy theo cả chiều dọc và chiều ngang để nhìn tổng thể và phân bố kiến thức một cách hài hòa khoa học.

Việc biên soạn SGK ở các nước phát triển đều có những bộ phận chuyên nghiệp viết, còn Việt Nam thì huy động thầy cô giáo, cán bộ khoa học tham gia. Lần đổi mới này cũng thế. Bộ đã làm việc với các sở GD-ĐT, Hiệp hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và các hội thành viên để lựa chọn những cá nhân đủ điều kiện để tham gia viết CT-SGK sắp tới. Hiện đã có khoảng 200 giáo viên, cán bộ khoa học được huy động để tham gia viết CT-SGK mới sau 2015. Bộ cũng dự định sẽ công bố bản dự thảo CT mới này vào tháng 7 tới.

Vấn đề cơ sở vật chất và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chuẩn bị cho CT-SGK mới như thế nào?

Đề án về cơ sở vật chất nối tiếp những CT mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo, triển khai. Bộ đang triển khai CT này theo nguyên tắc tận dụng triệt để trang thiết bị hiện có. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ CNTT, kỹ thuật số để một là tiết kiệm nguồn chi đầu tư bổ sung, thứ hai cũng phải phù hợp với xu thế phát triển các nước có nền giáo dục phát triển và đang triển khai đào tạo theo phát triển năng lực. Đề án đào tạo bồi dưỡng giáo viên, có hai việc: Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ đáp ứng chuẩn CT mới. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết thêm bộ đã chỉ đạo 7 trường ĐH sư phạm lớn của cả nước phải đổi mới. Từ đó, tạo ra sự lan tỏa đối với các trường sư phạm khác. 7 trường sư phạm này được chủ động 2 việc đó là chủ động xây dựng CT để đào tạo đảm bảo chất lượng đầu ra đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Thứ hai là chủ động xây dựng CT bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên.

Thưa Bộ trưởng, trong những năm gần đây, sinh viên ra trường nhưng không xin được việc làm có phải do chất lượng đào tạo không?

Việc tìm việc làm thì có nhiều nguyên nhân: Do trường đào tạo, ngành đào tạo chưa đảm bảo chất lượng, sinh viên thiếu kỹ năng làm việc; nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH vẫn quan niệm nhờ người xin việc cho mình. Còn yếu tố khách quan tác động như kinh tế có tốc độ tăng trưởng giảm, doanh nghiệp khó khăn việc làm ít, Nhà nước đang triển khai việc giảm biên chế nên việc làm khu vực Nhà nước cũng hạn chế…

Trong mấy năm gần đây, kể cả trường công lập nếu chất lượng đào tạo không tốt thì tuyển sinh cũng rất khó khăn. Điều này cho thấy có một sự thay đổi trong nhận thức của người dân đó là không phải vào ĐH để có một tấm bằng bất kỳ như thời gian trước mà họ cần các trường ĐH có chất lượng để con em họ sau này có việc làm. Những trường ngoài công lập có chất lượng vẫn tuyển sinh rất tốt và tính cạnh tranh cao như ĐH Thăng Long (Hà Nội), ĐH Hutech (TP.HCM), ĐH Duy Tân (Đà Nẵng).

Để giải quyết bài toán các trường ngoài công lập khó tuyển sinh, bộ có các giải pháp như chỉ đạo tăng cường điều kiện chất lượng đó là đội ngũ giáo viên. Trường nào thiếu giáo viên phải tuyển đủ và chưa có đủ đội ngũ tiến sĩ thì sẽ tạo điều kiện có chỉ tiêu đi học theo Đề án 911 và chỉ đạo mua sắm cơ sở vật chất, tránh đi thuê. Cho phép các trường ĐH có hình thức tuyển sinh riêng. Thay đổi quy định về đào tạo liên thông để mở thêm nguồn tuyển sau khi Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực.

Cử tri và HS lo lắng là việc thi tốt nghiệp THPT lại do các trường ĐH chủ trì coi thi và chấm thi dẫn đến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay sẽ thấp, Bộ trưởng nghĩ sao?

Việc chấm và coi thi đều có quy chế. Các thầy cô giáo ở địa phương hay ở Trung ương đều vì HS cả. Bộ đã tính toán đến việc sẽ có barem điểm kỹ càng, làm sao để HS thi cử một cách nghiêm túc. Chúng tôi quan niệm quá trình thi cử nghiêm túc cũng là một hoạt động giáo dục quan trọng, không để chỗ cho những sự không trung thực, gian lận trong thi cử. Đã gọi là tốt nghiệp phổ thông thì sẽ hướng đến phần lớn thí sinh chứ không thể có sự thay đổi đột ngột.

Còn việc có hai loại cụm thi, liệu có đảm bảo công bằng?

Việc lo lắng về không công bằng là có và không chỉ ở các cụm thi khác nhau mà ngay trong một môn học ở một nhà trường, HS còn đồn đoán thầy này thương học trò nên coi thi dễ, thầy kia thì coi thi chặt. Tôi xin khẳng định, quy chế thi sẽ giải quyết vấn đề này khi quy định rõ những việc được làm và những việc không được làm trong quá trình coi và chấm thi.

Nghiêm Huê (lược ghi)

 

Bình luận (0)