Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Chú trọng dạy học sinh làm người

Tạp Chí Giáo Dục

Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có cuộc trao đổi với báo chí. Đây là năm học đầu tiên ông điều hành ngành giáo dục ở cương vị bộ trưởng. Ông nói:  

Ông Phạm Vũ Luận
– Năm học mới 2010-2011 đối với giáo dục phổ thông, ngành giáo dục sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Bộ GD-ĐT sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều nội dung mới: phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, thí điểm dạy tiếng Anh từ lớp 3 đối với học sinh tiểu học, bắt đầu triển khai đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên… Đặc biệt, từ năm học này bộ sẽ tổ chức triển khai chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học mới này là: nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy chữ; từng bước đẩy mạnh hướng nghiệp, dạy nghề ở các địa phương có điều kiện và chú trọng vấn đề dạy làm người trong nhà trường.
Học sinh Trường tiểu học Xuân Lâm (Phú Yên) vui chơi trong ngày khai giảng. Đây là ngôi trường mới. Năm ngoái, lũ đã cuốn phăng ngôi trường cũ, các em phải học ngoài trời nhiều tuần lễ – Ảnh: THANH HIỀN
Dạy kỹ năng sống cho học sinh
* Chương trình giáo dục kỹ năng sống sẽ được bộ triển khai trong các nhà trường phổ thông như thế nào?
– Giáo dục kỹ năng sống chính là một cấu phần quan trọng trong việc “chú trọng vấn đề dạy người trong nhà trường” mà chúng tôi đã xác định là nhiệm vụ trọng tâm của năm học này. Chúng tôi mong muốn sẽ trang bị cho các em những hiểu biết và kỹ năng cần thiết trong ứng xử, có cách giải quyết phù hợp với các tình huống nảy sinh trong cuộc sống, có lối sống lành mạnh, sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và cộng đồng.
Trên cơ sở chương trình khung (chung), bộ sẽ chỉ đạo các địa phương tùy theo điều kiện cụ thể của mình để vận dụng, lồng ghép, xây dựng nội dung giáo dục kỹ năng sống phù hợp. Ví dụ đối với vùng sông nước phải chú trọng dạy các em kỹ năng bơi lội, ứng phó với lũ lụt, ở thành thị cần chú trọng đến các nội dung về phòng chống tai nạn giao thông, không nghiện game online. Trên cơ sở đó, các nội dung giáo dục kỹ năng sống sẽ được thiết kế theo hướng “mở”, phù hợp với điều kiện thực tiễn và nhu cầu của HS từng địa phương, vùng miền.
Đối với việc phòng chống bạo lực học đường, Bộ GD-ĐT đã ký kết với các bộ, với Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ VN và Hội Khuyến học VN để phối hợp cùng với nhà trường trên địa bàn có những biện pháp quản lý, giáo dục học sinh ngoài giờ học. Bộ cũng đã đề nghị ngành công an phối hợp chặt chẽ để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến tệ nạn xã hội và bạo lực, nhất là những vụ việc xảy ra bên ngoài nhà trường.
* Bộ có giải pháp nào mang tính đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông không?
– Trong giáo dục, tôi không nghĩ là dễ dàng có sự đột biến về chất lượng. Hôm nay còn theo một phương pháp cũ, ngày mai khi bắt đầu năm học mới, ta phát động phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy mà đòi hỏi có ngay sự thay đổi trong cả hệ thống là không thực tế.
"Nhân dịp đầu năm học mới, tôi muốn chia sẻ với các bậc phụ huynh suy nghĩ này: khó khăn trong giáo dục còn nhiều, để giải quyết được những khó khăn đó, chúng ta phải cùng nỗ lực vì một tương lai giáo dục tươi sáng hơn"
Bộ trưởng PHẠM VŨ LUÂN

Bộ GD-ĐT đã kiên trì chỉ đạo trong nhiều năm chủ trương đổi mới phương pháp giảng dạy, kết hợp với rà soát đổi mới chương trình để việc đổi mới phương pháp giảng dạy dần dần thấm đến từng giáo viên. Đồng thời chúng tôi cũng khuyến khích bản thân mỗi giáo viên nỗ lực tìm tòi đổi mới trong phương pháp giảng dạy của mình. Sự chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy của mỗi giáo viên, của từng khâu, từng bộ phận theo sự chỉ đạo và kịch bản chung sẽ tạo nên sự thay đổi cách mạng về phương pháp của toàn ngành.

Xin phụ huynh cùng nỗ lực
* Lời khẳng định “năm 2010 giáo viên sẽ sống được bằng lương” như thế nào, thưa bộ trưởng?
– Lương của ngành giáo dục cũng phải đặt trong bối cảnh chung của Nhà nước, chứ không thể giải quyết riêng cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang rất tích cực cải thiện tình hình thu nhập cho giáo viên.
* Bộ trưởng có biện pháp gì để chấn chỉnh tình trạng lạm thu tiền trường đầu năm vốn năm nào cũng gây bức xúc trong dư luận xã hội?
– Đối với những khoản được coi là lạm thu, nhà trường không thể thực hiện nếu không được phụ huynh đồng tình. Tôi biết có không ít người với tư cách công dân thì phản đối các khoản thu không đúng quy định, nhưng với tư cách phụ huynh học sinh vẫn luôn sẵn sàng rút tiền ra nộp.
Tôi xin đề nghị tất cả các bậc phụ huynh cùng ủng hộ chủ trương của ngành giáo dục chống lạm thu tiền trường sai quy định.
* Trở thành bộ trưởng Bộ GD-ĐT từ một nhà quản lý giáo dục ĐH, trong khi đứng đầu ngành giáo dục phải quản lý cả mảng giáo dục phổ thông rộng lớn và rất đa dạng, ông cảm thấy như thế nào?
– Ngay đối với giáo dục ĐH, lĩnh vực thuận lợi nhất của tôi, tôi thấy mình cũng cần phải tìm hiểu nhiều hơn nữa. Còn đối với những mảng mình chưa từng quản lý thì việc phải tìm hiểu, học hỏi là điều đương nhiên. Trong sáu năm làm thứ trưởng, tôi cũng tích lũy được một số kinh nghiệm khi tham gia hoạt động của các ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ, thường xuyên tìm hiểu, bàn bạc về giáo dục – đào tạo ở các địa bàn này, phần lớn là bàn về giáo dục phổ thông. Khi tôi đã hiểu được tình hình giáo dục phổ thông ở những địa bàn khó khăn nhất của đất nước, tôi sẽ có những thuận lợi khi đánh giá về tình hình giáo dục ở những địa bàn, vùng miền khác.
Một may mắn nữa của tôi là có con còn đang trong độ tuổi học sinh phổ thông. Con lớn của tôi mới rời phổ thông vài năm nay, con nhỏ đang là học sinh THCS. Trước đây cháu học ở một trường dân lập và mới chuyển về một trường công lập gần nhà. Những năm trước, tôi thường đi họp phụ huynh cho các con. Chỉ gần đây, do điều kiện công việc, tôi mới không đi họp phụ huynh cho con được. Như vậy, khi nhìn nhận về giáo dục phổ thông nói riêng và giáo dục nói chung, tôi còn đứng trên cương vị một phụ huynh học sinh để cùng vui niềm vui và lo nỗi lo của đông đảo phụ huynh học sinh trong cả nước.
* Xin cảm ơn bộ trưởng.
THANH HÀ thực hiện
Theo TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)