Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân trò chuyện, khích lệ tinh thần sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM trong lễ khai khóa mới đây |
Bộ trưởng Bộ Khoa học – công nghệ (KH-CN) Nguyễn Quân vừa tham dự Lễ khai khóa 2015 của ĐH Quốc gia TP.HCM và trao đổi với giảng viên, sinh viên những vấn đề cốt lõi của nền KH-CN nước nhà.
Tại đây, Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng ta không thể nghiên cứu, làm khoa học như cách từ trước đến nay. Thay vào đó, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những người làm khoa học tự do sáng tạo đáp ứng được nhu cầu thị trường, có được thu nhập từ sản phẩm nghiên cứu.
Bộ trưởng khẳng định, với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, KH-CN sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Không có KH-CN, chúng ta sẽ có năng suất lao động rất thấp.
Bộ trưởng chỉ ra 3 yếu kém lớn nhất của KH-CN Việt Nam là: Đầu tư cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu đội ngũ nhân lực trình độ cao, số lượng các sản phẩm KH-CN rất khiêm tốn so với khu vực và thế giới. Năng suất lao động của Việt Nam hiện mới chỉ bằng 1/5 Thái Lan, 1/15 của Singapore. Nếu không có KH-CN, chắc chắn chúng ta sẽ còn tiếp tục giữ khoảng cách rất xa với các nước trong khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng biểu dương những người làm khoa học Việt Nam dù trong điều kiện mức đầu tư còn rất thấp, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, không có chế độ đãi ngộ đặc biệt (hiện khoa học hưởng chế độ đãi ngộ thấp nhất so với các lĩnh vực khác) nhưng cũng đã vượt qua chính mình.
Để phát triển KH-CN đất nước thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng sẽ phải “trả nợ” các nhà khoa học 2 vấn đề lớn. Đó chính là cơ chế tài chính và chế độ đãi ngộ, trọng dụng cán bộ KH-CN. Trong đó, đổi mới cơ chế tài chính là nút thắt lớn nhất, khó nhất đối với những người làm khoa học. Thực tế, với nhiều nhà khoa học, thời gian để làm hóa đơn chứng từ còn nhiều hơn thời gian để làm đề tài, không ít người khốn khổ vì thủ tục thanh quyết toán các đề tài nghiên cứu.
Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn nhưng cũng có thách thức lớn khi hội nhập. Việc đầu tiên cần làm là đổi mới tư duy một cách triệt để. Tư duy quản lý, nghiên cứu KH-CN phải như tư duy của kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế. Chúng ta không thể nghiên cứu, làm khoa học như cách từ trước đến nay. Thay vào đó, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những người làm khoa học tự do sáng tạo đáp ứng được nhu cầu thị trường, có được thu nhập từ sản phẩm nghiên cứu. Đồng thời, việc làm khoa học phải hướng tới doanh nghiệp. Nếu không, nguồn cung không bao giờ gặp được nguồn cầu, kết quả khoa học không bao giờ trở thành hàng hóa, sản phẩm phục vụ xã hội. Điều không kém quan trọng khác, phải nhanh chóng có được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hơn hết, việc phát triển KH-CN cần huy động lực lượng toàn xã hội, cộng đồng khoa học, cộng đồng doanh nghiệp… “Tôi luôn kêu gọi những người làm khoa học phải có tinh thần doanh nghiệp và ngược lại để khoa học vào được cuộc sống, trở thành sản phẩm hàng hóa của nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của KH-CN nước nhà” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng còn gửi gắm, ĐH Quốc gia TP.HCM cùng với hệ thống giáo dục cả nước vinh dự được gánh trên vai hai sứ mệnh quốc sách hàng đầu vừa đào tạo vừa nghiên cứu phát triển KH-CN. Trước ngưỡng cửa hội nhập quốc tế, KH-CN sẽ giữ vai trò rất quan trọng để Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước phát triển. Nếu không phát triển KH-CN, nước ta khó hội nhập thành công, không cạnh tranh hàng hóa được với các nước khu vực, thế giới. Những người làm khoa học công nghệ Việt Nam có trách nhiệm lịch sử cùng với toàn dân đưa đất nước phát triển.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)