Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng: Cá nhân tôi có trách nhiệm về xuất khẩu gạo

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng qua, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời 17 lượt ý kiến của ĐBQH. Bị quá nhiều ĐB “truy vấn”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã thừa nhận một phần trách nhiệm về xuất khẩu gạo.

ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) và một số ĐB nêu chất vấn: Các mặt hàng như gạo, phôi thép xuất khẩu thì Bộ hạn chế, điều hành không sát. Hay các loại thực phẩm cho nhập khẩu, lẽ ra không nên cho nhập khẩu làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Trách nhiệm của Bộ thế nào?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của đại biểu

Bộ trưởng Hoàng giải thích: Theo đúng tinh thần cam kết với thế giới, mặt hàng thịt trong đó có thịt lợn là những mặt hàng không cấm nhập khẩu. Những tháng đầu năm và giữa năm 2008, do tình hình dịch bệnh có nguy cơ đe dọa đến việc đảm bảo thực phẩm thiết yếu, đồng thời để chống lạm phát, Bộ đã báo cáo Chính phủ để điều chỉnh thuế.

Về việc tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo gây thiệt hại cho nông dân, Bộ trưởng Hoàng cho rằng: Việc tạm dừng ký hợp đồng mới vào thời điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4 là do tình hình sản xuất lúa lúc đó gặp nhiều khó khăn, phải đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước.

Bộ đã tham mưu cho Chính phủ là tạm dừng ký các hợp đồng mới, chứ không có chuyện dừng xuất khẩu gạo. Sau đó, mùa màng bội thu, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã tham mưu Chính phủ tiếp tục cho ký hợp đồng xuất khẩu mới: Tính đến tháng 10/2008, đã xuất khẩu được xấp xỉ 4 triệu tấn gạo.

Không bằng lòng giải trình của Bộ trưởng, ĐB Lê Thị Dung (An Giang) bức xúc: “Bộ trưởng trả lời chưa xác đáng, chưa nói rõ trách nhiệm tham mưu không kịp thời vì Bộ trưởng là Tổ trưởng Tổ điều hành xuất khẩu gạo. Để giá rớt từ 1.200 USD/tấn xuống 300USD, làm người nông dân thiệt hại thì trách nhiệm ở đâu?”.

Bộ trưởng Huy Hoàng trả lời: Chúng tôi nghĩ rằng phần trả lời sẽ không thể đáp ứng được mong đợi của cử tri, nhất là cử tri ĐBSCL. Tuy nhiên, Tổ điều hành xuất khẩu gạo gồm đại diện của nhiều cơ quan, trong đó có Hiệp hội Lương thực, với 150 thành viên. Khi tham mưu cho Chính phủ, Bộ Công Thương có tham khảo ý kiến của Hiệp hội và các thành viên.

ĐB Dung truy vấn về “trách nhiệm tham mưu cho Thủ tướng không kịp thời”. Bộ trưởng Hoàng: “Chúng tôi có một phần trách nhiệm trong tham mưu cho Chính phủ về xuất khẩu gạo, chúng tôi nhận trách nhiệm là nhiều khi chưa kịp thời, chưa riết róng. Nhưng Bộ khẳng định, thời điểm tháng 3-4/2008, việc tham mưu cho Chính phủ dừng ký hợp đồng mới là chính xác”.

“Nói tham mưu chính xác, tôi không hài lòng. Trách nhiệm chính ở đây phải là Bộ Công Thương, chứ không phải Bộ NN&PTNT và Bộ trưởng phải làm rõ: Giá thế giới đang tăng, sao không ký mà lại dừng?”- ĐB Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) tiếp tục truy vấn.

Bộ trưởng Hoàng dường như khá lúng túng: “Về trách nhiệm tôi đã nói rồi, nhưng tôi báo cáo lại là chúng tôi đã nhận một phần trách nhiệm. Nhưng không có chuyện vì lợi ích cục bộ gì ở đây. Nếu cho rằng tham mưu chưa chính xác, tôi xin chịu một phần trách nhiệm. Nhưng chúng tôi luôn cố gắng để giảm thiểu thiệt hại cho người nông dân một nắng hai sương”.

Sẽ vẫn thiếu điện

Chất vấn về ngành điện, ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cho rằng, tình trạng Tập đoàn Điện lực VN (EVN) độc quyền rất đáng lo ngại: “Không thể biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp.

Trong khi tăng giá điện mà điện vẫn bị cắt thì ngành Điện có đền bù cho các doanh nghiệp?”. Bộ trưởng Hoàng không trả lời trực tiếp, mà báo cáo năm 2009 cung cấp điện có thể được cải thiện, nhưng khó tránh khỏi việc thiếu điện, do tổng công suất vẫn thiếu hụt 1.000 MW.

Trả lời về việc EVN từ chối 13 dự án điện, việc xin trích thưởng cả nghìn tỷ đồng, Bộ trưởng Hoàng nói: Một phần, Tập đoàn Điện lực chưa làm tròn trách nhiệm của mình, tuy nhiên cũng có những khó khăn nhất định, còn phần xin trích thưởng này được lấy từ lợi nhuận của năm 2007.

Bộ đã có văn bản gửi Bộ Tài chính xem xét việc thu chi của EVN. Quan điểm là yêu cầu EVN tuân thủ các quy định hiện hành về phân chia lợi nhuận.

Đại biểu Lê Thị Dung (An Giang): Nếu xin lỗi, người dân sẽ tha thứ!

Tôi không đồng ý với trả lời của Bộ trưởng Hoàng về điều hành xuất khẩu gạo. Bộ trưởng là Tổ trưởng Tổ điều hành nên có vai trò chính: Thời điểm 28/5, chúng ta đã biết sản lượng sẽ tăng, gạo còn dư nhiều.

Lúc đó, các tỉnh ĐBSCL đã họp đề xuất Bộ Công Thương cho ký xuất khẩu tiếp 1,6 triệu tấn, nhưng việc đó không được chấp nhận. Sau đó, khi trình Chính phủ thì đã chậm, không kịp thời, giá xuống, làm mất thời cơ của người nông dân.

Bộ trưởng phải có lời xin lỗi với nông dân. Xin lỗi vì đó là trách nhiệm trong tham mưu, điều hành xuất khẩu gạo đã làm thiệt hại cho người nông dân. Sau này, chính sách thu mua cũng còn bất cập, không giải tỏa được bao nhiêu.

Chúng tôi giám sát, thì đến nay thấy lúa gạo tồn đọng nhiều, không hề có lãi 30-40% như đánh giá của Bộ trưởng. Nếu Bộ trưởng mạnh dạn xin lỗi, tôi nghĩ người nông dân sẽ sẵn sàng tha thứ. Còn chỉ nhận một phần trách nhiệm, thì chưa thấy hết trách nhiệm của mình?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Chất vấn thẳng, tôi cũng cố gắng trả lời

“Các đại biểu chất vấn rất thẳng thắn, tôi cũng cố gắng trả lời. Tất nhiên nếu trả lời chưa đáp ứng được yêu cầu thì cũng là bình thường. Về trách nhiệm, chúng tôi có thừa nhận một phần trách nhiệm.

Cá nhân tôi và Bộ Công Thương cũng có một phần trách nhiệm trong tham mưu với Chính phủ về điều hành chính sách xuất khẩu gạo. Tôi đã trả lời và thừa nhận không chỉ với đại biểu Dung mà với cả đại biểu Nhơn nữa.

Ng. Tuấn (ghi)

 

Hồng Phúc (Theo TPO)

Bình luận (0)