Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bộ trưởng cũng bị bán hàng đa cấp mời mọc, đe dọa…

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ trưởng, thứ trưởng, phó cục trưởng đều nhận được điện thoại mua chuộc, thậm chí đe dọa khi doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị kiểm tra.
Bộ trưởng cũng bị bán hàng đa cấp mời mọc, đe dọa...
Thời gian qua, nhiều người tham gia bán hàng đa cấp bị thiệt hại lớn. Trong ảnh: các nhà đầu tư đến trụ sở một doanh nghiệp huy động vốn theo hình thức đa cấp để đòi lại tiền  – Ảnh: CHÂU ANH

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chia sẻ như vậy tại buổi sơ kết 6 tháng triển khai chỉ thị về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp ngày 19-9.

Hàng loạt thủ đoạn của các công ty bán hàng đa cấp được đưa ra để cảnh báo người dân.

Nhiều thủ đoạn kiếm tiền

Ông Nguyễn Trọng Tín, phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), chỉ ra thực tế hiện bán hàng đa cấp đang rất phức tạp, bên cạnh những chiêu thức truyền thống như thuyết phục, lôi kéo người tham gia bằng các sản phẩm có giá rất cao nhưng chất lượng thấp, còn nhiều hình thức biến tướng khác.

Theo ông Tín, các nhà phân phối bán hàng đa cấp đang đến tận nhà người dân ở vùng sâu vùng xa để lôi kéo. Ngoài các hình thức như giao dịch tiền ảo, họ còn đội lốt từ thiện để huy động tài chính.

Bên cạnh đó là hô hào góp vốn dự án “bánh vẽ”, góp vốn vào bất động sản, đầu tư nhà hàng, khách sạn… “Mô hình chung đều là đa cấp huy động tài chính, lấy tiền người sau trả cho người trước” – ông Tín nói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn đánh giá báo cáo của các cơ quan chức năng về sai phạm và mức độ xử lý các công ty đa cấp vẫn… chưa phản ánh đầy đủ thực tế.

Dẫn chứng từ con số hơn 1,2 triệu người tham gia bán hàng đa cấp ngay trước khi cơ quan chức năng siết chặt quản lý, ông Tuấn Anh cho rằng đến nay vẫn chưa đánh giá đầy đủ những tác động và hệ lụy của bán hàng đa cấp đến xã hội.

“Đang có những hiện tượng bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng đa cấp để kinh doanh trái phép. Đây là nguy cơ tiềm ẩn lớn nhất, lừa đảo xã hội” – bộ trưởng nói.

Bộ Công thương 
có trách nhiệm

Cho rằng có những lỗ hổng trong quy định hiện hành đang tạo kẽ hở cho hoạt động bán hàng đa cấp lộng hành, ông Nguyễn Thanh, giám đốc Sở Công thương Thừa Thiên – Huế, chỉ ra văn bản quản lý của Bộ Công thương không điều chỉnh kịp thực tiễn phát sinh từ bán hàng đa cấp.

“Mặc dù chỉ đạo rất mạnh là tăng cường kiểm tra nhưng tăng cường đối tượng nào, văn bản không có. Có những người thiệt hại hàng tỉ đồng nhưng cũng không dám tố cáo vì sợ mất tài sản, nên phải chấp nhận tiếp tục tham gia…” – ông Thanh nói.

Ông Trần Vinh Nhung, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho rằng đang có những bất cập trong quản lý nhà nước khi chưa có cơ chế phối hợp giữa các bên.

Thực tế, các sản phẩm bán đa cấp đều liên quan đến thực phẩm, thuốc thuộc lĩnh vực Bộ Y tế quản lý, nhưng cơ chế phối hợp không rõ ràng và thiếu trách nhiệm.

Trong khi đó, những văn bản chỉ đạo hiện chủ yếu là “tăng cường, đẩy mạnh”… rất khó để thay đổi tình hình.

Sẽ siết bán hàng đa cấp

Bộ Công thương cho biết đang tiến hành sửa nghị định 42/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Công thương), sẽ buộc doanh nghiệp đa cấp minh bạch thông tin, yêu cầu ký quỹ dựa trên doanh số hằng năm, tối thiểu phải từ 10 – 20 tỉ đồng; yêu cầu thành lập chi nhánh ở địa phương; có cơ chế giám sát hội thảo; quy định chi tiết về hợp đồng…

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định các mức xử phạt quy định tại nghị định 42/2012 chưa đủ sức răn đe.

Do vậy, ông yêu cầu khi sửa đổi phải tăng mức xử phạt, siết chặt hơn nữa các hoạt động bán hàng đa cấp, có những điều kiện ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp theo hướng bảo vệ số đông những người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.

Một năm, hơn nửa triệu người thôi bán hàng đa cấp

Báo cáo của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết tính đến tháng 9-2016, đã có tới nửa triệu người VN tham gia bán hàng đa cấp, đem về doanh thu 4.000 tỉ đồng cho 50 đơn vị bán hàng đa cấp.

So với năm 2015, đã có hơn 600.000 người rời khỏi hệ thống bán hàng đa cấp sau khi cơ quan chức năng tăng cường quản lý. Tuy nhiên, nhiều người trong số này vẫn chưa đòi lại được hết tiền đã đưa vào kinh doanh.

 

NGỌC AN (TNO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)