Sự kiện giáo dụcTin tức

Bộ trưởng GD&ĐT: Đổi mới thi THPT và tuyển sinh, xây dựng ngay trung tâm khảo thí

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm 2022 sẽ là bước đi đầu trong đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh. Trong đó, hai ĐH Quốc gia và các ĐH vùng cần bắt tay xây dựng hệ thống các trung tâm khảo thí.

Phân cấp kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH sẽ tự chủ tuyển sinh (ảnh chụp trước ngày 27/4). Ảnh: Diệp An
Phân cấp kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH sẽ tự chủ tuyển sinh (ảnh chụp trước ngày 27/4). Ảnh: Diệp An
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm 2022 sẽ là bước đi đầu trong đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh. Trong đó, hai ĐH Quốc gia và các ĐH vùng cần bắt tay xây dựng hệ thống các trung tâm khảo thí.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, tinh thần tuyển sinh ĐH năm 2022 sẽ có sự đổi mới để thích nghi với việc kỳ thi tốt nghiệp THPT phải năng động hơn trước do ảnh hưởng của dịch bệnh.

“Năm 2022 sẽ là bước đi đầu, khả năng sẽ là năm có bước giao thời, chuẩn bị cho đổi mới toàn diện hơn vào năm sau. Kịch bản đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH sẽ được lấy ý kiến và hoàn thiện hơn trong thời gian tới”, ông nói.

Có một việc có thể làm ngay là hai ĐH Quốc gia và các ĐH vùng bắt tay xây dựng hệ thống các trung tâm khảo thí. Đặc biệt, các ĐH vùng sẽ đóng vai trò hạt nhân trong việc đổi mới kiểm tra, đánh giá, tuyển sinh thời gian sắp tới.

Ông Sơn đề nghị các ĐH vùng tập trung các dự án, nguồn đầu tư thường xuyên và trung hạn, ưu tiên cao cho xây dựng các hệ thống khảo thí kiểm tra đánh giá để tạo tiền đề cơ sở vật chất cho chủ trương đổi mới thi trong thời gian tới.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH – Bộ GD&ĐT, cho biết tuyển sinh cơ bản giữ ổn định tới năm 2025 với một số cải tiến về mặt kỹ thuật; đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ĐH.

Đặc biệt, trong giai đoạn này sẽ hình thành các trung tâm khảo thí độc lập có ngân hàng câu hỏi, đề thi chuẩn hóa, thi trên máy tính và thi nhiều lần trong năm để phục vụ thí sinh và công tác tuyển sinh của các trường ĐH.

Một số cơ sở giáo dục ĐH đã hình thành các trung tâm khảo thí để tổ chức bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL) như hai ĐH Quốc gia, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

PGS.TS Bùi Quốc Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, bày tỏ mong muốn sớm triển khai các kỳ thi ĐGNL của hai ĐH Quốc gia trên diện rộng để thí sinh đến từ nhiều địa phương có thể tiếp cận kỳ thi và nhiều trường ĐH sử dụng kết quả để xét tuyển.

Triệt tiêu dạy thêm, học thêm

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo – ĐH Quốc gia TPHCM, cho hay, thời gian tới vẫn duy trì tổ chức hai đợt thi ĐGNL/năm.

Mỗi đợt thi sẽ mở rộng phạm vi, phối hợp với nhiều trường ĐH khác tổ chức ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, hai ĐH Quốc gia sẽ phối hợp tổ chức kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM tại Hà Nội và ngược lại.

Một trong những vấn đề mà dư luận quan tâm là dạy thêm, học thêm khi các trường ĐH được tự chủ tuyển sinh. Ông Chính khẳng định, những người tham gia ra đề ĐGNL đều phải cam kết không luyện thi bài thi của ĐH Quốc gia TPHCM.

Hơn nữa, cách tiếp cận ra đề ĐGNL như hiện nay hạn chế dạy thêm, học thêm rất nhiều. GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí – ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng khẳng định, tất cả những người ra đề thi đều phải cam kết không dạy thêm. Không những thế, ngân hàng câu hỏi rất lớn trong khi mỗi người ra đề chỉ biết được “góc” của mình nên cũng khó có thể dạy thêm “trúng tủ”.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)