"Tôi tha thiết đề nghị các địa phương bằng khả năng tối đa, góp phần làm cho ngày Tết là những ngày vui hơn của gia đình các thầy cô giáo tại quận mình, huyện mình, tỉnh mình, thành phố mình, để ít đi những giọt nước mắt phải chảy ngược vào trong lòng mỗi khi Tết đến".
Thư Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân gửi Chủ tịch các Hội đồng Nhân dân, UBND, UB Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, TP…đề nghị "chung tay" góp Tết cho GV vùng khó, ngày 14/1.
Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu nội dung bức thư của Phó Thủ tướng:
Một giờ học tại trường Nội trú Lộc Bình (Lạng Sơn). Ảnh: Lê Anh Dũng
|
Từ năm học 2006-2007, ngành giáo dục đã nỗ lực đổi mới quản lý, chăm lo phát triển đội ngũ giáo viên, củng cố cơ sở vật chất trường lớp, thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới, tổng kết giáo dục miền núi và vùng nhiều đồng bào dân tộc, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng tin học hóa trong quản lý và trong dạy học. Ngành đã triển khai cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" từ năm 2007 và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" từ năm học 2008-2009.
Mục đích của các hoạt động đổi mới và các cuộc vận động, phong trào nói trên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục một cách cụ thể ở mỗi trường, địa phương, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục toàn diện đạo đức cho học sinh và tăng quy mô giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và đòi hỏi của xã hội đối với lao động qua đào tạo.Những kết quả đạt được trước hết thuộc về công lao đội ngũ một triệu thầy, cô giáo trên mọi miền của Tổ quốc đang từng ngày, từng giờ bám lớp, bám trường, đối mặt với những khó khăn, thách thức trong cuộc sống.
Để đạt được những kết quả đáng khích lệ đó, đã phải có sự phối hợp chỉ đạo kịp thời và sự quan tâm sâu sát của Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đối với ngành giáo dục. Ngoài những chính sách chung của Đảng, Nhà nước chăm lo cho sự phát triển đội ngũ nhà giáo, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành những quy định ưu đãi bổ sung đối với các thầy, cô giáo có thành tích xuất sắc, các thầy cô giáo công tác ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Nền kinh tế đất nước đang đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có các thầy, cô giáo. Sắp đến Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, trong khi nhiều doanh nghiệp từ quỹ khen thưởng, từ lợi nhuận của mình có thể thưởng hàng trăm nghìn đến hàng triệu đồng cho công nhân, nhân viên, người lao động; thì gần một triệu thầy cô giáo mầm non và phổ thông không có thưởng Tết.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT trân trọng đề nghị Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở điều kiện của từng địa phương vận động doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ và hỗ trợ từ kinh phí địa phương để các thầy cô giáo, nhất là các thầy cô giáo công tác ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, có hoàn cảnh gia đình khó khăn có một cái Tết ít thiếu thốn hơn ngày thường, có được mâm cơm để cúng ông bà tổ tiên, có được chiếc áo mới cho cha mẹ, con cái, có được chiếc bánh chưng, bánh tét ăn ngày mồng Một Tết.
Nhằm giảm khó khăn cho các em học sinh đến trường, từ năm học 2008-2009, ngành Giáo dục đã kêu gọi các thầy cô giáo, học sinh, nhà hảo tâm quyên góp tiền, quần áo, sách vở, đồ dùng học tập để mọi học sinh đến trường có đủ quần áo và sách vở, đồ dùng học tập.
Sau 4 tháng vận động, ngành Giáo dục quyên góp được hơn 17 tỉ đồng, hơn một triệu sách giáo khoa, vở viết, gần nửa triệu chiếc quần áo, 15.000 đồ dùng học tập cho các em học sinh và một số rất ít các thầy cô giáo ở vùng núi, vùng khó khăn. Như vậy, khoảng một triệu học sinh ở vùng khó khăn có được một bộ quần áo mới, được mua hay quần áo quyên góp nhưng còn lành lặn để đỡ bớt cái giá lạnh khi đi học và đón Tết.
Là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tôi cảm thấy rất băn khoăn khi ngày Tết đến, không góp phần lo được cái Tết cho gia đình của một triệu thầy cô giáo mầm non và phổ thông.
Tôi tha thiết đề nghị Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố, quận, huyện bằng khả năng tối đa của mình, góp phần làm cho ngày Tết là những ngày vui hơn của gia đình các thầy cô giáo tại quận, huyện, tỉnh, thành phố mình sống, để ít đi những giọt nước mắt phải chảy ngược vào trong lòng mỗi khi Tết đến.
Nhân dịp năm mới, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe và thành công mới, chúc sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà, của thành phố thêm một năm phát triển mới, cùng địa phương, vì địa phương và vì cả nước. Xin gửi các đồng chí lời cảm ơn và lời chào trân trọng!
Nguyễn Thiện Nhân (Vietnamnet)
Bình luận (0)