Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bộ trưởng Giáo dục day dứt với khối mầm non

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: TTXVN.Sau 1,5 giờ đăng đàn, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân trả lời 14 câu hỏi xung quanh vấn đề chương trình, sách giáo khoa cũng như việc chưa quan tâm đúng mức với giáo dục mầm non.

Mở đầu phiên chất vấn, đồng tình với cố gắng cũng như thành tích của Bộ GD&ĐT nhưng đại biểu Nguyễn Lân Dũng không khỏi băn khoăn với việc Bộ quyết định tiếp tục duy trì 7-8 năm nữa chương trình và sách giáo khoa (SGK) hiện hành.

“Tôi hiểu rằng thay đổi SGK sẽ có xáo trộn lớn, gây nhiều tốn kém nên có thể giữ sách nhưng nhất thiết thay đổi chương trình để không quá tải cũng như không sai khác quá nhiều so với chương trình giáo dục phổ thông của các nước. Cũng cần sửa đổi Luật giáo dục để không còn độc quyền SGK như hiện nay”, ông Dũng nêu vấn đề.

Trước vấn đề nóng này, Phó thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân dẫn giải một loạt biện pháp bộ đã làm để đánh giá chương trình và SGK cũng như giảm tải cho học sinh. Tuy nhiên, theo ông Nhân, sẽ thực hiện việc đánh giá 4 năm liên tục rồi mới xem xét việc thay đổi chương trình. Trước mắt, có thể tính tới việc biên soạn thêm những bộ sách mới.

Coi mẫu giáo là gốc, nền tảng giúp hình thành tư duy nhân cách, đại biểu Lê Văn Cuông bức xúc trước việc Bộ thiếu quan tâm tới bậc học này, trong khi ồ ạt cho phép mở trường đại học với chất lượng thấp cũng như xây dựng đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ trong 10 năm tới.

“Có phải Bộ đang làm theo quy trình ngược, chỉ lo cho phần ngọn mà ít quan tâm chăm sóc đến phần gốc? Bộ kêu gọi chống bệnh thành tích trong giáo dục và đào tạo nhưng chính việc làm của Bộ lại đang tạo ra căn bệnh thành tích mới. Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu?”, vị đại diện cho cử tri Thanh Hóa đặt câu hỏi.

Ông Nhân cho biết, bộ cũng muốn chi nhiều nữa cho mầm non, phổ cập mầm non nhưng chưa thể làm được vì còn phổ cập THCS. Giải pháp trước mắt là cố gắng phổ cập mầm non 5 tuổi để chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp 1.

Cho rằng Bộ trưởng chưa đi thẳng vào vấn đề, đại biểu Cuông lên tiếng: “Nhiều đại biểu yêu cầu đưa mầm non vào Luật Giáo dục nhưng quan điểm của bộ cũng rất thờ ơ. Khi đại biểu đề cập, bộ lẩn tránh. Xin hỏi, Bộ trưởng có thấy vấn đề này là cái gốc và cần quan tâm hay vẫn xem nhẹ như lâu nay?”.

“Báo cáo cử tri là Bộ rất quan tâm. Khi về làm Bộ trưởng, tôi chủ động đề xuất thực hiện chương trình phổ cập mầm non 5 tuổi để các em có vốn vào lớp 1. Về lộ trình, chúng ta thông cảm là một quốc gia mỗi lúc chọn một trọng tâm, sau khi phổ cập tiểu học rồi chúng ta sang THCS, và có lẽ phải một thời gian nữa mới đến mầm non”, ông Nhân nói.

Năm 2009, Bộ sẽ trợ cấp cho giáo viên mầm non ở vùng khó khăn thêm 50% lương tối thiểu.

Bức xúc trước việc các trường ĐH, CĐ ồ ạt được thành lập trong khi chất lượng đào tạo bị thả nổi, cơ sở vật chất yếu kém… dẫn tới kết cục là cho ra đời hàng loạt cử nhân “rởm”, đại biểu Hồ Quốc Dũng băn khoăn về giải pháp của Bộ để giải quyết tình trạng này.

“Thiếu sót của Bộ GD&ĐT là chưa xử lý những sai phạm của các trường nên vụ việc mới kéo dài. Địa phương quản lý trường cũng chưa có sự quan tâm đúng mức bởi nếu biết sai phạm thì đã tác động sớm”, ông Nhân thừa nhận.

Theo người đứng đầu ngành giáo dục, sắp tới, các trường sẽ phải công khai cam kết, sau khi đào tạo sinh viên sẽ làm gì, làm ở đâu, những trường không hoàn thành cam kết trong 3 năm lền sẽ bị xử lý. Bên cạnh việc khuyến khích các trường đào tạo theo nhu cầu, để nâng cao chất lượng, 700 Hiệu trưởng, Hiệu phó của các ĐH, CĐ cũng sẽ được các chuyên gia nước ngoài đào tạo.

Khẳng định nhu cầu ký túc xá sinh viên đang là vấn đề bức xúc, Bộ trưởng Nhân thẳng thắn nhận đây là lỗi của Bộ vì đến năm 2010 cũng chưa thể đạt được mục tiêu đáp ứng chỗ ở cho 60% sinh viên chính quy. “Không nên để nhà trọ tự phát, cần có quy chế. Bộ đang nghiên cứu và sắp tới sẽ bàn tới vấn đề này”, ông nói.

Sau 100 phút, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời 14 lượt ý kiến của đại biểu, ngoài 18 ý kiến được trả lời bằng văn bản. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận xét, ở lần đăng đàn thứ 2 này, Bộ trưởng Nhân cung cấp khá nhiều thông tin phong phú nhưng trong một số câu hỏi chưa đi thẳng vào vấn đề và trả lời hơi dài.

“Nổi lên trong kỳ họp lần này vẫn là chất lượng giáo dục. Mong Bộ trưởng lưu tâm thêm vấn đề sách giáo khoa, chương trình, và đặc biệt là giáo dục đạo đức. Cùng với chăm lo giáo dục cấp cao, cần đồng thời chăm lo tương xứng tới cái nền là giáo dục mầm non”, Chủ tịch Quốc hội chốt lại phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân.

Khánh Chi (Theo VNE)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)