Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Bộ trưởng Giáo dục đối mặt với chất vấn nóng

Tạp Chí Giáo Dục

Tuần này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về những vấn đề nóng như: Giảm học thêm, dạy thêm; Xóa bỏ cơ chế xin – cho và ứng phó với lời cảnh báo về chất lượng giáo dục đại học.

Cảnh báo chất lượng giáo dục đại học
Nửa cuối tháng 10 bỗng thành "cao trào" với giáo dục đại học (ĐH) khi tình cờ các sự kiện xảy ra cùng lúc. Tuyển dụng công chức cho bộ máy công quyền, tỉnh Nam Định chỉ chấp nhận ứng viên có bằng ĐH hệ chính quy của trường công lập, không tuyển bằng tại chức.  Kết thúc mùa tuyển sinh ĐH năm 2011, trước tình cảnh vét cạn thí sinh, không ít trường ngoài công lập đã phải cất lời kêu cứu….
Trước thực trạng đó không ít nhà quản lý cho rằng, đó là hệ quả của việc mở trường ồ ạt dẫn đến chất lượng giáo dục đến mức báo động.
Nói trên báo Thanh niên, đại biểu (ĐB) Trần Minh Diệu nhận định: kết quả của các kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm vừa qua và kết quả thi môn lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh năm 2011 là những biểu hiện không bình thường về chất lượng dạy học của bậc học phổ thông. Từ đó, ĐB Diệu yêu cầu Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm và đưa ra biện pháp khắc phục các vấn đề trên.

Sinh viên tình nguyện hỗ trợ thi đại học. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chất lượng đào tạo ở bậc ĐH cũng là mối quan tâm, lo lắng của nhiều ĐB. ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) chất vấn: Báo cáo của Chính phủ ngày 16/10/2011 cho biết trong năm 2011, các chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó tuyển mới ĐH, CĐ tăng 11,6% (kế hoạch là 6,5%). Lý do vì sao tăng nhanh số lượng tuyển sinh như vậy?
"Những biện pháp giải quyết vấn đề đặt ra nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ĐH, CĐ…" – là nội dung số đông ĐB mong muốn được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận gỡ rối.
Vì sao các trường vơ vét chỉ tiêu?

Trước thực tế, không ít trường ĐH phải xin hạ điểm sàn. Thậm chí tự liệt mình vào diện trường vùng khó để được hạ điểm tuyển sinh để duy trì sự tồn tại, ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên) chất vấn: Bộ cho mở nhiều trường CĐ, ĐH dẫn đến tuyển sinh không đủ chỉ tiêu; Giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới để khắc phục tình trạng trên?
ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) tiếp lời, “trong 10 năm qua quy mô các trường ĐH, CĐ tăng rất nhanh. Đề nghị Bộ trưởng cho biết tiêu chí xác định quy hoạch mạng lưới trường ĐH, CĐ ở nước ta. Bộ trưởng có giải pháp như thế nào khi hiện nay, nhiều trường không tuyển đủ sinh viên so với nhu cầu đào tạo của trường và nhiều ngành đào tạo đang có nguy cơ giải thể?”.
Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các trường ĐH, CĐ được thành lập trong thời gian từ năm 1998 đến năm 2010 thông báo sẽ tiến hành kiểm tra các trường ĐH, CĐ được thành lập trong thời gian này.
Việc kiểm tra nhằm thực hiện Nghị quyết số 50 của Quốc hội khóa XII về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục ĐH. Từ fđó, không tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với cơ sở giáo dục ĐH nếu các điều kiện bảo đảm chất lượng của trường không tốt hơn năm trước; giảm chỉ tiêu tuyển sinh đối với những trường đã được thành lập trước năm 2010 mà chưa xây dựng cơ sở riêng tại địa điểm theo hồ sơ đăng ký thành lập và sau 3 năm…
Việc thành lập, nâng cấp trường ĐH, CĐ với tốc độ chóng mặt trong những năm gần đây cũng là một vấn đề được nhiều ĐB quan tâm.
Xóa xin – cho
Việc ban hành luật này là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất cho sự phát triển của giáo dục ĐH…
Tuy nhiên, nhiều ý kiến góp ý cho rằng, dự luật vẫn chưa thể chế hóa rõ ràng một số chủ trương, chính sách lớn, chưa giải quyết thấu đáo một số vấn đề quan trọng, như: phân tầng các cơ sở giáo dục ĐH, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cơ chế, chính sách đối với các cơ sở giáo dục đại học tư thục phi lợi nhuận và cơ sở vì lợi nhuận hợp lý.
Một dự luật hoàn chỉnh, giải quyết được những vấn đề đặt ra phải thể hiện rõ hơn về địa vị pháp lý, cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp đơn vị trong ĐH đa lĩnh vực tổ chức theo hai cấp.
Cần đẩy mạnh trao quyền tự chủ cho các trường tự quyết định những vấn đề chuyên môn, còn cơ quan quản lý nhà nước chuyển vai trò từ kiểm soát sang giám sát hoạt động của trường và tập trung vào trách nhiệm chính là hoạch định chính sách, giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện, xóa bỏ dần cơ chế xin – cho.
"Cần ban hành bộ chuẩn quốc gia về chất lượng giáo dục ĐH và yêu cầu về chất lượng tối thiểu đối với các chương trình đào tạo đại trà; đồng thời cần quy định rõ việc kiểm định chất lượng phải trở thành yêu cầu bắt buộc đối với tất cả cơ sở giáo dục ĐH" – đó là mong muốn của số đông các ý kiến góp ý nâng chất lượng giáo dục ĐH.
Mong Bộ trưởng quyết liệt hơn

Tại buổi làm việc với Bộ GD-ĐT tháng 2/2011, phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận, tình trạng dạy thêm, học thêm không còn nhức nhối như trước, song vẫn diễn ra khá phổ biến. Chủ trương của Bộ là không cấm dạy thêm, nhưng tuyệt đối không được cưỡng bức, ép buộc học sinh dưới mọi hình thức.
Phó Thủ tướng cũng đề cập đến tình trạng lạm thu và thẳng thắn thừa nhận, khi còn làm Bộ trưởng, ông chưa tìm ra giải pháp, chưa đủ sức để khắc phục những tồn tại này.

Các học sinh THCS ở Hà Nội học thêm trong những khu nhà tập thể ngay cạnh trường. Khu tập thể nằm cách xa chợ với các ngõ ngách ngoằn ngoèo, là địa điểm lý tưởng để dạy thêm và học thêm. Ảnh: Cẩm Quyên
"Chúng ta cần theo dõi thường xuyên bằng cách rà soát các cơ sở xem họ thực hiện như thế nào. Cần phải tổ chức những buổi thảo luận giữa người học và thầy cô để tìm được mong muốn chung", Phó thủ tướng mong muốn.
Tình trạng lạm thu, dạy thêm, học thêm vẫn tái diễn trong năm học này.
ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) đặt vấn đề tình trạng thu – nộp, quản lý và sử dụng các nguồn thu ngoài quy định ở các trường mầm non và phổ thông tại nhiều địa phương đang gây bất bình trong nhân dân. Cử tri ở các địa phương đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất nhưng vẫn chưa khắc phục.
Là người đứng đầu của ngành GD-ĐT, Bộ trưởng có biện pháp gì để cùng với các địa phương ngăn chặn và chấn chỉnh những biểu hiện sai phạm nói trên?
Mặt khác, dù Bộ đã ban hành quy định dạy thêm và học thêm nhưng việc học thêm, dạy thêm vẫn diễn ra tràn lan. Bộ trưởng có giải pháp gì để hạn chế và chấm dứt việc học thêm đang phổ biến như hiện nay?

Theo Nguyễn Hiền

Bình luận (0)