Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Luật Nhà giáo đáp ứng kỳ vọng của 1,6 triệu giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm nay, cùng với dịp cả nước kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại diểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà giáo. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ xung quanh quá trình xây dựng, những điểm đáng chú ý đối với Luật Nhà giáo – một dự án luật mà bộ đánh giá là khi ban hành sẽ khẳng định và nâng cao vị thế của nhà giáo.

Đáp ứng kỳ vọng của 1,6 triệu nhà giáo

– Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, được biết Dự án Luật Nhà giáo đang nhận được nhiều kỳ vọng từ đội ngũ nhà giáo trên cả nước. Bộ trưởng có thể chia sẻ về tầm quan trọng của việc xây dựng luật này?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nhà giáo có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục. Thực tế đã chứng minh sự phát triển của nền giáo dục phụ thuộc vào sự phát triển của đội ngũ nhà giáo. Kết quả của đổi mới giáo dục phụ thuộc vào sự đổi mới của từng nhà giáo.

Như vậy, chất lượng của một nền giáo dục phụ thuộc nhiều vào chất lượng đội ngũ nhà giáo. Chất lượng nhà giáo lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài sự nỗ lực của mỗi thầy cô giáo thì môi trường làm việc, các chính sách đối với nhà giáo (về tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh, bảo vệ, phát triển…) đóng vai trò quan trọng.

Xuất phát từ nhận thức đó, trong thời gian dài vừa qua, Bộ GD-ĐT đã tích cực, chủ động, kiên trì chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất và được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng một luật điều chỉnh riêng về nhà giáo nhằm đáp ứng sự mong đợi của 1,6 triệu nhà giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục trên cả nước.

– Dự án Luật Nhà giáo tiếp tục đề xuất “lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp”. Vì sao có chủ trương này thưa Bộ trưởng?

Đảng và Nhà nước ta luôn xác định “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, là ưu tiên chiến lược. Trong Nghị quyết số 29 đã xác định rõ về chính sách tiền lương cho nhà giáo, Kết luận 91 của Bộ Chính trị mới đây nhắc lại. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thể hiện quan điểm thực thi chính sách để phát triển đội ngũ nhà giáo. Và điều này giúp cho đội ngũ nhà giáo rất phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với giáo dục nói chung và đội ngũ nhà giáo nói riêng.

Suốt thời gian qua, dù đã có những thay đổi nhưng cơ bản chúng ta chưa thực hiện được nhiều về mặt chính sách tiền lương cho nhà giáo, bởi thực sự vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Sinh viên Trường ĐH Công thương TP.HCM bày tỏ tri ân giảng viên nhân ngày 20-11 năm nay

Có thể thấy, nhà giáo chiếm số lượng đông đảo với trên 1 triệu người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Do đó, dẫu thực sự quan tâm nhưng để hiện thực hóa sự quan tâm này, còn phải cân đối nguồn ngân sách Nhà nước có thể chi trả. Nhu cầu nguồn lực cho phát triển đất nước hiện còn rất nhiều và người lao động nhìn chung còn nhiều khó khăn chứ không chỉ riêng đội ngũ nhà giáo. Cho nên, tuy đã có một định hướng rất rõ ràng nhưng để thực hiện được sẽ phải cần thêm những tính toán phù hợp về nguồn lực.

Khi đưa đề xuất về chính sách tiền lương vào dự thảo Luật Nhà giáo, chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh lại đây là việc cần thiết và cần tính toán. Ở góc độ nào đó cũng cần nhìn nhận trong thời gian vừa qua, dù chưa thực hiện được nhiều song với hai đợt điều chỉnh mức lương cơ sở, đời sống của đội ngũ nhà giáo cũng đã được cải thiện một bước, đem lại cho nhà giáo nhiều sự động viên.

Đột phá với việc ngành giáo dục được chủ động tuyển dụng

– Một trong những điểm được cho là “đột phá” của dự thảo Luật Nhà giáo là đề xuất “ngành giáo dục có vai trò và được chủ động hơn trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo”. Bộ trưởng có thể lý giải vì sao dự án Luật Nhà giáo đưa ra đề xuất này?

Quản lý Nhà nước về nhà giáo là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong quá trình phát triển đội ngũ nhà giáo; cần một khung pháp lý chuyên biệt phù hợp, trong đó nhà giáo cả công lập lẫn ngoài công lập thấy được chính mình, thấy được nghề nghiệp, sứ mệnh và con đường phát triển của mình. Có như vậy mới đem lại sự thành công cho người học và đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội.

Có thể nói, Luật Nhà giáo chính là cơ hội để chúng ta điều chỉnh quan điểm, tư duy trong quản lý Nhà nước về nhà giáo. Luật Nhà giáo cần phải thể hiện được sự đổi mới hoàn thiện thể chế trong quản lý Nhà nước về nhà giáo, chuyển trọng tâm từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực.

Điểm khác biệt cơ bản của quản trị nguồn nhân lực so với quản lý nhân sự như hiện nay là nhà giáo được nhìn nhận như một nguồn lực chủ yếu đóng góp vào thành công của giáo dục. Nguồn lực này bao gồm những nhà giáo chuyên nghiệp trong nghề dạy học; được đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ theo một hệ thống các quy định do ngành giáo dục thực hiện. Nhằm bảo đảm có sự gắn kết giữa số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ nhà giáo với mục tiêu, yêu cầu phát triển của giáo dục.

Việc chuyển tư duy quản lý Nhà nước về nhà giáo sang mô hình quản trị nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi giáo dục đứng trước những yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện.

Luật Nhà giáo sẽ là khung pháp lý nhất quán, có hiệu lực và hiệu quả để kiến tạo và phát triển đội ngũ nhà giáo. Trong đó, chủ thể quản lý Nhà nước về nhà giáo được nhấn mạnh về phía trách nhiệm của ngành giáo dục và được phân cấp cụ thể từ bộ tới sở, phòng và các cơ sở giáo dục. Định hướng xây dựng luật sẽ gia tăng yếu tố chuyên môn, yếu tố chất lượng trong cả việc đào tạo và tuyển dụng nhà giáo.

Tôi nhấn mạnh đến yếu tố chuyên môn và chất lượng trong công tác quản lý nhà giáo vì chính yếu tố này sẽ đảm bảo cho quản lý Nhà nước có được sự đổi mới trong cả khối công lẫn khối tư. Luật cũng sẽ hướng dẫn quản lý thống nhất, thông suốt trong toàn hệ thống với sự phân cấp rõ ràng nhưng đảm bảo được việc tuyển dụng, điều động, hoán đổi, sử dụng nhịp nhàng, thống nhất trong toàn quốc.

Chúng tôi mong rằng, việc quản lý Nhà nước về nhà giáo được xây dựng trên yếu tố chuyên môn và chất lượng như vậy sẽ hướng đến việc quản lý chặt chẽ hơn, thực chất hơn và nhà giáo cảm thấy thoải mái, tự do hơn trong hoạt động nghề nghiệp, có nhiều điều kiện để phát triển, đóng góp với nghề.

– Theo Bộ trưởng cần có giải pháp như thế nào để có thể tiếp tục nâng cao vị thế của nhà giáo trong bối cảnh hiện nay?

Phải khẳng định lực lượng nhà giáo luôn rất yêu nghề và rất mong muốn được xã hội chia sẻ, ghi nhận để thể hiện tốt nhất bản thân, cống hiến cho nghề nghiệp.

Thời gian qua, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH đã tạo cơ sở pháp lý rất quan trọng để quản trị ngành, đổi mới trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo. Tuy nhiên, với tính chất là một lực lượng viên chức, người lao động rất đặc biệt, cũng cần thêm những cơ sở pháp lý để những sự ghi nhận, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của nhà giáo được thể chế hóa.

Với dự án Luật Nhà giáo này, chúng tôi mong rằng, các chính sách khi được thông qua, được thực thi trong thực tế sẽ là công cụ quan trọng để phát triển lực lượng nhà giáo.

Sở dĩ trong 10 năm qua, vấn đề lương cho giáo viên chưa được thực hiện như mong muốn, một phần chính vì còn thiếu những căn cứ pháp lý. Tôi hy vọng Luật Nhà giáo sẽ giải quyết được những vấn đề về căn cứ pháp lý cho đổi mới quản lý nhà giáo và cả chế độ chính sách cho nhà giáo. Điều này sẽ góp phần quan trọng để khẳng định và nâng cao vị thế của nhà giáo trong xã hội.

– Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Thục Trân

 

Bình luận (0)