"Cơ chế chính sách đối với sự phát triển của báo chí còn đi sau thực tiễn, thậm chí có khi chới với trước thực tiễn", Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Lê Doãn Hợp nói tại Hội nghị đánh giá công tác quản lý nhà nước về báo chí năm 2007 – 2008 và triển khai nhiệm vụ 2009 – 2010, tổ chức ở Đà Nẵng hôm nay (4/6).
Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Lê Doãn Hợp: Quy hoạch báo in theo hướng xây dựng các tập đoàn. Ảnh: HC
|
"Phát triển đến đâu, quản lý đến đó"
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhận định có 3 đặc điểm dưới góc nhìn về mặt quản lý báo chí. Đó là vừa đổi mới bên trong, vừa hội nhập với bên ngoài. Vừa mở rộng dân chủ nhưng vừa thắt chặt kỷ cương để dân chủ đó đi đúng quỹ đạo của quốc gia. Vừa tạo điều kiện để phát triển, vừa hoàn thiện cơ chế chính sách để phù hợp với sự phát triển đó.
“Có ý kiến cho rằng khả năng quản đến đâu thì cho phát triển đến đó. Theo tôi, không thể nói như thế mà phải nói phát triển đến đâu, quản lý đến đó. Lấy mục tiêu phát triển làm mục tiêu quản lý chứ không phải lấy mục tiêu quản lý để làm mục tiêu phát triển. Đó là sự kìm hãm phát triển. Thực tế, cơ chế chính sách đối với sự phát triển của báo chí còn đi sau thực tiễn, thậm chí có khi chới với trước thực tiễn”, Bộ trưởng nhận định.
Theo ông, báo chí VN trong thời gian qua phát triển rất nhanh cả về số lượng, chất lượng, nội dung, hình thức, tính chuyên nghiệp… ngang tầm thế giới. Nhờ vậy, những định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống rất nhanh. Ngược lại, những kiến nghị của người dân đến với các cơ quan Nhà nước thuận lợi hơn.
Ông nhấn mạnh: “Nhờ có báo chí mà chính sách kích cầu vừa qua chỉ sau 1 tháng là đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng. Nếu chờ đến hệ thống chính quyền 4 cấp thì sẽ còn mất rất nhiều thời gian. Như vậy, muốn thành công phải đổi mới nhận thức. Muốn đổi mới nhận thức phải có thông tin. Muốn có thông tin phải có báo chí”.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành, báo chí VN còn những tồn tại như thông tin không chính xác, không trung thực do nhận thức, tầm nhìn, suy diễn, chụp mũ, áp đặt, thiếu thiện chí, gây nên những hoài nghi, oan ức trong xã hội.
Một số báo tiếp cận với báo chí thế giới nhưng học cái hay thì ít mà học cái dở thì nhiều, đưa tin kích dâm, mê tín dị đoan… trái với thuần phong mỹ tục. Một số tổng biên tập còn buông lỏng quản lý, thiếu nhạy cảm chính trị, thiếu nghiêm túc với nghề nghiệp.
Quản lý nặng về xử lý, răn đe
"Các bộ, ngành trung ương lẫn địa phương cung cấp thông tin cho báo chí không chính xác, không kịp thời, không đầy đủ, né tránh, đùn đẩy khi tiếp xúc với báo chí. Từ đó dẫn tới chỗ báo chí phải mò mẫm, suy đoán, suy diễn… do thiếu thông tin".
|
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp thừa nhận phần trách nhiệm của những người làm công tác quản lý nhà nước về báo chí. Ông nói: Những người làm công tác quản lý nhà nước về báo chí cũng chưa tròn trách nhiệm, thể hiện ở chỗ chậm luật hoá, chậm ban hành các cơ chế đồng bộ để quản lý.
Các bộ, ngành trung ương lẫn địa phương còn tình trạng cung cấp thông tin cho báo chí không chính xác, không kịp thời, không đầy đủ, né tránh, đùn đẩy khi tiếp xúc với báo chí. Từ đó dẫn tới chỗ báo chí phải mò mẫm, suy đoán, suy diễn… do thiếu thông tin.
"Công tác quản lý nhà nước về báo chí còn nặng về xử lý, răn đe mà chưa tôn trọng cái cần tôn vinh để định hướng, để sai ít, đúng nhiều. Khen thưởng đối với báo chí còn làm “giật cục”, không đầy đủ, đánh giá không đúng mức làm cho người tốt nản chí. Nội dung giao ban báo chí có biểu hiện nghèo về nội dung dễ dẫn tới nhàm chán, thiếu đối thoại, thiếu định hướng, nhiều khi sa vào cầm tay chỉ việc. Trình độ, kinh nghiệm của bộ máy quản lý nhà nước về báo chí còn bất cập”.
Về phương hướng, nhiệm vụ 2009 – 2010, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết sẽ tập trung quy hoạch phát thanh – truyền hình. Quy hoạch báo in theo hướng xây dựng các tập đoàn, tổ hợp báo chí mang tính chuyên nghiệp hoá cao hơn. Hiện có đến 40% thông tin trên các báo in bị trùng lặp, gây lãng phí không nhỏ. Đồng thời quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt, trước hết là tổng biên tập.
Năm 2010, Bộ Thông tin – Truyền thông sẽ trình Quốc hội dự thảo Luật Tiếp cận thông tin và Luật Báo chí sửa đổi.
"Trong công tác quản lý báo chí còn những khái niệm chưa rõ ràng nên không xử lý được. Chẳng hạn quy định phản ảnh đúng sự thật và phù hợp lợi ích xã hội. Thế nào là phù hợp lợi ích? Có những cái phù hợp với lãnh đạo nhưng chưa chắc đã phù hợp với nhân dân.
Có vẻ như chúng ta đang lạm dụng chuyện “nhạy cảm”. Quá nhiều lĩnh vực, vấn đề bị cho là nhạy cảm".
Phó GĐ Sở Thông tin – Truyền thông Nghệ An Đặng Khắc Thắng
|
Việt Nam hiện có 687 cơ quan báo in với 896 ấn phẩm. Trong đó, khối cơ quan báo chí trung ương có 1 hãng thông tấn quốc gia, 77 báo, 416 tạp chí, 105 ấn phẩm phụ. Báo chí địa phương có 103 báo, 101 tạp chí, 104 ấn phẩm phụ.
Có 67 đài PT-TH, gồm 3 đài ở trung ương và 64 ở các địa phương.
Cả nước có 21 tờ báo điện tử, 160 trang tin điện tử tổng hợp mang tính báo chí của các cơ quan báo in và hàng ngàn trang điện tử có nội dung thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các đoàn thể, hội, hiệp hội, doanh nghiệp.
Hơn 16.000 nhà báo đã được cấp thẻ hành nghề.
|
Hải Châu (VietNamNet)
Bình luận (0)