Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bộ trưởng Y tế không muốn vừa đá bóng vừa thổi còi

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 13/11, trước chất vấn gay gắt của đại biểu Quốc hội về giá thuốc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề xuất, Bộ Y tế chỉ nên quản lý chuyên môn khám chữa bệnh, "ôm" chức năng quản lý giá là không phù hợp.
Chiều 13/11, dù chỉ có khoảng một giờ làm việc song các đại biểu đã gửi tới Bộ trưởng Y tế hàng loạt câu hỏi liên quan tới bức xúc của người dân về giá thuốc, viện phí, y đức, mất cân bằng giới tính khi sinh… Ngay trong lượt đặt câu hỏi đầu tiên, cả 3 đại biểu Phạm Xuân Thường, Huỳnh Tuấn Dương và Trương Văn Vở đã nêu chất vấn về sự chênh lệch lớn về giá thuốc giữa bệnh viện và thị trường, đồng thời yêu cầu Bộ trưởng Y tế nêu giải pháp khắc phục.
Khẳng định thông tin các đại biểu nêu là xác đáng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, giá thuốc chênh lệnh giữa các bệnh viện trong cùng một địa phương, giữa các địa phương hay giữa bệnh viện và thị trường dao động trong khoảng 10-15%, có nơi còn cao hơn. Thực trạng này theo bà Tiến là do "có quá trình lòng vòng qua trung gian; các hãng dược bắt tay với thầy thuốc kê đơn thuốc biệt dược, nhập ngoại để hưởng lợi".
Bộ trưởng Y tế muốn cơ quan chuyên về quản lý tiền tệ quản lý giá thuốc. Ảnh: Hoàng Hà.
Nguyên nhân của tình trạng này theo người đứng đầu ngành y tế cơ bản là là do quản lý nhà nước. Trong đó, đáng chú ý là thông tư số 10/2007 có kẽ hở khi chia nhóm thuốc không theo tiêu chuẩn kỹ thuật dẫn đến thực tế là "thuốc Trung Quốc song lại có giá của Mỹ". Bênh cạnh đó, đấu thầu, thông tư này không quy định kết quả giá đầu thầu phải thấp hơn giá niêm yết.
Theo bà Tiến, hiện Việt Nam đang dùng văn bản nghị định đấu thầu giá thuốc, là một loại hàng hóa đặc biệt, giống với các loại hàng hóa khác. Đặc biệt, Bộ Y tế là cơ quan chuyên môn về khám chữa bệnh, chăm lo sức khỏe cho người dân song lại phải "ôm" chức năng quản lý giá.
"Đây là điều bất cập vì dù minh bạch tới đâu thì cũng là vừa đá bóng, vừa thổi còi. Bộ Y tế chỉ nên quản lý chuyên môn, quản lý giá thì không phù hợp", Bộ trưởng Y tế nêu quan điểm.
Dù vậy, để khắc phục thực trạng chênh lệch giá thuốc hiện nay, bà Tiến cũng đề xuất một số giải pháp như quy định giá đầu thầu thấp hơn giá kê khai, trong đó quy định chi tiết về giá bằng cả tiền đồng và USD; lập danh mục giá của 17.000 loại thuốc để so sánh; ban hành thông tư có quy chế kê đơn, phải ghi rõ ràng tên thuốc bằng tên gốc generic và hạn chế dùng các thuốc biệt dược
"Nhưng những giải pháp này vẫn không căn cơ. Bộ đã xin phép làm đề án quản lý giá tối đa toàn chặng đối với thuốc. Và đề nghị mạnh dạn, trong tương lai, Luật Dược ra đời thì cơ quan quản lý giá không để bộ chuyên ngành vừa sản xuất, vừa kê thuốc lại đi quản lý giá mà chuyển cho đơn vị khác chuyên quản lý về tiền tệ", Bộ trưởng Tiến nói rõ hơn.
Trong phần giải trình dài và suôn sẻ của mình, nữ Bộ trưởng lần đầu đăng đàn khẳng định sự cần thiết của việc tăng giá viện phí bởi lần tăng giá vừa rồi đi sau 8 lần tăng lương và trượt giá trên 3 lần. Giá dịch vụ công do đó phải tiến tới tính đúng, tính đủ vì hiện giá chỉ mới tính 3/7 yếu tố. "Tôi lấy ví dụ, giá cắt amidan chỉ 40.000 đồng, trong khi thực tế cả thuốc gây mê hơn 700.000, nếu không tính đủ, thiệt thòi nhất là người bệnh khi phải tự mình mua thuốc", bà Tiến nói.
Theo bà, với những điều bất cập như vậy, cần tiến tới một giai đoạn như các nước đã bảo hiểm toàn dân. Tức là người bệnh chỉ biết chữa bệnh và bệnh viện chỉ biết chăm sóc, còn việc thanh toán tiền là giữa cơ quan trả tiền là bảo hiểm xã hội và cơ quan thực hiện nhiệm vụ đó là bệnh viện.
Ngoài ra, theo nữ bộ trưởng, đối với cơ sở khám chữa bệnh, sau nhiều cuộc giao ban các giám đốc bệnh viện đều khẳng định nếu không thay đổi giá dịch vụ thì bệnh viện công không tồn tại được.
Đặt câu hỏi ở lượt cuối, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu lại "căn bệnh trầm kha" của ngành y tế là vấn đề tiêu cực. Dẫn lời một trưởng khoa của một bệnh viện lớn ở Hà Nội, ông Cương cho hay, bản thân người trong ngành rất bức xúc, "bệnh nhân thì ăn cơm từ thiện của nhà chùa còn tiền thì để đưa cho bác sỹ" khiến vị trưởng khoa này đau lòng.
"Thưa Bộ trưởng, cứ hô hào chống tiêu cực là không phong bì nhưng hết khóa Bộ trưởng này đến khóa Bộ trưởng khác chúng tôi thấy tình trạng này không giảm. Bộ trưởng nhận trách nhiệm như thế nào của ngành y tế?", ông Cương nêu câu hỏi.
Do thời lượng phiên chất vấn gói gọn trong một giờ, câu hỏi của đại biểu Cương và các đại biểu khác phải chờ phần trả lời của Bộ trưởng Kim Tiến vào sáng mai, 14/11.
theo VNE

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)