Bộ Tư pháp đề xuất xây dựng cơ chế nhóm đại biểu Quốc hội được quyền trình dự án luật trước Quốc hội với các dự án luật mới, phạm vi hẹp, tính chất không quá phức tạp.
Trong dự thảo báo cáo tổng kết, Bộ Tư pháp nêu rõ những kết quả đạt được, kèm theo cả những tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai thi hành luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tổng kết thi hành luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: Phúc Bình
Một đại biểu Quốc hội sẽ khó thực hiện quyền sáng kiến pháp luật
Cơ quan này đề xuất mở rộng quyền trình sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội đối với nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, xây dựng cơ chế nhóm đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật trước Quốc hội với các dự án luật mới, phạm vi hẹp, tính chất không quá phức tạp; và được đề xuất, trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết sửa đổi, bổ sung.
Đề xuất nêu trên sẽ giúp đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, tiến tới có nhiều hơn dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do nhóm đại biểu Quốc hội đề xuất và xây dựng.
Hiện nay, luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải dựa trên đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; kết quả tổng kết thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến chính sách của dự án luật, pháp lệnh; yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội; bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh…
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, luật hiện hành mới chỉ quy định quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội mà chưa quy định quyền này cho nhóm đại biểu Quốc hội.
Thực tế cho thấy một đại biểu Quốc hội rất khó thực hiện quyền sáng kiến pháp luật của mình do thiếu nguồn lực và điều kiện bảo đảm thực hiện.
Cũng vì lẽ trên, nhiều quốc gia đã công nhận quyền sáng kiến pháp luật của nhóm đại biểu Quốc hội và có cơ chế rõ ràng để hỗ trợ đại biểu Quốc hội, nhóm đại biểu Quốc hội thực hiện quyền sáng kiến pháp luật. Ví dụ Canada và Nhật Bản đều có bộ phận chuyên trách chuyên soạn thảo dự án luật do đại biểu Quốc hội, nhóm đại biểu Quốc hội đề xuất.
Đại biểu bấm nút thông qua một nghị quyết của Quốc hội. Ảnh: Gia Hân
Vẫn theo Bộ Tư pháp, cơ quan này sẽ đề xuất bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát quyền lực, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật.
Bộ Tư pháp cũng sẽ nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội đối với văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Cùng đó là có biện pháp xử lý kịp thời trường hợp chậm hoặc ban hành văn bản có nội dung ngoài phạm vi được giao quy định chi tiết; xác định hợp lý thời điểm có hiệu lực của điều, khoản, điểm giao quy định chi tiết, nhất là nội dung phức tạp, cần có thời gian soạn thảo thì thời điểm có hiệu lực chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực của toàn bộ luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Rêng về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho hay sẽ nghiên cứu để hoàn thiện theo hướng quy định nguyên tắc nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan, người ban hành văn bản thông qua cơ chế xử lý trách nhiệm khi ban hành văn bản trái pháp luật.
Cạnh đó là quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong việc chủ động kiểm tra, rà soát văn bản; xác định rõ văn bản thuộc đối tượng kiểm tra là văn bản quy phạm pháp luật nói chung hay văn bản quy phạm pháp luật "có dấu hiệu trái pháp luật", tránh tạo ra cách hiểu khác nhau gây khó khăn trong áp dụng, thực hiện.
Theo Tuyến Phan/TNO
Bình luận (0)