Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bò Úc, bò Việt…

Tạp Chí Giáo Dục

Nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, với nhiều mặt hàng nông – lâm – thủy sản xuất khẩu vào tốp đầu thế giới như hồ tiêu, cà phê, nhân điều, lúa gạo, cá tra, chế biến gỗ… Nhưng điểm yếu của ngành này tồn tại ở lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là gia súc, không đủ cầu nên phải nhập khẩu ngày càng nhiều.

Việc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sau khi đột phá vào lĩnh vực trồng trọt khá thành công đã đầu tư mạnh vào nuôi bò thịt tại “sân nhà” để lấp dần thị trường hầu như đang bị bỏ ngỏ.

Học giỏi để… chăn bò!

Phát biểu tại buổi họp báo ra mắt sản phẩm thịt bò tơ Úc vỗ béo tại Việt Nam tuần qua tại TPHCM, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAGL nhớ lại câu chuyện, khi còn nhỏ, ba của ông từng nói, cố gắng học giỏi để nhờ cái thân, nếu học dốt sau này chỉ đi chăn bò! Bởi đây là nghề của người học dốt, bị xã hội xem thường. Nhiều người vẫn nghĩ nuôi bò dễ như cách nông dân Việt Nam đã làm. Nhưng đó là do chưa “mục sở thị” cách làm của người nước ngoài nên vẫn còn suy nghĩ hời hợt và đơn giản. Với thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, các tiến bộ khoa học liên tục được cập nhật, các thiết bị máy móc ngày càng hoàn thiện đã giúp nghề “chăn bò” giờ đây mang bộ mặt khác hoàn toàn.

Tại một chuồng trại bò thịt của HAGL.

Trải qua nhiều ngành nghề kinh doanh và sau khi trực tiếp dấn thân vào, ông Đức cảm nhận, nuôi bò không hề đơn giản và chưa thấy nghề nào lại “xài” công nghệ cao ở nhiều lĩnh vực như nuôi bò. Phải là người có học và học giỏi, nắm vững kỹ thuật, làm chủ công nghệ mới có thể “chăn bò” thành công để cạnh tranh với các tập đoàn hùng mạnh nước ngoài. Nói khác đi, nếu không học giỏi sẽ không thể nắm bắt, không thể tích hợp công nghệ cao nhiều lĩnh vực như giống, đồng cỏ, thức ăn, thời tiết, thổ nhưỡng, xử lý chất thải… vào nghề nuôi tưởng như bỏ đi này. Các trang trại nuôi bò của HAGL tại Việt Nam (Gia Lai), Lào, Campuchia đều được ứng dụng các loại công nghệ cao, như trồng giống cỏ có độ dinh dưỡng cao nhất, sử dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Israel, dùng chip điện tử để theo dõi việc ăn uống từng con bò, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý toàn thể đàn bò thịt lên đến 40.000 con. Những công nghệ mới nhất từ các nước có nền chăn nuôi tiên tiến như Mỹ, Úc, Israel… đều được ứng dụng tại đây. Để sớm tiếp cận, HAGL mạnh dạn thuê chuyên gia Israel vận hành. Việc quản lý toàn bộ đàn bò bằng công nghệ thông tin và hệ thống thiết bị máy móc hiện đại nên dù ở đâu cũng có thể biết được tăng mức trọng từng con bò, những vấn đề phát sinh. Với công nghệ cao và thiết bị hiện đại như vậy, chỉ có người học giỏi, có đủ trình độ mới có thể đảm đương công việc và lao động người Việt làm trong ngành này của HAGL hầu hết có trình độ đại học.

Để nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư về nông thôn

Chiến lược dài hạn là tiếp cận cách làm để nhập khẩu con giống bò thịt về nuôi tại Việt Nam thay vì vỗ béo như hiện nay. Không dừng lại bò thịt Úc, HAGL đang tìm hiểu để nhập bò thịt Black Angus, trung bình 800kg – 1 tấn/con, là niềm tự hào của người Mỹ, về nuôi tại Việt Nam để đa dạng sản phẩm. Bởi đây không phải là nghề bỏ đi mà còn mang lại lợi nhuận nhiều hơn so với những lĩnh vực đã đầu tư như mía – đường, bắp, cao su, cọ dầu…, đó là khẳng định của ông Đoàn Nguyên Đức. HAGL đang tập trung các nguồn vốn để nâng đàn bò thịt lên 2-3 lần so với kế hoạch ban đầu. Với ưu thế về đất đai, vốn và cách triển khai bài bản, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi đã giúp cho việc thực hiện chương trình bò thịt HAGL, trong 7 tháng đã có 40.000 con nhập về và đưa sản phẩm bò tơ tham gia thị trường trong nước. Các yếu tố để có thể “chăn bò” thành công là đất đai, vốn, công nghệ và con người. Trong đó, nguồn đất đai tập trung là hạn chế lớn, nhưng với HAGL đây lại là thế mạnh với quỹ đất trên 100.000ha tại Tây Nguyên, Lào, Campuchia.

Nếu như trong nông nghiệp, trồng trọt là lĩnh vực thể hiện khả năng cạnh tranh cao với sản phẩm cây trồng chủ lực như lúa gạo, nhân điều, hồ tiêu… để xuất khẩu, thì riêng lĩnh vực chăn nuôi phải nhập khẩu và đang bị nước ngoài chiếm lĩnh thị phần sân nhà như heo, gà công nghiệp, nhất là chăn nuôi đại gia súc. Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty VISSAN, so với heo và gia cầm, tỷ lệ sử dụng thịt bò trong nước chỉ khoảng 6% nhu cầu thịt, so với hơn 75% thịt heo, còn lại là gia cầm. Khi nền kinh tế phát triển, nhu cầu thịt bò tăng lên, dư địa trong lĩnh vực này rất lớn. 200.000 hay 300.000 con bò thịt của HAGL chỉ bằng 1/3 – 1/5 nhu cầu trong số hơn 1 triệu bò thịt hiện nay. Cần thêm nhiều doanh nhân khác cùng tham gia để có thể từng bước vực dậy ngành chăn nuôi tưởng như bị đè bẹp khi hội nhập và có thể làm chủ “sân nhà”. Cách làm của HAGL được nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước nhìn vào để có thể mạnh dạn đầu tư.

Tại buổi họp trực tuyến về xây dựng nông thôn mới gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Nhà nước khuyến khích DN về nông thôn đầu tư vào nông nghiệp, thông qua việc hỗ trợ chi phí đào tạo, miễn giảm thuế thu nhập DN, tiền thuê đất… Đây là lúc Nhà nước cần có chính sách cụ thể, khả thi hơn để DN mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, nhất là vùng núi, khó khăn. Bởi như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, DN chính là đầu tàu, nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, hình thành chuỗi cung ứng với sản phẩm chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao.

CÔNG PHIÊN

(SGGP)

Bình luận (0)