Thí sinh xem kết quả xét tuyển tại trường ĐH Ngân hàng TP.HCM – Ảnh: Bạch Dương |
Ngày 16.9, trong khi các trường ĐH, CĐ khác công bố điểm trúng tuyển NV2 và bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển NV3 thì trường ĐH Ngân hàng TP.HCM lại bất ngờ thông báo hạ điểm chuẩn NV1.
Theo thông báo này, trường tuyển bổ sung 150 chỉ tiêu (CT) bậc ĐH với điểm trúng tuyển NV1 là 19,5 và 100 CT bậc CĐ với điểm trúng tuyển NV2 là 15,5 cho ngành Tài chính – Ngân hàng. Trước đó, trong thời hạn công bố điểm trúng tuyển NV1 (theo quy định, trước ngày 20.8), trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đã công bố điểm trúng tuyển NV1 ngành Tài chính – Ngân hàng là 20. Sau gần 1 tháng, trường lại điều chỉnh điểm chuẩn ngành này còn 19,5 để lấy thêm 150 CT.
Điều chỉnh điểm vì… thí sinh?
Trả lời PV Báo Thanh Niên trong sáng hôm qua, tiến sĩ Hồ Diệu – Phó hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường, cho biết số CT bổ sung này bắt nguồn từ việc nhiều thí sinh (TS) thi vào ngành này của trường dù điểm còn cao nhưng vẫn không trúng tuyển. Vì vậy có rất nhiều TS và phụ huynh đến trường đề đạt nguyện vọng được học. Trước tình hình đó, trường đã xin Bộ GD-ĐT cho phép bổ sung CT ngành Tài chính – Ngân hàng để tạo điều kiện cho TS điểm cao vào học. Ông Diệu khẳng định: “Trường đã xin phép một thời gian không lâu sau khi công bố điểm trúng tuyển NV1 và đến ngày 10.9 thì được Bộ GD-ĐT đồng ý”.
PV Thanh Niên đã liên hệ với lãnh đạo các vụ chức năng của Bộ GD-ĐT để tìm hiểu sự việc. Trao đổi với PV vào chiều 17.9, bà Trần Thị Hà – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho rằng bà không biết lý do trường ĐH Ngân hàng TP.HCM được Bộ cho tuyển bổ sung CT vì lĩnh vực này do Vụ Kế hoạch – Tài chính phụ trách (!). Còn việc trường hạ điểm chuẩn thì Bộ chưa cho phép vì trường chưa xin phép. PV cũng đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Ngữ – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính để tìm hiểu sự việc nhưng ông Ngữ trả lời: “Hỏi lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH để có thông tin đầy đủ!”. |
Cũng theo ông Diệu, ban đầu trường xin Bộ GD-ĐT thêm các CT ngoài ngân sách (đóng học phí cao hơn). Theo quy định, điểm chuẩn cho CT ngoài ngân sách không được thấp hơn điểm trúng tuyển trước đó 10%, vì thế trường lấy điểm 19,5 là đúng theo quy định. Nhưng sau này, trường quyết định chuyển từ CT ngoài ngân sách sang CT bổ sung, đóng học phí bằng với các TS đã trúng tuyển trước đó (!).
Một điều đáng lưu ý là trường đã xét tuyển đủ số CT NV1 ngành Tài chính – Ngân hàng với mức điểm 20 trước đó.
Vi phạm quy chế tuyển sinh
Chuyện trường ĐH Ngân hàng TP.HCM công bố tuyển bổ sung CT NV1 với mức điểm thấp hơn điểm chuẩn NV1 đã thông báo trước đó vào thời điểm mà các trường đã kết thúc việc xét tuyển NV2 đặt ra nhiều vấn đề. Rõ ràng đây là việc vi phạm quy chế tuyển sinh.
Từ khi việc tuyển sinh được thực hiện theo nguyên tắc “3 chung” thì Bộ GD-ĐT đã có quy định các trường không được hạ điểm trúng tuyển. Nếu không xét đủ CT NV1, có thể xét tuyển NV2, NV3 cho đến khi đủ CT. Việc hạ điểm chuẩn NV1 sẽ làm xáo trộn công tác tuyển sinh của các trường khác. Song điều đáng nói hơn là việc “xé rào” này lại được Bộ GD-ĐT chấp thuận với danh nghĩa cho phép “tuyển bổ sung chỉ tiêu”.
Việc các trường được tuyển bổ sung CT để đào tạo hệ ngoài ngân sách (hay còn gọi là đào tạo theo nhu cầu xã hội) vốn đã trở thành việc làm thiếu minh bạch và thiếu công khai của Bộ GD-ĐT từ nhiều năm nay. Như Thanh Niên đã từng đề cập, sau mỗi kỳ tuyển sinh, Bộ đều cho phép một số trường được tuyển bổ sung CT những TS có điểm thấp hơn điểm chuẩn NV1 để đào tạo và thu học phí cao. Tuy nhiên, Bộ chưa từng công khai các tiêu chí xét duyệt mà chỉ xử lý “nội bộ” đối với những trường có văn bản xin phép. Về thời gian cho phép những trường này được xét tuyển bổ sung cũng không có một quy định nào, vì thế không ít lần, khi các trường đã bước vào xét tuyển NV2, Bộ mới có văn bản cho phép một số trường được tuyển bổ sung khiến cho công tác xét tuyển của các trường trở nên bị động còn TS thì hoang mang.
Đó là chưa nói đến cơ sở để cho phép các trường tuyển bổ sung CT cũng không rõ ràng. Từ năm 2007, Bộ GD-ĐT đã giao quyền cho các trường được tự định CT tuyển sinh dựa trên năng lực đào tạo. Vì vậy, CT tuyển sinh mà các trường đã được duyệt ngay từ khi bắt đầu tuyển sinh là đã phù hợp với năng lực đào tạo. Vậy thì tại sao cứ đến khi tuyển sinh xong mới phát sinh chuyện xin tuyển bổ sung CT? Còn nếu Bộ xem đây là chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội thì tại sao không công khai các tiêu chí xét duyệt ngay từ khi bắt đầu tuyển sinh?
Vũ Thơ – Đăng Nguyên (Theo TNO)
Bình luận (0)