Trước những bê bối xảy ra liên tiếp tại các cuộc thi người đẹp hai năm qua, dự thảo quy chế tổ chức thi hoa hậu vừa hoàn thành đã tăng cường vai trò quản lý của nhà nước, đồng thời theo sát những sai phạm để lấp các kẽ hở trong quy chế cũ.
Dự thảo quy chế Tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi và Người đẹp được Cục Nghệ thuật Biểu diễn công bố ngày 1/12 và sẽ được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch thông qua trong thời gian tới, nhằm thay thế quy chế cũ ban hành năm 2006 đã có nhiều bất cập.
Theo đó, Bộ có quyền tước vương miện hoa hậu và các danh hiệu khác khi thí sinh vi phạm quy chế hoặc quy định của pháp luật. Đây là sửa đổi đầu tiên, thể hiện rõ vai trò kiểm soát ngày càng chặt chẽ của cơ quan nhà nước đối với hoạt động thi sắc đẹp. Quy chế hiện hành quy định, quyền tước danh hiệu của các cuộc thi thuộc về Ban tổ chức. Sự lỏng lẻo trong chế tài xử phạt này là nguyên nhân khiến những sai phạm tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008 không được xử lý một cách triệt để. Sau khi đăng quang, tân Hoa hậu Nguyễn Thị Thùy Dung bị phát hiện chưa tốt nghiệp PTTH. Ban tổ chức cuộc thi thừa nhận đã vi phạm quy chế khi tự ý mở rộng đối tượng thí sinh dự thi. Cùng nhiều sai phạm khác, Bộ quyết định xử phạt hành chính Ban tổ chức. Riêng tân Hoa hậu chưa học xong lớp 12 vẫn được giữ vương miện. Ban tổ chức cho rằng, Thùy Dung không làm gì sai trái. Chưa bàn đến tính đúng sai của quyết định tước hay không tước vương miện của người đẹp Đà Nẵng, việc trao quyền xử lý một trường hợp vi phạm quy chế cho một Ban tổ chức đã vi phạm chính quy chế đó được coi là điều bất cập.
Ban soạn thảo rút ra nhiều kinh nghiệm từ những sai phạm của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chính vì vậy, vừa qua, một số cử tri tại Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng đã lên tiếng yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc hơn đối với những bê bối tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008. Những kiến nghị này đã được Ban dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập hợp gửi đến Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress.net, Cục trưởng Lê Ngọc Cường cho biết, Cục đã có công văn trả lời, trong đó giải thích: “Việc vi phạm quy chế của Ban tổ chức cuộc thi là rõ ràng. Nhưng xét thấy báo Tiền Phong có nhiều đóng góp xây dựng hình ảnh tích cực của Hoa hậu Việt Nam trong những năm qua, đồng thời Ban tổ chức này đã nghiêm khắc nhận thức sai phạm nên Cục thấy việc xử lý như trên là hợp lý".
Rút kinh nghiệm từ vụ việc này, trong dự thảo mới, các nhà soạn thảo cũng đề ra hình thức xử lý với những đơn vị tổ chức sai phạm. Theo đó, Bộ sẽ “đình chỉ, thu hồi quyết định cho phép tổ chức cuộc thi Hoa hậu khi đơn vị tổ chức vi phạm quy định của quy chế và các quy định của pháp luật có liên quan”. Những đơn vị để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng như Ban tổ chức Hoa hậu Trang sức 2007, Hoa hậu Việt Nam 2008 sẽ khó có cơ hội được đăng cai cuộc thi vào những năm tiếp theo.
Hiện trạng loạn thi hoa hậu như hiện nay cũng sẽ được khắc phục khi dự thảo được thông qua. Bởi Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ chỉ cấp phép mỗi năm một lần cho các cuộc thi Hoa hậu có quy mô toàn quốc. Mỗi tỉnh, mỗi khu vực, mỗi ngành cũng chỉ được tổ chức mỗi năm một lần các cuộc thi Hoa khôi, Người đẹp. Nhằm tránh tình trạng chậm tiền thưởng, tránh sự cố người đẹp đi đòi tiền như từng xảy ra với các cuộc thi Hoa hậu Trang sức 2007, Hoa hậu Du lịch 2008, dự thảo yêu cầu các đơn vị đăng cai chứng minh tiềm lực tài chính của mình, đồng thời quy định, giải thưởng và giấy chứng nhận phải được trao cho thí sinh đoạt giải ngay trong đêm chung kết
Tại điều 6, quy định về điều kiện và hồ sơ của thí sinh dự thi hoa hậu quốc tế, dự thảo yêu cầu, người đẹp Việt Nam muốn dự các cuộc thi nhan sắc thế giới phải “đạt danh hiệu chính thức tại các cuộc thi Hoa hậu, Hoa khôi và Người đẹp trong nước”. Ông Phạm Đình Thắng – Trưởng phòng Quản lý của Cục – cho biết: “Danh hiệu chính thức là Hoa hậu hoặc Á hậu. Dự thảo đề ra tiêu chuẩn cao hơn đối với thí sinh đại diện cho Việt Nam. Vì quy chế cũ chỉ yêu cầu người dự thi quốc tế phải đạt danh hiệu tại các cuộc thi Hoa hậu trong nước, nghĩa là chấp nhận cả giải phụ”. Như vậy, các đơn vị cử người đi thi quốc tế sẽ có ít lựa chọn hơn, nhưng ông Thắng cho rằng, đây là một việc làm cần thiết nhằm đảm bảo tuyển chọn những gương mặt ưu tú đại diện cho quốc gia tại các đấu trường nhan sắc thế giới.
Dự kiến, Dự thảo quy chế Tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi và Người đẹp sẽ được Bộ thông qua trong năm 2008.
Hà Linh (Theo VNE)
Bình luận (0)