Trưa 12-9, chúng tôi trở lại công trình thi công miệng cống nơi hai công nhân tử nạn trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7, TP.HCM). Tại đây, trên vỉa hè, mâm cúng mà những người bạn cùng nhóm thi công của hai nạn nhân vội vã làm cho bạn mình còn đó những chân nhang.
Mâm cúng có hai hộp cơm khô quắt vẫn còn mở nắp đặt trên hai bao ximăng Hân đã làm vội vã cho bạn mình, mà một trong hai người bạn tử nạn trong vụ ngạt cống nước là Nguyễn Tấn Đạt mồ côi cha mẹ từ nhỏ, mưu sinh bằng làm thuê ở TP.HCM mấy năm nay.
Vụ hai công nhân chết ngạt: Thi công trong điều kiện không an toàn
Nguyên nhân dẫn đến cái chết của hai công nhân Nguyễn Trí Nguyễn và Nguyễn Tấn Đạt trong đường ống cấp nước 600mm trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7, TP.HCM) ngày 11-9 đang được cơ quan công an điều tra làm rõ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguyên nhân dẫn đến tai nạn này do các công nhân làm việc trong điều kiện không đảm bảo an toàn, thiếu sự kiểm tra, giám sát từ những người có trách nhiệm và phía chủ đầu tư. Thông tin ban đầu cho thấy các công nhân trên thuộc Công ty Công trình giao thông công chính, chui vào đường ống để sửa chữa ron bị xì nằm sâu bên trong.
Theo anh Nguyễn Ngọc Tốt – thành viên đội cứu hộ chuyên nghiệp thuộc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM, đường ống chỉ rộng 600mm nên việc tiếp cận với các nạn nhân gặp khó khăn, phải chui sâu vào gần 50m. Nước trong lòng ống chỉ cao khoảng 10cm nên khó có khả năng các công nhân này bị chết do nước ngập. Khu vực hố ga và bên trong đường ống có mùi khói nên nhiều khả năng những công nhân trên chết ngạt do thiếu oxy. Trong khi đó, một cán bộ tổ an toàn lao động thuộc thanh tra Sở Lao động – thương binh và xã hội TP cho rằng không loại trừ khả năng trong đường ống bị nhiễm khí độc: “Khi xuống hiện trường, tôi ngửi thấy mùi hôi rất nặng nên đã lấy mẫu khí về xét nghiệm”.
Cũng theo đội cứu hộ chuyên nghiệp, trong hai công nhân bị chết trong đường ống, một người mặc đồ đầy đủ, người còn lại chỉ mặc quần cụt và không phát hiện dụng cụ an toàn lao động nào ngoài chiếc đèn pin nằm sâu trong đường ống. Trong khi đó, một cán bộ phòng an toàn lao động cho rằng để đảm bảo an toàn khi thi công trong dạng hầm kín, đường ống kín thì khu vực đó phải được thông hơi. Nếu không, bắt buộc phải có bình dưỡng khí.
Một chuyên gia về thi công đường ống cấp nước cho rằng mặc dù hiện nay chưa có quy chuẩn kỹ thuật quy định điều kiện thi công trong các ống nước ngầm dưới đất, nhưng mỗi đơn vị cần giới hạn sự an toàn cho mình. Cụ thể đối với những đường ống cỡ 1.500mm thì chỉ cho công nhân chui vào 30-40m, tối đa 50m. Trước khi làm việc trong các đường ống này phải đảm bảo các yếu tố thông hơi, kiểm tra oxy, khí độc trước khi vào đường ống. Nếu đi sâu hơn phải mang bình dưỡng khí dù công tác kiểm tra an toàn.
Riêng với đường ống 600mm trở xuống, cần hạn chế tối đa việc chui vào đường ống làm việc vì không gian quá chật hẹp, chủ yếu là bò chứ không thể đi nên thao tác sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Giải pháp tốt nhất nên đào hở phía trên để xử lý. Nhận định về tai nạn bên trong đường ống cấp nước trên đường Huỳnh Tấn Phát, chuyên gia này cho rằng ở những đoạn đầu tiên bên trong đường ống, oxy vẫn còn nhiều. Nhưng khi càng vào trong oxy ít dần, trong khi đó có đến 4-5 công nhân cùng ở gần nhau nên không đủ dưỡng khí. Khi đó, các công nhân không thể quay đầu thoát ra ngoài mà phải bò thụt lùi. Thời gian không đủ cho họ thực hiện việc đó.
Vì sao các công nhân trên làm việc trong điều kiện nguy hiểm như thế lại không được trang bị dụng cụ an toàn lao động cần thiết, việc giám sát công trình thực hiện ra sao? Chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo đơn vị thi công và chủ đầu tư Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn nhưng các số điện thoại đều nằm ngoài vùng phủ sóng hoặc không nghe máy.
Q.KHẢI
|
Bình luận (0)