Nhiều ý kiến cho rằng, bỏ ghi xếp loại trên văn bằng giáo dục ĐH là phù hợp, không ảnh hưởng đến tuyển “đúng người đúng việc” vì cái nhà tuyển dụng hiện nay quan tâm chính là năng lực thực chất của ứng viên. Quá trình học tập của sinh viên cũng đã hiển thị đầy đủ ở bảng điểm.
Sinh viên được đại diện doanh nghiệp trực tiếp phỏng vấn tuyển dụng tại ngày hội việc làm ở TP.HCM
Dự thảo thông tư ban hành quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục ĐH của Bộ GD-ĐT tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Trong dự thảo này, nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục ĐH sẽ gồm 10 mục, nhưng không hiển thị xếp loại học lực giỏi, khá, trung bình… của người học. Cơ sở giáo dục ĐH được bổ sung các nội dung khác ghi trên văn bằng giáo dục ĐH phù hợp với quy định của pháp luật.
Xu hướng chung
Theo Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), dự thảo thông tư nói trên chỉ quy định nội dung chính ghi trên văn bằng, các thông tin khác đã quy định phải ghi trên phụ lục văn bằng và được cấp đồng thời với văn bằng cho người học. Việc cấp văn bằng cùng với phụ lục văn bằng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới. Trong quá trình xây dựng dự thảo thông tư này, Ban soạn thảo đã tham khảo văn bằng của hơn 20 quốc gia. Do vậy, quy định như trong dự thảo là phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới, đảm bảo sự hội nhập của giáo dục ĐH Việt Nam với giáo dục ĐH các nước.
ThS. Nguyễn Trần Như Khuê (giảng viên Khoa Luật, Học viện Cán bộ TP.HCM) nhận định, năng lực làm việc của một người không hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả xếp loại trên văn bằng. Với nhiều nhà tuyển dụng, xếp loại trên văn bằng là một trong những kênh thông tin tốt để đối chiếu, tham khảo tuy nhiên, đào tạo ở trường và khả năng làm việc thực tế có một khoảng cách lớn. Cũng có những trường hợp “bằng đỏ” nhưng vào thực tế lại không đáp ứng được công việc.
ThS. Khuê nhấn mạnh, trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH có quy định đối với giáo dục ĐH, người học khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng và phụ lục văn bằng. Đồng thời cũng có những văn bản quy định chi tiết nội dung ghi trên văn bằng và phụ lục. Như vậy, vấn đề ở đây không phải bỏ xếp loại mà chỉ là chuyển các nội dung liên quan đến xếp loại trên bằng tốt nghiệp sang phụ lục văn bằng. Thậm chí, thông tin ở phụ lục văn bằng còn chi tiết hơn. Chưa kể hiện nay, các trường ĐH khi cấp bằng còn kèm theo bảng điểm. Do đó, nếu có bỏ xếp loại trên văn bằng, nhà tuyển dụng vẫn có thể căn cứ vào bảng điểm, vào phụ lục văn bằng để tham khảo năng lực của ứng viên. Và như vậy, bỏ xếp loại cũng không làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng “đúng người đúng việc”.
Đồng quan điểm, ông Đặng Kiên Cường (Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho rằng, việc không xếp loại trên bằng tốt nghiệp ĐH, các trường trên thế giới đã làm nhiều. Trường ĐH ở Việt Nam cũng nên theo xu hướng này, vì xếp loại cũng chưa thể phản ánh hết khả năng của người học mà cần phải “nhúng” vào thực tế. Ngay cả khi bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp, nhà tuyển dụng vẫn có cơ sở để hiểu quá trình học tập của sinh viên thông qua bảng điểm.
Đã có chuẩn đầu ra, bảng điểm
“Trong tuyển dụng, phỏng vấn chủ yếu cần đạt yêu cầu, đạt tiêu chuẩn việc làm là được. Tất nhiên, đánh giá kết quả đào tạo, doanh nghiệp có thể tham chiếu thêm qua bảng điểm của sinh viên. Và người có năng lực thực sự sẽ đáp ứng các tiêu chí chuyên môn, kỹ năng, thái độ thể hiện qua khâu phỏng vấn cũng như quá trình bước vào làm việc thực tế. Còn bằng cấp, xếp loại chỉ là một phần quyết định rất nhỏ” – ông Trần Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) nhìn nhận.
“Mặc dù việc bỏ ghi xếp loại trên văn bằng là phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới nhưng cần phải có lộ trình, có thời gian thực hiện” – ThS. Nguyễn Trần Như Khuê (giảng viên Khoa Luật, Học viện Cán bộ TP.HCM) góp ý. |
Theo ông Tuấn, chính từ yêu cầu thực chất năng lực của ứng viên trên thực tế, người học sẽ có thái độ, động cơ học tập tích cực, phù hợp để thích ứng. Và điều này sẽ quyết định thái độ học tập của các em chứ không triệt tiêu động lực. Chỉ khi nào trong khâu tuyển dụng, chúng ta quá xem trọng xếp loại trên bằng cấp, thì khi bỏ xếp loại này, người học mới dễ bị thay đổi thái độ học tập.
Đại diện một trường ĐH khác cho rằng, việc bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp là phù hợp vì hiện nay đã có chuẩn đầu ra của mỗi chương trình giảng dạy, việc đạt chuẩn rồi nhận bằng là hợp lý. Ngoài ra sinh viên cũng có bảng điểm trên đó đã ghi đủ thông tin tương tự như xếp loại và thứ hạng rồi.
Đại diện này cũng đánh giá, việc bỏ xếp loại không làm giảm động lực phấn đấu học tập của sinh viên, vì em nào cũng phải tập trung học để đạt môn học, đạt điểm cao và đạt chuẩn đầu ra nhằm tốt nghiệp, trừ những em không ý thức học.
“Chỉ ghi trung bình, khá hay giỏi không nói được chi tiết về khả năng của người học, bảng điểm mới thể hiện rõ người này có khả năng nhất ở chỗ nào. Hay giới thiệu ứng viên đi học tiến sĩ ở Singapore, tôi thấy các giáo sư không chỉ xem bằng mặc dù các em đều giỏi, họ còn xem bảng điểm để biết các em này có mạnh về khoa học thông qua điểm toán, lý, môn cơ sở ngành chứ họ không để ý môn chuyên ngành, công nghệ. Ngược lại nhà tuyển dụng họ thường xem về điểm các môn cơ sở ngành để tuyển người thiết kế hay môn chuyên ngành để tuyển người làm thi công, lắp đặt, bảo trì” – đại diện này chia sẻ.
Mê Tâm
Bình luận (0)