Đến 15h chiều 2/10, có 18 mẫu sữa, nguyên liệu sữa và bánh quy có mặt tại thị trường trong nước chứa chất gây sạn thận được Bộ Y tế chính thức công bố. Đa số sản phẩm bắt nguồn từ Trung Quốc, Malaysia hoặc chưa rõ xuất xứ.
Danh sách cụ thể bao gồm:
– 5 loại sữa của Yili (gồm: Sữa Pure Milk, Sữa tươi 1 lít, Sữa tươi hương original, Sữa tươi 250 ml, Sữa tươi Yili), xuất xứ Trung Quốc.
– Non dairy creamer Thái Lan của Công ty Cổ phần Hóa chất Á Châu, xuất xứ Trung Quốc.
– 2 loại bột sữa của Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoi Milk) là: Full cream milk powder grade A và Blue Cow – Full cream milk powder used for UHT milk, xuất xứ Trung Quốc.
– Sữa tăng chiều cao Gold Food cho trẻ từ 1 tuổi trở lên (hộp giấy) của Công ty Cổ phần Dinh dưỡng thực phẩm vàng, chưa rõ nguồn gốc.
– Sữa bột Advanced Distribution của Công ty TNHH Chế biến lương thực thực phẩm Mai Anh, chưa rõ nguồn gốc.
– 5 loại bánh quy của Công ty TNHH TM&DV Đại Vinh, bao gồm: Bánh quy Khong Quan (nhập từ Indonesia), bánh quy Khong Quan, bánh quy Khong Quan Marie, bánh quy Khian Guan Aquare Puff, bánh quy Khian Guan Superior (4 loại này cùng có xuất xứ Malaysia).
– Sữa bột nguyên kem (Full Cream Milk Powder) của Công ty CP Thực phẩm Anco (chưa rõ nguồn gốc).
– 2 sản phẩm của Công ty Minh Dương là: Sữa bột béo, bột kem không sữa (chưa rõ nguồn gốc).
Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã ký lệnh thu hồi và tiêu hủy 18 sản phẩm trên. Từ ngày mai, Bộ sẽ liên tục cập nhật hàng ngày những sản phẩm nhiễm melamine và không nêu tên các mặt hàng không chứa chất độc này mà để các doanh nghiệp tự công bố.
Chiều nay, Công ty Thực phẩm Anco đã họp báo khẩn công bố nguyên liệu sữa bột Trung Quốc mà công ty nhập từ Công ty Hoàng Lâm chứa melamine. Trong số 23,9 tấn nguyên liệu nói trên, Anco đã sử dụng 16,9 tấn, sản xuất được 182.000 lít sữa tiệt trùng Anco. Công ty cho biết họ đã thu hồi được 120.000 lít và sẽ cố gắng thu hồi số còn lại trong thời gian tới.
“Chúng tôi xin lỗi khách hàng vì sự cố đáng tiếc này và cam kết làm hết sức mình và hết trách nhiệm để giải quyết mọi hậu quả đối với sức khỏe người tiêu dùng”, ông Phan Đức Bình, Chủ tịch công ty, nhấn mạnh.
Ông Bình cũng cho biết Anco hiện sản xuất 3 dòng chính là sữa tiệt trùng Anco, sữa tươi thanh trùng Ancomilk và sữa chua Ancoyo. Trong đó chỉ có sản phẩm sữa tiệt trùng Anco được sản xuất từ lô sữa bột nguyên liệu nhiễm melamine. Hai dòng sản phẩm còn lại được sản xuất từ nguồn nguyên liệu sữa tươi Ba Vì, sẽ tiếp tục được bán trên thị trường.
Trong khi mẫu của Anco gửi đến Viện Dinh dưỡng cho kết quả dương tính với melamine, thì một mẫu tương tự (lấy cùng lô hàng) được công ty Hoàng Lâm gửi đi xét nghiệm tại Công ty kiểm định quốc tế SGS (Thụy Sĩ) tại TP HCM lại cho kết quả hoàn toàn ngược lại – âm tính. Công ty Anco đã gửi công văn đến Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Thanh tra Sở Y tế Hà Nội nêu rõ vấn đề này.
Ngoài Anco, VnExpress.net cũng đã nhận được phiếu báo kết quả xét nghiệm âm tính đối với 2 sản phẩm (Yoguhurt Hi – Calcium Strawbery và Zin Zin – UHT Milk Strawbery Flavor) của Hãng sữa Elovi, cũng thực hiện tại SGS. Tuy nhiên, trong danh sách các cơ quan được Bộ Y tế tạm thời chỉ định thực hiện việc kiểm nghiệm xác định chất melamine không hề có tên Công ty kiểm định quốc tế SGS.
Cũng trong chiều nay, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm ra quyết định đình chỉ lưu hành trên toàn quốc nguyên liệu thực phẩm “Non Dairy Creamer” của Công ty Cổ phần hóa chất Á Châu, quận Tân Bình, TP HCM, bởi có kết quả nhiễm melamine.
Cục cũng yêu cầu thu hồi chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm cấp cho dòng nguyên liệu này.
Cũng theo quyết định của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Công ty Cổ phần hóa chất Á Châu có trách nhiệm thu hồi và tiêu hủy sản phẩm nêu trên trước ngày 10/10 và báo cáo kết quả về cho Cục trước ngày 14/10. Việc tiêu hủy phải được sự chứng kiến của Sở Y tế TP HCM và các cơ quan liên quan.
Hôm qua, sau khi Sở Y tế TP HCM nhận được kết quả melamine dương tính trong nguyên liệu bột kem của Công ty Cổ phần Hóa chất Á Châu, trên 30 tấn bột kem Non Dairy Creamer còn trong kho của chi nhánh Công ty Á Châu ở lô K4B, KCN Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM, đã được cơ quan chức năng niêm phong.
22 đơn vị đủ điều kiện xác định melamine 1. Viện dinh dưỡng Quốc gia – 48 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội 2. Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP HCM – 159 Hưng Phú, Quận 8, TP HCM. 3. Viện Pasteur Nha Trang, 8/10 Trần Phú, Nha Trang, Khánh Hòa 4. Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên – 59 Hai Bà Trưng, Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc 5. Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 – số 8 Hoàng Quốc Việt, Quận Cầu Giấy, Hà Nội 6. Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 – số 2 Ngô Quyền, TP. Đà Nẵng 7. Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 – Số 7, Đường 1, Khu Công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai 8. Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương – 48 Hai Bà Trưng, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội 9. Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. HCM – 200 Cô Bắc, TP. HCM 10. Viện khoa học Việt Nam – 18 Hoàng Quốc Việt, Quận Cầu Giấy, Hà Nội 11. Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên – 18 Hoàng Quốc Việt, Quận Cầu Giấy, Hà Nội 12. Viện Hóa học công nghiệp – 2 Phạm Ngũ Lão, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội 13. Công ty cổ phần Giám định VINACONTROL – 54 Trần Nhân Tông, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội 14. Chi nhánh Công ty cổ phần Giám định VINACONTROL tại TP. HCM – 80 Bà Huyện Thanh Quan, Quận 3, TP. HCM 15. Viện Công nghiệp thực phẩm – 218 Nguyễn Trãi, Quận Thanh Xuân, Hà Nội 16. Trung tâm Giáo dục và phát triển sắc ký – 2 Đại Cồ Việt, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội 17. Trung tâm Dịch vụ và phân tích thí nghiệm (Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM) – 2 Nguyễn Văn Thủ, Quận 1, TP. HCM 18. Phòng thí nghiệm Bộ môn Hóa lý (Trường ĐH Y Dược TP. HCM – 217 Hồng Bàng, Quận 5, TP. HCM 19. Viện Pasteur TP. HCM – 167 Pasteur, Quận 3, TP. HCM 20. Viện Nghiên cứu rau quả – Thị trấn Châu Quỳ, Huyện Gia Lâm, Hà Nội 21. Trung tâm Kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc – Cục Bảo vệ thực vật – Phố Hồ Đắc Di, Quận Đống Đa, Hà Nội 22. Trung tâm kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương – Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội |
Minh Thùy – Thiên Chương
(Theo VnExpress)
Bình luận (0)