Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bộ Y tế “sợ” các công ty dược?

Tạp Chí Giáo Dục

Mới đây, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã công bố kết quả thanh tra giá thuốc tại một số nhà thuốc ở TP.HCM và Hà Nội. Người bệnh thật sự “choáng” khi biết giá thuốc mà các nhà thuốc bán cao gấp 5 lần giá thực tế. Cụ thể, thuốc Lapaliver được bán tại Bệnh viện Nhi TW với giá 3.700 đồng/ viên. Trong khi giá nhập khẩu của thuốc này chỉ có 4,5 USD/ hộp 10 vỉ, mỗi vỉ 10 viên – tương đương 850 đồng/ viên. Điều đó cũng có nghĩa là giá bán 1 viên thuốc Lapaliver đắt gấp gần 5 lần giá nhập khẩu. Tại Bệnh viện Bạch Mai, giá bán loại thuốc Lydocef 1g (do hãng Shandong Reyoung của Trung Quốc sản xuất, Công ty Dược phẩm Trung ương II nhập khẩu) là 68.000 đồng/ lọ. Còn giá nhập khẩu của loại thuốc này (theo giá công bố mới nhất trên website Cục Quản lý dược) là 0,65 USD/ lọ (xấp xỉ 12.500 đồng/ lọ). Như vậy, giá bán ra chênh lệch hơn 5 lần so với giá nhập khẩu…
Thế nhưng, tại buổi báo cáo về thực trạng quản lý giá thuốc với Ủy ban Các vấn đề xã hội ở TP.HCM mới đây, ông Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) lại cho rằng: “Căn cứ số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê – Bộ Công thương về chỉ số giá tiêu dùng của các mặt hàng trọng yếu thì chỉ số giá nhóm hàng dược phẩm y tế có tỷ lệ giảm dần, đứng hàng thứ 7-9 so với 11 mặt hàng trọng yếu khác…”.
Thậm chí ông Cường còn thừa nhận rằng, chỉ cần Bộ Y tế can thiệp sâu vào thị trường dược (cụ thể là không chấp thuận cho các công ty dược tăng giá thuốc) thì chỉ sau một thời gian rất ngắn, các bệnh viện sẽ đồng loạt kêu thiếu thuốc. Rồi ông đưa ra dẫn chứng, trước năm 2008, vì Bộ Y tế can thiệp sâu vào thị trường dược nên cả nước có nguy cơ thiếu 172 mặt hàng thuốc, 70 mặt hàng hóa chất và vật tư tiêu hao của các bệnh viện thuộc bộ; 766 mặt hàng thuốc, 193 mặt hàng hóa chất vật tư tiêu hao tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập địa phương…
Ông Cường cũng cho biết: “Thị trường dược phẩm Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khách quan như: khoảng 90% nguyên liệu phục vụ sản xuất và trên 50% thuốc sử dụng phải nhập khẩu; các yếu tố đầu vào khác như điện, nước, xăng dầu, tỷ giá ngoại tệ luôn biến động… Nhiệm vụ bình ổn giá thuốc không phải là sử dụng các biện pháp hành chính để buộc giá thuốc đứng yên hoặc buộc các doanh nghiệp phải giảm giá bán, mà phải đảm bảo sự bình ổn chung của tổng thể thị trường dược phẩm trên cơ sở đảm bảo đủ thuốc đáp ứng cho nhu cầu điều trị”.
Có lẽ với quan niệm “không thể buộc giá thuốc đứng yên” này mà thị trường dược trong nước luôn xảy ra việc tăng giá đột biến, bất hợp lý và tăng giá đồng loạt. Và đương nhiên, hậu quả của việc tăng giá thuốc là người bệnh lãnh, chứ không phải Bộ Y tế…
Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)