Bộ LĐ-TB-XH vừa bãi bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ đối với giáo viên các trường khối giáo dục nghề nghiệp.
Giáo viên trường nghề không cần phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. MỸ QUYÊN
Cần chứng chỉ trong thời gian ngắn dễ nảy sinh tiêu cực?
Bộ LĐ-TB-XH vừa ban hành thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của thông tư 08 năm 2017 quy định về chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Theo đó, bắt đầu từ tháng 10.3.2021, yêu cầu về ngoại ngữ đối với giáo viên trường nghề không còn quy định bắt buộc phải đảm bảo bậc 1, bậc 2 về khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và yêu cầu về trình độ tin học cũng không còn bắt buộc phải đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.
Cụ thể, giáo viên chỉ cần “có năng lực sử dụng ngoại ngữ trong thực hiện nhiệm vụ của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp theo yêu cầu vị trí việc làm do người đứng đầu cơ sở hoạt động GDNN quy định” và “có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp theo yêu cầu vị trí việc làm do người đứng đầu cơ sở hoạt động GDNN quy định”
Trước đó, Thông tư số 08 năm 2017 yêu cầu nhà giáo dạy trình độ sơ cấp phải có trình độ ngoại ngữ bậc 1 (A1), trình độ trung cấp, CĐ phải có trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư số 01 năm 2014 do Bộ GD-ĐT ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương trở lên. Đồng thời giáo viên dạy trình độ sơ cấp, trung cấp, CĐ phải có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin hoặc tương đương trở lên.
Lý giải về điều này, ông Trần Minh Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Nhà giáo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: “Thực tế triển khai những năm qua cho thấy, do “áp lực” phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong một thời gian ngắn nên dẫn đến nảy sinh những tiêu cực trong việc học, thi lấy chứng chỉ. Một số cơ sở, đơn vị đào tạo, bồi dưỡng không có chất lượng, tổ chức thi, cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không đúng quy định gây bức xúc trong dư luận xã hội”.
Theo ông Thịnh, việc bỏ các chứng chỉ này không có nghĩa là yêu cầu về ngoại ngữ, tin học đối với nhà giáo GDNN được “xem nhẹ” hoặc “hạ thấp”, mà sự điều chỉnh này đã được nghiên cứu nhằm hướng đến một quy định hiệu quả và thực chất hơn. Qua đó, tăng cường phân cấp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ sở hoạt động GDNN.
Trường nghề sẽ có cách để tuyển giáo viên đạt chuẩn
Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công thương TP.HCM, cho rằng nếu Bộ LĐ-TB-XH bỏ quy định này thì việc tuyển dụng giáo viên sẽ nhẹ nhàng hơn và giáo viên cũng không bị áp lực.
“Tuy nhiên, đây là những yêu cầu rất cần thiết đối với giáo viên dù dạy môn nào. Nếu chứng chỉ đó là thực chất thì rất tốt. Trong thời gian tới, khi tuyển dụng giáo viên, trường sẽ trực tiếp kiểm tra năng lực ngoại ngữ và tin học, nếu đạt mới tuyển”, ông Tuấn cho hay.
PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM, cũng cho rằng đây là ngoại ngữ và tin học là rất quan trong đối với giảng viên. PGS Minh chia sẻ: “Ở trường hiện tại nhiều giáo viên lớn tuổi đã có chứng chỉ này từ rất lâu. Còn đối với giáo viên trẻ thì các em thời nay hiếm ai không đạt. Trong thời gian tới, khi tuyển dụng giáo viên, trường sẽ không đặt nặng chứng chỉ nữa, nhưng sẽ vẫn phải kiểm tra ngoại ngữ, tin học trong chuyên môn của giáo viên để thấy được năng lực thực chất. Riêng đối với giáo viên dạy tiếng Anh thì không cần vì họ đều tốt nghiệp sư phạm chuyên ngành ra”.
Là một giáo viên lâu năm, thạc sĩ Lê Thị Thanh Nhàn, giảng viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, bày tỏ: “Tôi cho rằng năng lực tiếng Anh và tin học vẫn rất cần thiết nhưng bỏ chứng chỉ đi cũng rất hợp lý vì có thể nó chỉ là hình thức, dẫn đến tình trạng “chạy” chứng chỉ. Để tuyển được giáo viên đúng chuẩn thì nhà trường trực tiếp kiểm tra trình độ tiếng Anh và tin học sẽ thấy được năng lực thực chất hơn”.
Theo Mỹ Quyên/TNO
Bình luận (0)