Phân cảnh chiến thắng Bạch Đằng do học sinh trong trường cùng các nghệ sĩ biểu diễn
Không phải gò mình, gượng ép với những con số, dữ kiện ngày tháng, các em học sinh Trường THPT Tenlơman (Q.1, TP.HCM) luôn có cách học sử rất nhẹ nhàng bằng việc tạo ra không gian “đặc sệt” chất sử trong chính ngôi trường của mình. Đó là chương trình vinh danh văn hóa với chủ đề “Hồn thiêng Quốc sử Việt Nam”, không chỉ tái hiện lại những dấu son lịch sử huy hoàng cùng những nhân vật lừng lẫy mà còn bồi đắp cho học sinh những hiểu biết về văn hóa, vùng đất Nam bộ; từ đó giáo dục các em sống có trách nhiệm, có lý tưởng. Chương trình gồm 2 phần chính: Không gian triển lãm 5 chủ đề lịch sử và sân khấu hóa lịch sử Việt Nam. Theo đó, ở không gian triển lãm là sự đa dạng của những “phân đoạn lịch sử”, từ tờ báo đầu tiên của phụ nữ (tờ Nữ giới chung) cách đây 100 năm với cái nhìn đầy mới mẻ, tiến bộ của Việt Nam trong bình đẳng giới; điểm sơ nền văn hóa miền Nam dưới thời Pháp thuộc. Hay là tấm bia ân tình của cụ Phan Bội Châu trên đất Nhật, đáp đền những công lao mà người Nhật dành cho cụ trong quá trình hoạt động cách mạng trên đất nước họ; vết son chói lọi của chiến thắng Ngô Quyền trên dòng Bạch Đằng giang.
Làm đậm thêm không gian triển lãm là không gian của nghệ thuật sân khấu với 3 trích đoạn: Tiếng súng Cô Giang, Thanh sử Ngô Vương, Cung nghinh Đức lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược phương Nam. Mỗi phân cảnh trôi qua, từng ánh mắt học sinh dõi theo đầy chăm chú cùng những tràng pháo tay dài không dứt. “Được học sử như thế này hoài thì chúng em không chán. Học mà như ngồi coi phim vậy. Dễ nhớ, dễ hiểu. Cải lương ca mùi gì đâu…”, Huỳnh Thư (lớp 10A6) tiếc nuối khi trích đoạn Thanh sử Ngô Vương khép lại.
Điểm đặc biệt của chương trình “Hồn thiêng Quốc sử Việt Nam”, theo thầy Nguyễn Văn Thành (Hiệu trưởng nhà trường) là cả giáo viên và học sinh cùng… hóa thân thành nghệ sĩ. Chương trình do nhà trường kết hợp với Câu lạc bộ Nghiên cứu vinh danh văn hóa Nam bộ tổ chức. Nếu chỉ có nghệ sĩ diễn thì rất hay, nhưng với học sinh thì coi như cưỡi ngựa xem hoa. Tuy nhiên, khi được cùng tham gia diễn với nghệ sĩ sẽ mang lại những trải nghiệm xen lẫn tự hào với các em. Tình yêu lịch sử cứ thế “ngấm” vào học sinh rất nhẹ nhàng. “Trên hết là giáo dục các em về truyền thống, lòng yêu nước, về trách nhiệm bản thân với đất nước, với các tinh hoa của dân tộc”, thầy Thành nói.
Trong vai Đức lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, thầy Lê Bá Khoa (giáo viên trong trường) cho biết cảm xúc “cực kỳ khó tả”. “Tôi còn háo hức, nói gì các em học sinh. Tạo ra những không gian mới cũng đồng nghĩa với việc đem lại những hứng thú học tập mới”, thầy Khoa chia sẻ.
Đỗ Yến
Bình luận (0)