- 1 Bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng tình hình mới
Trong năm 2025, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tổ chức 15 lớp bồi dưỡng ở 4 nhóm nội dung, với 6.165 cán bộ, giáo viên ngành giáo dục sẽ được bồi dưỡng.

Thông tin với phóng viên về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành GD-ĐT TP năm 2025, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, năm 2025 ngành giáo dục sẽ tổ chức 15 lớp bồi dưỡng ở 4 nhóm nội dung, với 6.165 cán bộ, giáo viên ngành giáo dục sẽ được bồi dưỡng.
Cụ thể, nhóm kiến thức pháp luật, lý luận chính trị, quản lý hành chính Nhà nước với 120 cán bộ, giáo viên được bồi dưỡng. Nội dung bồi dưỡng sẽ bao gồm học tập nghị quyết, lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước, quản lý giáo dục; Triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các văn bản quy phạm pháp luật của ngành giáo dục và đào tạo; Cử công chức tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính và chuyên viên do Sở Nội vụ tổ chức theo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của TP.HCM năm 2025.
Nhóm kiến thức kỹ năng lãnh đạo, quản lý, với 360 cán bộ quản lý, giáo viên sẽ được bồi dưỡng: Bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý điều hành cho công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng kỹ năng phân tích, mô tả và xác định vị trí việc làm; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên trong diện quy hoạch và là công chức, viên chức nữ.
Nhóm kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, với 1.685 cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng: Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo vị trí việc làm, kỹ năng nghiệp vụ, chuyên ngành; Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên từng bậc học.
Nhóm kiến thức ngoại ngữ, tin học, với 4.000 cán bộ quản lý, giáo viên sẽ được bồi dưỡng: Lớp bồi dưỡng tiếng Anh tương đương bậc 3 và bậc 4 theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam; Lớp bồi dưỡng tin học cho cán bộ quản lý, giáo viên của từng bậc học (Thông tư số 03/2014/TT- BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông); Lớp bồi dưỡng CNTT cho giáo viên tin học; Lớp bồi dưỡng tin học cho nhân viên chuyên trách công nghệ thông tin; Lớp bồi dưỡng chuyển đổi số (cơ bản, nâng cao) ngành giáo dục và đào tạo.
Đáp ứng yêu cầu của tình hình mới
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho hay, công tác bồi dưỡng nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng: quản lý Nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức; theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành; theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ nhằm xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành GD-ĐT TP chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước.
Đào tạo, bồi dưỡng tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ theo đặc thù ngành giáo dục và đào tạo; bồi dưỡng kiến thức, năng lực hội nhập quốc tế và các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ khác cho đội ngũ công chức, viên chức theo hướng tăng cường chọn lọc nội dung, đảm bảo tính thiết thực, phù hợp với từng nhóm công chức, viên chức và theo nhu cầu phát triển giáo dục thành phố, qua đó đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.

Từ đó, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu phòng GD-ĐT là cơ quan thường trực ban chỉ đạo bồi dưỡng giáo viên quận, huyện, chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên; tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng giáo dục tại địa phương sau khi được phê duyệt; xây dựng đội ngũ cốt cán tại địa phương để hỗ trợ và tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức theo kế hoạch và chỉ đạo của sở. Đảm bảo các điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất, tài liệu, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo bồi dưỡng theo quy định.
Đối với các trường THPT và các đơn vị trực thuộc sở, lãnh đạo Sở GD-ĐT yêu cầu xây dựng kế hoạch cụ thể, dự kiến danh sách cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tham gia từng lớp; tạo mọi điều kiện thuận lợi và huy động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tham gia học tập các chương trình, loại hình bồi dưỡng theo kế hoạch của sở. Theo dõi, đôn đốc và quản lý việc học tập bồi dưỡng; kịp thời khen thưởng hoặc xử lý đối với các trường hợp tham gia tốt hoặc chưa tốt các chương trình bồi dưỡng giáo dục. Riêng đối với giáo viên, ghi nhận kết quả bồi dưỡng để đưa vào hồ sơ chuyên môn cá nhân trong quá trình công tác giảng dạy tại đơn vị.
Đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí, thiết bị và thời gian để cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tham gia có chất lượng các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác đào tạo bồi dưỡng của đơn vị theo quy định.
“Việc đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào vị trí việc làm, tiêu chuẩn của ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức các cấp học và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của ngành, địa phương và của thành phố” – ông Hiếu nêu rõ.
Đỗ Yến Hoa
Bình luận (0)