Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bồi dưỡng giá trị văn hóa thanh niên thời công nghệ 4.0

Tạp Chí Giáo Dục

Thanh niên tình nguyn chiến dch Mùa hè xanh ti ĐBSCL

Trong thời kỳ đổi mới, CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, trong thời đại cách mạng 4.0, với tình hình trong nước và thế giới có nhiều nét tích cực, thuận lợi, nhưng cũng lắm thách thức, khó khăn về chính trị, kinh tế, văn hóa, thì bên cạnh một bộ phận thanh niên phấn đấu học tập giỏi, công tác và sản xuất tốt, giúp ích cho nước nhà, khẳng định được chân giá trị của mình, thì lại có rất nhiều, rất nhiều thanh niên lãng phí tuổi xanh, yếu kém tri thức văn hóa và đạo đức, sớm bỏ học, ham hưởng thụ, chơi bời, quậy phá, vi phạm pháp luật nghiêm trọng!

Theo nghiên cứu gần đây của Viện Tâm lý học (thuộc Bộ GD-ĐT), tại 5 trường ĐH tốp đầu ở Hà Nội, thì: 31,2% số SV không có khát vọng lập thân, lập nghiệp; 22,1% chỉ chạy theo lối sống vị kỷ. Một điều tra xã hội học mới đây cho thấy sự yếu kém về kiến thức lịch sử nước nhà của thanh niên ở mức rất nghiêm trọng: 39% số thanh niên không biết gì về các Vua Hùng; 50,4% không biết gì về Quốc sư Chu Văn An (đời Trần); 64% không biết Trương Công Định là ai; điểm thi môn lịch sử trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ khối C rất thấp. Qua một số hội nghị, hội thảo đánh giá về chất lượng sinh viên khối kinh tế – kỹ thuật sau khi ra trường, nhiều doanh nghiệp cho rằng: có tới hơn 90% số SV cần phải đào tạo lại, hoặc đào tạo bổ sung. Sự thực, SV tốt nghiệp các ngành, các khối khác cũng có chất lượng tương tự. Đặc biệt, số tội phạm là thanh – thiếu niên có tới 75% tổng số các loại tội phạm, số thanh niên phạm các trọng tội đang ngày một gia tăng. Những con số trên đây còn thấp so với thực tế! Nhiều chương trình vui chơi trên các đài truyền hình và các cuộc thi hoa hậu, thi người đẹp, cho thấy thanh niên ta rất yếu kém các tri thức văn hóa ở mức phổ thông! Hiện trạng trên đây là điều rất đáng lo ngại! Trong bối cảnh đó, một điều bức thiết là phải quan tâm việc bồi dưỡng các giá trị văn hóa cho thanh niên.

+ Phải giàu lòng yêu nước, yêu nhân dân: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” – là điều đầu tiên trong “5 điều Bác Hồ dạy” thiếu niên, nhi đồng, nhưng cũng là lời dạy quý báu đối với thanh niên. Yêu nước, yêu nhân dân – là bài học vỡ lòng nhưng nó theo đuổi suốt đời của tất cả mọi công dân, trong đó có một bộ phận lớn và quan trọng là thanh niên. Điều trước hết và cơ bản ở mỗi con người chân chính, là yêu nước và yêu nhân dân, có như vậy mới biết sống tốt, sống đẹp, có ích cho gia đình, cho đất nước và làm vẻ vang cho dân tộc.

+ Say mê, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học và trong các lĩnh vực công tác, sản xuất – sao cho đạt kết quả tốt, chất lượng cao: Đấy là điều cốt lõi nhất về giá trị văn hóa của thanh niên, là yêu cầu bức thiết của đất nước, là lòng tự trọng của tuổi trẻ. Có như vậy, thanh niên mới khẳng định được vị thế là lực lượng xung kích, cánh tay đắc lực và đội hậu bị tin cậy của Đảng. GS. Ngô Bảo Châu, nhà khoa học nổi tiếng của nước ta và thế giới, đầu tháng 3-2011, khi nói chuyện với SV Trường ĐHQG Hà Nội, đã nhiều lần khuyên HS-SV nước ta phải say mê học tập và nghiên cứu khoa học, khát khao vươn tới chiếm lĩnh đỉnh cao của khoa học nhân loại. Các bạn trẻ cần nhớ rằng: Trong lĩnh vực GD-ĐT, các loại bằng cấp, kể cả học vị và học hàm của nước ta hiện nay chưa được quốc tế công nhận; chỉ số tổng hợp về chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực của ta đang thua xa so với các nước Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới; đội ngũ các GS, PGS, cán bộ KHKT và CN (công nghệ) của ta đông nhưng không mạnh – chứng cớ là nước ta còn nghèo, kinh tế – xã hội của ta phát triển còn chậm và chưa bền vững ngay cả so với nhiều nước ASEAN.

+ Trung thực, có lòng tự trọng cao; biết phân biệt đúng – sai, hay – dở, tốt – xấu, thiện – ác; biết bảo vệ và làm theo lẽ phải: Trung thực, tự trọng trong học tập, công tác và đời sống hàng ngày; không dối mình, dối người. Trước cái xấu, cái ác, thanh niên phải có dũng khí phê phán. Trước cái tốt, cái đẹp, thanh niên phải biết bảo vệ và noi theo. Thanh niên phải là lớp người biết sáng tạo và thưởng thức văn hóa – nghệ thuật một cách lành mạnh và trong sáng.

+ Tiên phong tôn trọng pháp luật, giữ gìn trật tự – an toàn xã hội và thực hiện tốt văn hóa giao thông: Lối sống ăn chơi bừa bãi, nhố nhăng, đua đòi, quậy phá, nghiện hút ma túy, tham gia giao thông nhâng nháo, bạt mạng, nạn côn đồ hung hãn, cướp của giết người, hiếp dâm và các tệ nạn khác trong thanh niên ngày càng gia tăng. Điều đó cực kỳ nguy hại đối với xã hội, ảnh hưởng rất xấu đến giá trị của thanh niên và giá trị con người Việt Nam, gây bức xúc, lo ngại lớn cho nhân dân, ảnh hưởng xấu đến cả quốc thể!

+ Ứng xử có văn hóa trong các mối giao tiếp xã hội và với môi trường sinh thái: Ngày nay, đức tính khiêm nhường, lịch thiệp, đúng mực trong các quan hệ xã hội và giao tiếp quốc tế phải trở thành lối sống đặc trưng, nổi trội của thanh niên nước ta. Biết giữ gìn cảnh quan, môi trường xanh – sạch – đẹp cũng là một hành vi văn hóa đáng quý. Lạ lùng thay: Nhiều bạn trẻ tuy chưa có gì hơn người, nhưng lại ngộ nhận về mình theo kiểu “tô hồng”, sinh ra thói vô cảm với mọi người, đi đứng khệnh khạng, ăn mặc và nói năng lố bịch, hỗn hào. Đó là điều rất đáng chê trách, khiến cho họ khó tiến bộ, bị tập thể xa lánh, xã hội thiếu thiện cảm.

Các giá trị văn hóa trong thanh niên nêu trên – nói cô đúc lại – chính là lý tưởng sống cao đẹp và lối sống đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam. Những nội dung ấy không hề là những yêu cầu quá cao đối với thanh niên. Nói cách khác, đó là lẽ đương nhiên, là những điều tất yếu phải có của tuổi trẻ thời đại mới, phù hợp với bản chất văn hóa của thanh niên – “những con yêu của giống nòi”!

Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên nằm trong “chiến lược phát triển con người Việt Nam” do Bác Hồ và Đảng ta đề ra. Những năm qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư TƯ Đảng đã có nhiều nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên, nâng cao chất lượng công tác thanh niên, thể hiện sự cần thiết phải đẩy mạnh việc giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống đẹp cho thế hệ trẻ Việt Nam. Mong rằng điều này sẽ biến thành những hành động và kết quả cụ thể. Bên cạnh đó, vai trò của các trường học, Đội Thiếu niên, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, các tổ chức hội của HS-SV, các đoàn thể xã hội như Mặt trận TQVN, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phải tích cực đồng bộ đẩy mạnh các hoạt động thiết thực và bổ ích để bồi dưỡng các giá trị văn hóa cho thanh niên. Thực tế nhiều năm qua, vai trò của các đoàn thể nói trên còn mờ nhạt, các hoạt động thể hiện tính hình thức, tính thời vụ và tính phong trào, chỉ cốt lấy “thành tích xổi”, rất thiếu chiều sâu, nên ít tác dụng giáo dục thiết thực và bền vững đối với thanh niên.

Đào Ngc Đ

 

Bình luận (0)