Trước đòi hỏi bức thiết của đổi mới phương pháp giảng dạy trong trường phổ thông, vấn đề bồi dưỡng giáo viên đang được nhìn nhận như một nhu cầu không thể thiếu nhằm giúp giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy. Chuyên đề tháng này của báo GD&TĐ giới thiệu với bạn đọc một số góc nhìn về bồi dưỡng giáo viên và đổi mới phương pháp dạy học vì một mục tiêu là ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục trong mỗi trường học.
Kỳ 1: Cần nhìn thẳng vào “giá trị” và thực trạng
Có thể hiểu bồi dưỡng là một dạng đào tạo đặc biệt, là giai đoạn tất yếu tiếp theo của chương trình đào tạo liên tục, tiếp nối, thường xuyên trong suốt cuộc đời nghề nghiệp của GV. Đã có nhiều chương trình, hoạt động về tập huấn, bồi dưỡng cho GV. Trên thực tế bên cạnh những kết quả đạt được, bồi dưỡng GV vẫn còn tồn tại không ít bất cập, hạn chế.
Một dạng đào tạo đặc biệt
Theo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở GD (NGVCBQLCSGD, Bộ GD-ĐT), đội ngũ GV và cán bộ quản lý GD (CBQL) là lực lượng cốt cán biến mục tiêu GD thành hiện thực, đồng thời là nhân tố quyết định chất lượng và hiệu quả GD. Hiện nay, GD phổ thông có hơn 800.000 GV ở các cấp học. Chất lượng đội ngũ GV phổ thông, trừ một bộ phận khá, giỏi, còn lại số đông lúng túng trong việc vận dụng phương pháp dạy học mới. Một trong các nguyên nhân của tình trạng này là do hệ thống các trường sư phạm, lực lượng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng GV tuy có tiến bộ một số mặt, nhưng vẫn còn bất cập giữa các điều kiện về đội ngũ GV, CSVC với quy mô đào tạo, yêu cầu nâng cao chất lượng. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp dạy học của các trường sư phạm cho giáo sinh còn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học ở phổ thông. Cũng theo Cục NGVCBQLCSGD, đội ngũ GV hiện nay cần được trang bị hệ thống phương pháp dạy học mới, cần được bồi dưỡng cách làm việc mới của người GV để đổi mới phương pháp trở thành hiện thực sinh động trong các trường học.
Cục NGVCBQLCSGD cũng khẳng định: Bồi dưỡng GV có tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa quyết định việc nâng cao chất lượng đội ngũ GV nói riêng, chất lượng GD nói chung. Thực hiện bồi dưỡng là nhiệm vụ được tiến hành suốt quá trình công tác của GV. Bồi dưỡng nhằm bổ sung, cập nhật, đào tạo tiếp tục và đào tạo lại về chuyên môn, nghiệp vụ của người GV, giúp người GV không ngừng nâng cao năng lực và phẩm chất nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn sâu, rộng, có trình độ sư phạm lành nghề, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng GD phổ thông.
Kết quả khảo sát thực trạng đổi mới phương pháp giảng dạy ở trường phổ thông được PGS.TS Đỗ Tiến Đạt (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nêu trong Hội thảo bồi dưỡng GV đổi mới phương pháp giảng dạy đã chỉ ra rằng: Bồi dưỡng giúp GV cơ bản nắm được tinh thần, nội dung đổi mới phương pháp dạy học, nắm được phương pháp dạy học đặc trưng của từng bộ môn, giảm bớt cách dạy học mang tính truyền thụ kiến thức một chiều… Bồi dưỡng cũng giúp GV kĩ năng sử dụng đa dạng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, các phương tiện thiết bị dạy học, nhằm dẫn dắt, gợi mở HS chủ động tìm tòi, phát hiện kiến thức, hình thành kĩ năng. Góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhà trường; góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “dạy tốt- học tốt”; ổn định và nâng cao chất lượng GD; góp phần tạo ra những động lực lớn trong học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của GV.
Bồi dưỡng giáo viên còn nhiều bất cập
PGS.TS Đỗ Tiến Đạt cho rằng: Bồi dưỡng giáo viên hiện nay vẫn còn không ít hạn chế. Bồi dưỡng chưa trang bị được cho GV đầy đủ kiến thức, kĩ năng, kĩ thuật đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhiều lớp tập huấn (bồi dưỡng) mới chỉ tập trung giới thiệu nội dung của sách, chưa đi sâu vào phương pháp dạy học; chỉ nêu chung chung về định hướng đổi mới phương pháp dạy học mà chưa có hướng dẫn cụ thể về kĩ thuật dạy học. Một số báo cáo viên còn thiếu thực tiễn GD phổ thông, chuẩn bị nội dung bồi dưỡng chưa thật chu đáo. Bên cạnh đó, việc tập huấn hướng dẫn GV sử dụng thiết bị dạy học chưa được thực hiện một cách chu đáo (kết quả dự giờ GV THCS cho thấy có tới 20% GV còn lúng túng khi sử dụng thiết bị dạy học, chỉ có 27,5% số GV sử dụng thành thạo thiết bị dạy học). Còn việc bồi dưỡng thay sách được tiến hành theo kiểu cuốn chiếu làm cho người dạy không có ngay được cách nhìn hệ thống về mục tiêu, nội dung, phương pháp của cả một cấp học. Tổ chức bồi dưỡng thường làm chậm, GV không kịp nghiên cứu kĩ SGK, SGV và các tài liệu bồi dưỡng trước khi dự lớp bồi dưỡng. Việc quản lý, chỉ đạo bồi dưỡng GV về đổi mới phương pháp giảng dạy còn chưa đồng bộ. Hoạt động thanh tra chuyên môn còn máy móc, chưa tạo điều kiện cho hoạt động sư phạm sáng tạo của GV; tiêu chí đánh giá giờ tốt còn chung chung, chưa cập nhật theo định hướng đổi mới phương pháp dạy học.
Nêu những đánh giá về công tác bồi dưỡng GV (trong khuôn khổ dự án phát triển GD THPT), ông Trần Như Tỉnh (GĐ điều hành dự án) đã cho biết: Nhìn chung công tác tổ chức bồi dưỡng được GV đánh giá cao ở thời lượng tập huấn và GV chưa hài lòng nhất ở việc cung cấp thiết bị thí nghiệm. Trong khi đó nhóm tài liệu tập huấn được GV cốt cán đánh giá cao nhất, về chất lượng và nội dung băng hình được GV đánh giá thấp hơn (ngoài ra một số GV còn cho rằng, lớp học trong băng tham khảo chưa đại diện cho mặt bằng chung về trình độ của HS, do đó GV cũng khó học và tham khảo được nhiều trong băng hình. ở nội dung tập huấn, ý kiến của GV cốt cán cho thấy các giảng viên chú trọng vào những nội dung đổi mới sát với chương trình, SGK mới, với tài liệu hướng dẫn và tập trung vào những điểm khó, điểm mới trong SGK, vào phương pháp và kiểm tra đánh giá. Việc quan tâm đến đổi mới phương pháp có tính minh hoạ bằng các giáo án cụ thể và hướng dẫn sử dụng thiết bị dạy học còn chưa thoả đáng. Có tới 55,5% GV chưa hài lòng về tập huấn sử dụng thiết bị dạy học. Trong khi đó, về phương pháp tập huấn, nhận xét của GV cho thấy giảng viên đã sử dụng phương pháp cùng tham gia, nhưng thời gian GV chia sẻ còn ít; giảng viên đã sử dụng phối hợp các phương tiện dạy học, bên cạnh đó cũng còn có những giảng viên chủ yếu dùng phương pháp thuyết trình để trình bày nội dung bồi dưỡng.
Bà Nguyễn Lăng Bình (GĐ dự án Việt- Bỉ, Vụ GD Trung học, Bộ GD-ĐT) cho biết dự án này đã đầu tư cho 7 tỉnh từ năm 1999 đến 2003 và đầu tư cho 14 tỉnh từ năm 2005 đến 2009 với mục tiêu “nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng GV tiểu học, THCS các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam”, gồm các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ, Hoà Bình, Lai Châu. Qua khảo sát cho thấy: Dạy học thụ động là thói quen khó thay đổi ở phần lớn các GV, do đó hiện tượng “đọc- chép” và “dạy chay” vẫn còn phổ biến tại các trường tiểu học, THCS và đặc biệt là trong các trường CĐ sư phạm. Nhiều GV tích cực thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, nhưng nhận thưc chưa đầy đủ về bản chất của đổi mới phương pháp giảng dạy, đồng thời chưa nắm được kỹ năng, kỹ thuật trong tổ chức các hoạt động dạy- học. Vì vậy dẫn đến các hiện tượng dạy học mang tính hình thức, hiệu quả thấp.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên một phần là do công tác bồi dưỡng GV về đổi mới phương pháp giảng dạy còn nhiều bất cập. Cụ thể như thời gian tập huấn chưa tương thích giữa thời gian tập huấn ở TW và địa phương. Ví dụ, tập huấn trung ương thời gian trung bình từ 5-6 ngày cho một môn học, nhưng tập huấn ở địa phương chỉ từ 0,5 ngày đến 2 ngày một môn học (tuỳ điều kiện của từng tỉnh). Thời gian tập huấn ở địa phương chỉ đủ để thông báo, giới thiệu nội dung tập huấn. Theo Nguyễn Lăng Bình: “Nội dung tập huấn đơn điệu, lặp đi lặp lại, nhiều GV cho rằng “điều đã biết thì cứ nói mãi, điều muốn biết thì không giải thích được”. Phương pháp tập huấn còn nặng về thuyết giảng, chưa chú ý đến hứng thú và hình thành kỹ năng cho người học”.
“Giá trị” của công tác bồi dưỡng GV đã được “xác nhận” từ các nhà khoa học GD và cần thông suốt hơn từ cán bộ quản lý GD, nhất là từ chính mỗi GV. Cần thẳng thắn khi nhìn vào thực trạng của công tác bồi dưỡng GV để có được những thay đổi cần thiết nhằm giảm thiểu những bất cập trong dạng đào tạo đặc biệt này.
Lan Hoàng (gdtd.com.vn)
Bình luận (0)