Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bồi dưỡng năng lực giáo viên: Đòn bẩy nâng cao chất lượng giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trước hết là phải nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên (gọi tắt là bồi dưỡng GV). Đây là công việc thường xuyên và cấp thiết để nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Bồi dưỡng năng lực GV chính là đòn bẩy nâng cao chất lượng GD-ĐT (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh

Hơn nửa thế kỷ qua, ngành GD-ĐT đã tiến hành công tác bồi dưỡng GV. Nhưng, gần 20 năm trở lại đây, việc bồi dưỡng GV không đáp ứng được yêu cầu đổi mới, không nâng cao được chất lượng GD-ĐT; bởi còn nặng tính hình thức và bệnh thành tích, quá đề cao về số lượng, mà ít coi trọng về chất lượng và hiệu quả thiết thực.

1. Có hai cách thức bồi dưỡng GV, đó là bồi dưỡng trong nước và bồi dưỡng ở nước ngoài. Bồi dưỡng ở nước ngoài thường là dài hạn, 3-4 năm. Đã có thời kỳ chúng ta cho GV có trình độ sơ cấp (dạy cấp 1), trung cấp (dạy cấp 2),  ĐH (dạy cấp 3) đi học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ tại Liên Xô và các nước Đông Âu. Từ thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay, ta đã cử nhiều GV các cấp đi học tập, bồi dưỡng ngắn hạn hoặc dài hạn tại các nước Á-Âu-Mỹ. Vì thế, nhiều người từ trình độ thấp, đã có bằng ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ của nước ngoài. Trong số họ, trừ những người có bằng cấp “hữu nghị”, thì công bằng mà nói, một số người có chất lượng thật sự, có những đóng góp cho GD-ĐT nước nhà.

Còn bồi dưỡng trong nước có các hình thức dưới đây:

Một là tổ chức đăng ký các giờ dạy tốt, các cuộc hội giảng, thi GV dạy giỏi các cấp. Hình thức này có thể làm thường xuyên tại các trường, ở cấp quận/huyện/thị xã, cấp tỉnh/thành và cấp bộ/ngành. Các tiết dạy đều phải được rút kinh nghiệm công khai, nghiêm túc và đánh giá, xếp loại. Hội giảng thường đi liền với với báo cáo chuyên đề nâng cao chất lượng giảng dạy các bộ môn. Ngoài các GV được cử đi thi thố tài năng, có nhiều cán bộ quản lý giáo dục và các GV khác tham dự. Hình thức này, nếu được tổ chức tốt, đánh giá xếp loại nghiêm túc và công bằng sẽ có tác dụng rất tốt để nâng cao năng lực GV. Hai là bồi dưỡng tập trung. Thường là 2-3 năm, nâng cao trình độ và bằng cấp cho GV. Chẳng hạn, cho GV tiểu học (hệ đào tạo cũ) đi bồi dưỡng tập trung 2-3 năm, lên bậc CĐ sư phạm; GV THCS (có bằng CĐ sư phạm) đi học tập trung 1-2 năm lấy bằng ĐH; GV THCS (có bằng ĐH) và GV THPT đi bồi dưỡng tập trung 2 năm để có bằng thạc sĩ… Ba là bồi dưỡng tại chức. Đây là hình thức bồi dưỡng được dùng nhiều nhất; thường được tổ chức tại địa phương GV đang công tác; có thể ngắn hạn hoặc dài hạn. GV ngoài thời gian học, vẫn tham gia giảng dạy tại trường. Các trường, cụm trường, hoặc quận/huyện tổ chức lớp bồi dưỡng và mời chuyên gia về giảng dạy. Nội dung bồi dưỡng là các chuyên đề về kiến thức cập nhật của các bộ môn khoa học cơ bản chuyên ngành, khoa học nghiệp vụ, về cải tiến phương pháp giảng dạy… Việc bồi dưỡng GV thay sách giáo khoa cũng theo hình thức này. Bốn là tổ chức viết sáng kiến, kinh nghiệm (SKKN) giảng dạy. Tôi không hiểu tại sao, mới đây, Bộ GD-ĐT lại chủ trương xóa bỏ việc xét SKKN trong giáo viên – khi đánh giá năng lực và xét duyệt thi đua. Sự thực, nếu làm tốt việc viết và duyệt SKKN, thì đây là hình thức tốt bồi dưỡng chiều sâu năng lực của GV, bồi dưỡng khả năng tổng kết, đúc rút kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học; tức là bồi dưỡng năng lực tư duy lô-gic, đặc biệt là các thao tác tư duy: phân tích, so sánh, khái quát, tổng hợp, và các vấn đề có ý nghĩa phương pháp luận nghiên cứu khoa học cho GV. Viết SKKN có thể tiến hành theo nhóm, nhưng tốt nhất, là cá nhân thực hiện. Giữa chương trình giảng dạy với SKKN có mối quan hệ mật thiết, biện chứng. Nói cách khác, từ thực tế giảng dạy, GV tích lũy được kinh nghiệm, hoặc đề xuất được vấn đề khoa học cần nghiên cứu. Viết SKKN tốt sẽ nâng cao được chất lượng bài dạy, chất lượng giáo dục nói chung, và ngược lại…

2. Tại sao chất lượng và hiệu quả công tác bồi dưỡng GV lại yếu kém? Đây là một trong những nhân tố chính, dẫn đến sự xuống cấp của chất lượng GD-ĐT. Thiết nghĩ, có mấy nguyên nhân chủ yếu sau đây: Thứ nhất: Cán bộ quản lý giáo dục các cấp, các địa phương chỉ coi trọng tính phong trào, tính hình thức, chạy theo số lượng để lấy thành tích, mà không quan tâm đến chất lượng đích thực. Ví dụ: Những lớp ĐH sư phạm tại chức (và các ĐH khác) mở ra nhan nhản khắp các tỉnh/thành. Người dạy lên lớp thì…khoe khoang về bản thân nhiều hơn là cung cấp kiến thức khoa học; học viên thì đi muộn, về sớm, bỏ giờ, bỏ buổi. Đến kỳ thi thì cho quay cóp thoải mái, nên 100% đạt loại giỏi và khá. Thứ hai: Ta chưa có một chương trình bồi dưỡng GV mang tính hệ thống, khoa học và thiết thực với từng cấp học, từng chuyên ngành; chưa có những bộ giáo trình khoa học và hiện đại (xấp xỉ hoặc tương xứng với các nước tiên tiến), đồng thời có tính dân tộc phù hợp. Phương pháp giảng dạy chưa khoa học và đổi mới. Bên cạnh đó, thiết bị dạy học vừa thiếu thốn, vừa lạc hậu. Thứ ba: Bộ GD-ĐT chưa quan tâm đến việc nâng bậc lương cho GV khi họ đã hoàn thành các khóa bồi dưỡng nâng cao trình độ, cho nên GV còn ngại ngần, không hào hứng với công tác bồi dưỡng.

Tìm ra được những nguyên nhân yếu kém của công tác bồi dưỡng GV cũng chính là đưa ra các giải pháp cho công tác này. Đây là một vấn đề lớn và bức thiết của ngành GD-ĐT, cần tập trung trí tuệ và ngân sách để giải quyết. Bởi vì bồi dưỡng GV (song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo GV ở các trường sư phạm) để có các thầy cô giáo giỏi-thật-sự chính là đòn bẩy nâng cao chất lượng GD-ĐT, góp phần tích cực đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Đào Ngọc Đệ
(Giảng viên chính Trường ĐH Hải Phòng)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)