Bồi dưỡng năng lực tự học cho học sinh (HS) là một nhiệm vụ quan trọng, không thể thiếu được của giáo viên (GV). Không thực hiện tốt nhiệm vụ này, có thể nói người GV chưa hoàn thành được sứ mệnh cao cả của mình là biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo đối với HS.
Bồi dưỡng năng lực tự học cho HS là một nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu của GV. Trong ảnh: Các em HS đang học nhóm trong lớp. Ảnh: N.Trinh |
Bồi dưỡng động cơ tự học, tự bồi dưỡng
Đây là một loại hoạt động, một loại lao động đặc biệt đòi hỏi người học phải có hứng thú trong học tập, tự học. Có hứng thú học tập, tự học sẽ giúp HS khắc phục được những áp lực, sự mệt mỏi, đối phó trong quá trình học tập. Cũng có thể khi mới bắt tay vào tự học, người học chưa có hứng thú, hoặc ít hứng thú, nhưng chính trong quá trình tự học, với những khám phá mới, cách tiếp cận mới, người học từ chỗ ít hứng thú đến nhiều hứng thú, từ chỗ việc học chỉ là một loại hoạt động bình thường (là nghĩa vụ) dần dần trở thành một sự đam mê, tự giác, có sự thôi thúc từ bên trong như một nhu cầu tự thân của người học vậy.
Hiện nay, trong thực tiễn của giáo dục và dạy học ở các nhà trường phổ thông Việt Nam, HS chịu áp lực rất lớn của nhiều yếu tố. Đó là áp lực của bệnh thành tích, của việc thi cử, của sự học thêm dưới nhiều hình thức… khiến cho các em khó có thể phát triển được hứng thú trong học tập. Chỉ khi nào người học không chịu áp lực, được thoải mái, vui vẻ, có nhu cầu cao trong tìm tòi, khám phá thì khi đó hứng thú học tập mới phát triển tốt được. Trách nhiệm của GV chủ nhiệm, GV bộ môn và của gia đình là tạo cho HS có thật nhiều cơ hội được học tập, trải nghiệm một cách tự nhiên, thoải mái, không bị gò bó với nhiều hình thức, biện pháp học tập đa dạng phát huy tính tích cực nhận thức trong học tập của các em.
Nắm vững nội dung của bài học, môn học
Trên cơ sở giúp HS nắm vững nội dung kiến thức cơ bản của bài học, môn học, GV sẽ tạo cho các em có điều kiện, khả năng tự học một cách cụ thể. Với quan điểm của lý luận dạy học hiện đại, dạy học là khơi gợi, thắp sáng ở HS những tri thức, niềm tin, sự sáng tạo thì trong quá trình dạy học, GV phải loại bỏ kiểu dạy áp đặt, nhồi nhét kiến thức, thuyết giảng một chiều. HS nắm vững, hiểu rõ nội dung kiến thức cơ bản, cốt lõi của bài học, môn học là nền tảng để các em tiếp tục đi sâu, tìm hiểu, nghiên cứu, khám phá sự sâu sắc, sinh động của bài học; đặc biệt là sự vận dụng các kiến thức của bài học, môn học trong thực tiễn. Trong dạy học hiện đại, vai trò của GV là cực kỳ quan trọng, quyết định đến chất lượng dạy học nhưng như thế không có nghĩa là GV làm thay HS. Theo đó, GV chỉ là người thiết kế, tổ chức, điều khiển, hướng dẫn quá trình học tập của HS. Trong quá trình học tập của HS, đặc biệt là khi học ở nhà, việc GV hướng dẫn HS tự học, biết cách học là quan trọng nhất. Học thuộc lòng theo kiểu học vẹt, thiên về ghi nhớ không còn phù hợp. Học ở lớp cũng như học ở nhà, HS phải biết cách học để nắm và hiểu được nội dung cơ bản của bài học, môn học.
Hình thành một số kỹ năng tự học quan trọng
Kỹ năng tự học của HS được hiểu đó là những việc làm, hành động, thao tác cụ thể của các em trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Con đường tích lũy, thu thập cũng phải tuân theo những quy định phù hợp, tránh tùy tiện. Muốn được như vậy, người học phải được rèn luyện một số kỹ năng tự học quan trọng. Đó là kỹ năng định hướng, tìm kiếm thông tin, xác định tài liệu, tìm tài liệu, lựa chọn tài liệu, đọc tài liệu, ghi chép tài liệu, phân tích tài liệu, sử dụng tài liệu… Đứng trước các nguồn tư liệu, thông tin phong phú, đa dạng người học phải biết lựa chọn những tư liệu, thông tin phù hợp, cốt lõi nhất, gắn với yêu cầu học tập của mình, giúp cho việc học tập có kết quả hữu hiệu. Với thông tin trên mạng, người học cũng cần được trang bị tri thức nhất định (về đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước; về pháp luật, đạo đức, thẩm mỹ…) để không bị những thông tin xấu không đúng với bản chất của sự vật, hiện tượng làm rối nhiễu, sai lạc cách tiếp nhận của mình. Điều này là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, trong số các kỹ năng HS cần được rèn luyện, kỹ năng sử dụng CNTT là một kỹ năng quan trọng. Đồng thời, xuyên suốt các yêu cầu đối với hoạt động tự học nhằm đạt được một năng lực nhất định, người học cần có các phẩm chất, đức tính như cần cù, chăm chỉ, không ngại khó khăn, có ý thức vượt khó khăn, có nhu cầu tìm hiểu, khám phá cái mới của tri thức…
Đổi mới phương pháp dạy học
GV phải thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực nhận thức, sự chủ động, sáng tạo của HS trong quá trình học tập. Một số phương pháp, biện pháp dạy học tích cực như: dạy học nêu và giải quyết vấn đề, thảo luận nhóm, hoạt động nhóm, dạy học dự án, phương pháp vấn đáp, phương pháp đóng vai… được GV sử dụng nhiều. Điểm cốt lõi của các phương pháp dạy học nêu trên – phương pháp dạy học tích cực – chính là hướng tới việc hoạt động hóa, tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học, nghĩa là tập trung vào phát huy tính tích cực của người học chứ không phải là tập trung vào người dạy. Tuy nhiên, để dạy học theo phương pháp tích cực thì GV phải nỗ lực nhiều so với dạy theo phương pháp truyền thống giảng giải thụ động. Với vai trò người tổ chức, thiết kế, hướng dẫn HS trong hoạt động học tập, lao động sư phạm của người GV là lao động đặc thù mang tính sáng tạo cao, quyết định chất lượng giáo dục, hình thành và phát triển nhân cách cao đẹp của HS. GV phải thường xuyên tìm hiểu, nghiên cứu, sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại kết hợp với phương pháp dạy học truyền thống một cách có nghệ thuật, phù hợp, đắc địa. Sức hấp dẫn của tri thức, vẻ đẹp của tri thức được khơi gợi lên, tạo hứng thú học tập cho HS chính là nhờ ở nghệ thuật dạy học, ở phương pháp dạy học của GV. Giờ dạy học trên lớp phải là giờ mà hoạt động học của HS được GV thiết kế, tổ chức, kiểm tra, đánh giá một cách khoa học, phù hợp tạo cho các em có hứng thú học tập, có nhu cầu khám phá, phản biện và biết giải quyết vấn đề.
PGS.TS Nguyễn Gia Cầu
(Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục)
Bình luận (0)