Bối mẫu là loại cây sống lâu năm, tên khoa học là Fritillaria roylel Hook thuộc họ Liliaceae. Gồm hai loại là xuyên bối mẫu thấy ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc nên có tên gọi là xuyên bối mẫu (Fritillaria roylei Hook), là cây mọc lâu năm, cao 40 – 60cm, gồm 3 – 6 lá mọc vòng, đầu lá cuộn lại, hoa hình chuông, chúc xuống đất, dài chừng 3,5 – 5cm, ngoài hoa có màu vàng lục nhạt.
Triết bối mẫu.
|
Còn loại nữa là triết bối mẫu thấy ở Triết Giang, Trung Quốc nên gọi là triết bối mẫu (Fritillaria verticillata Willd var Thunbegri Bake), song loại thuốc này lại sản xuất ở Tượng Sơn (Triết Giang) nên tên thuốc còn có tên gọi là tượng bối mẫu, cây này khác xuyên bối mẫu là lá hẹp hơn, có 3 – 4 lá mọc vòng, dài 2 – 3cm. Hiện nay đã chiết tượng bối mẫu trồng ở nhiều nơi như Hàng Châu, Giang Tô, An Huy, Hồ Nam, cho đến nay cả hai loại kể trên chưa phát hiện thấy có ở nước ta nên dược liệu vẫn phải nhập về từ Trung Quốc.
Theo Đông y xuyên bối mẫu có vị đắng, ngọt, tính hơi hàn, quy vào các kinh phế, tâm. Còn thuốc triết bối mẫu có vị đắng, tính hàn, cũng quy vào các kinh phế, tâm. Theo các tài liệu cổ như sách Bản kinh nói vị cay, tính bình. Sách Danh y biệt lục nói vị đắng, tính hơi hàn, không độc. Sách Tân tu bản thảo nói vị ngọt đắng không cay. Sách Lôi công bào chế dược tính giải nói nhập hai kinh tâm, phế. Sách Bản thảo kinh giải nói nhập thủ thái âm phế kinh, thủ dương minh đại trường kinh.
Thành phần hóa học: Xuyên bối mẫu chứa tritimin, chinpeimin, còn triết bối mẫu có peimin, peimimin, propeimin, peimidin, peimiphin, peimisin, peimitidin. Sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam nói xuyên bối mẫu chứa nhiều alkaloid như peiminin, peimin, peimisin, peimidin, peimitidin, tritimin. Trong triết bối mẫu có những alkaloid là peimin, peiminin, peimisin, peimiphin, peimidin, peimitidin, propeimin.
Về tác dụng dược lý: Theo Đông y, bối mẫu có tác dụng hóa đàm, chỉ khái, thanh nhiệt tán kết, chủ trị các chứng như phế hư cửu khái, ngoại cảm phong nhiệt hoặc đàm hỏa uất kết, loa lịch sang ung (lao hạch nhọt lở). Các tài liệu cổ cũng nói như trong sách Bản kinh "Chủ thương hàn phiền nhiệt, lâm lịch tà khí, sán hạ (sa ruột), hầu tý nhũ nang, kim sang phong kinh". Sách Danh y biệt lục thì "Liệu phúc trung kết thực, tâm hạ mãn, hoa mắt cứng gáy, ho khó thở. Trị chứng phiền nhiệt khát ra mồ hôi". Đối với sách Dược tính bản thảo: "Chủ hung hiếp nghịch khí, liệu thời tật hoàng đản, phối hợp với liên kiều trị chứng anh lựu cổ gáy". Sách Cảnh nhạc toàn thư, bản thảo chính viết: "Bán hạ, bối mẫu đều trị ho, nhưng bán hạ kiêm trị tỳ phế, bối mẫu chuyên thanh kim (phế), bán hạ dùng vị cay, bối mẫu dùng vị đắng, bán hạ dùng khí ôn, bối mẫu dùng khí lương, bán hạ tính tốc, bối mẫu tính hoãn, bán hạ tán hàn, bối mẫu thanh nhiệt, tính vị âm dương rất khác nhau.
Để tham khảo và áp dụng, dưới đây xin giới thiệu những phương trị bệnh từ bối mẫu.
Trị nữ có thai do ho đờm: Bối mẫu bỏ lõi sao vàng tán nhỏ, luyện với đường phèn viên bằng hạt ngô. Ngày ngậm 5 – 10 viên.
Trị viêm tuyến vú mới sưng tấy: Bối mẫu 10g, thiên hoa phấn 10g, bồ công anh 15g, liên kiều 10g, đương quy 10g, lộc giác 10g, thanh bì 6g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Dùng ngoài giã bồ công anh đắp nơi sưng tấy.
Trị lao hạch (chứng loa lịch): Dùng phương Tiêu loa hoàn gồm huyền sâm 12g, bối mẫu 10g, mẫu lệ 15g, tán bột mịn trộn đều, luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 10g, chiêu với nước sôi nguội, ngày uống 2 lần.
Viêm phế quản kéo dài (thể âm hư, phế táo): Chọn một trong các phương sau:
– Dùng phương Nhị mẫu tán gồm: tri mẫu 10g, xuyên bối 8g (tán bột hòa uống) hoặc gia 3 lát gừng sắc uống.
– Bối mẫu tán gồm bối mẫu 10g, hạnh nhân 6g, mạch môn đông 10g, tử uyển 10g, trần bì 6g, cam thảo sống 4g. Sắc lấy nước uống.
– Dùng phương gồm bối mẫu 8g, cát cánh 3g, cam thảo 2g, đổ 3 bát nước sắc còn 1 bát chia 3 lần uống trong ngày.
BS. Hoàng Xuân Đại (SK&ĐS)
Bình luận (0)