Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Bối rối với cách trường ĐH thông tin học phí

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện các trường ĐH đều đã nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm, nhưng rất ít trường thông tin cụ thể về mức học phí năm học 2023 – 2024. Nếu có, thì nội dung cũng chung chung và không thống nhất khiến thí sinh rối.

Thí sinh (TS) muốn tìm hiểu thông tin học phí (HP) trên trang web của các trường ĐH cũng không dễ, do có trường công khai, trường không. Tại các trường có công khai HP, thì lại nêu nội dung còn khá chung chung, và mỗi trường một kiểu khiến TS rối.

Chẳng hạn tại Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, thông tin về HP không nêu rõ áp dụng cho năm học nào. Nội dung này ghi: "Một năm chia thành 4 học kỳ. HP bình quân: 18 – 20 triệu đồng/học kỳ. HP công bố đã bao gồm 7 cấp độ tiếng Anh đạt chuẩn IELTS 5.5. HP ổn định trong suốt năm học, năm tiếp theo nếu có thay đổi sẽ không vượt quá 6% theo quy định. Sinh viên có chứng chỉ IELTS đầu vào từ 5.0 được miễn 3 cấp độ tiếng Anh khoảng 25 triệu đồng; sinh viên có chứng chỉ IELTS đầu vào từ 5.5 được miễn 4 cấp độ tiếng Anh khoảng 33 triệu đồng".

Các trường ĐH hiện nay đều đào tạo theo tín chỉ nên việc thu HP dựa trên số lượng tín chỉ mà sinh viên đăng ký học ở mỗi học kỳ, và mỗi ngành học lại có số lượng môn học/tín chỉ là khác nhau. Như vậy, thông tin về HP như trên khiến TS chưa hình dung được cụ thể toàn khóa học bao nhiêu học kỳ, mỗi học kỳ phải học bao nhiêu môn và bao nhiêu tín chỉ, mỗi tín chỉ đóng bao nhiêu tiền…

Bối rối với cách trường ĐH thông tin học phí  - Ảnh 1.

Học phí là một trong những mối quan tâm để thí sinh quyết định lựa chọn trường học nên cần công khai rõ ràng để người học nắm rõ thông tin. ĐÀO NGỌC THẠCH

Tại Trường ĐH Hồng Bàng, mức HP dự kiến năm 2023 được nêu trung bình số tiền phải đóng một năm cho từng ngành học. Ngành cao nhất là răng hàm mặt 180 triệu đồng/3 học kỳ/năm và các ngành thấp nhất là 55 triệu đồng/3 học kỳ/năm. Câu hỏi mà TS đặt ra là tại sao HP có sự chênh lệch quá lớn giữa các ngành? Vì thế nên có thông tin lý giải cụ thể về HP các ngành như bao nhiêu tín chỉ, thời lượng thực hành, đầu tư cơ sở vật chất thiết bị thực hành như thế nào… thì TS sẽ nắm rõ hơn.

Tương tự, trên mục HP của Trường ĐH Văn Lang, nội dung cũng chỉ ghi "dao động từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng/học kỳ. Đối với ngành răng hàm mặt, mức HP dự kiến từ 85 triệu đến 98 triệu đồng/học kỳ", không rõ năm học nào.

Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM công bố thông tin HP dự kiến cùng lộ trình tăng tối đa từng năm cho khóa 49 năm nay. Theo đó, năm học 2023 – 2023 HP cơ sở TP.HCM là 940.000 đồng/tín chỉ, nếu học tại Phân hiệu Vĩnh Long HP ở mức 658.000 đồng/tín chỉ. Với thông tin này, TS cũng khó hình dung mỗi học kỳ phải học bao nhiêu môn, bao nhiêu tín chỉ và HP mỗi học kỳ, mỗi năm bao nhiêu…

Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đã nhận hồ sơ xét tuyển nhưng hiện cũng chưa có mức HP dự kiến cho năm học 2023 – 2024, hiện trên trang web chỉ có thông tin HP năm học 2022 – 2023.

Một số trường chưa công bố đề án tuyển sinh cũng như HP dự kiến cho khóa tuyển sinh mới như: Trường ĐH Y dược TP.HCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM… Có những trường hiện mới chỉ công bố đề án tuyển sinh dự kiến và chưa có thông tin HP, ví dụ Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM…

Bối rối với cách trường ĐH thông tin học phí - Ảnh 2.

Bộ GD-ĐT quy định cơ sở giáo dục ĐH phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu HP, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác. ĐÀO NGỌC THẠCH

Công bố sớm và rộng rãi là cần thiết

Trưởng phòng Đào tạo một Trường ĐH ở Lâm Đồng cho biết khi sinh viên nhập học sẽ được cấp một tài khoản trang thông tin cá nhân, trong đó có thông tin về chương trình đào tạo toàn khóa và HP, số lượng tín chỉ… Tuy nhiên, điều mà TS cần là các trường công khai ngay trong thời điểm tuyển sinh, chứ không phải sau khi đã nhập học.

PGS-TS-BS Phạm Anh Vũ Thụy, Trưởng phòng Đào tạo sau ĐH, phụ trách Phòng Đào tạo ĐH của Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết từ đầu tháng 3, Khoa đã công khai mức HP dự kiến của năm học 2023 – 2024. "Việc công bố sớm và rộng rãi thông tin HP là cần thiết nhằm giúp phụ huynh, học sinh cân nhắc về tài chính trước khi quyết định việc chọn trường", PGS Thụy chia sẻ.

Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin – truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết trường đã công bố chính thức HP trong đề án tuyển sinh năm 2023 trên website của trường. Thạc sĩ Trần Vũ cho biết HP có tăng so với năm 2022 nhưng không phải mức tối đa theo quy định mức trần HP với Nghị định 81. Với khóa 2022 HP các ngành dao động 22 – 27 triệu đồng/năm thì năm 2023 tăng khoảng 10 – 12%, tăng ít nhất là các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cũng cho biết Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã công khai HP trên trang thông tin tuyển sinh của trường trước khi có đề án tuyển sinh. HP của trường được công khai gồm cả HP theo năm học và theo tín chỉ để người học tiện theo dõi.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính – Marketing, cho biết trường đã công bố trên website quyết định HP khóa tuyển sinh năm tới thể hiện rõ từng loại hình đào tạo và theo năm học. Cụ thể, chương trình chuẩn thu 25 triệu đồng/năm, chương trình đặc thù 30 triệu đồng/năm, chương trình tài năng và tích hợp 40 triệu đồng/năm, chương trình tiếng Anh toàn phần 60 triệu đồng/năm.

Thông tin về HP của Trường ĐH RMIT VN cũng được công khai chi tiết cho từng ngành học. Theo đó, mỗi ngành có cụ thể số lượng môn học, số tín chỉ trong một năm, toàn chương trình, đơn giá mỗi tín chỉ là bao nhiêu và tương ứng với đó là số tiền HP của một năm, học phí của toàn khóa.

Cần công khai học phí đầy đủ, chi tiết

Theo tiến sĩ Trần Anh Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, do các trường đào tạo theo tín chỉ nên mức HP được tính trên số lượng tín chỉ mà sinh viên học mỗi học kỳ hoặc mỗi năm. Tuy nhiên, tổng HP toàn khóa là không đổi. Trung bình mỗi môn học là 3 – 4 tín chỉ, sinh viên có thể lựa chọn học nhiều hay học ít tùy vào năng lực của bản thân. Mức HP đóng theo mỗi kỳ lúc đó có thể là khác nhau.

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho rằng việc thể hiện mức HP không rõ ràng sẽ gây khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin của TS, thậm chí gây nhầm lẫn làm ảnh hưởng tới quá trình học tập sau này. Chính vì thế, để tránh gây mơ hồ và sai lệch, thạc sĩ Tư đề xuất: "Việc công khai HP, nên thống nhất với các thông tin cụ thể, chi tiết như sau: Mỗi ngành học cần công khai thời gian học toàn khóa, số học kỳ là bao nhiêu, mỗi học kỳ trung bình học bao nhiêu tín chỉ, đơn giá mỗi tín chỉ, từ đó tính cụ thể HP mỗi học kỳ, mỗi năm và toàn khóa. HP bao gồm và không bao gồm những phí nào. Nếu có ngành HP cao, có ngành HP thấp thì có những thông tin giải thích".

Quy định yêu cầu trường phải công khai học phí

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH quy định cơ sở giáo dục ĐH phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu HP, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục ĐH.

Thông tư của Bộ GD-ĐT về quy chế thực hiện công khai đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, cũng yêu cầu các trường phải thông tin đầy đủ về chi phí đào tạo, mức thu HP, mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục.

Theo Mỹ Quyên – Hà Ánh/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)