Nhiều hồ chứa thủy lợi tại nước ta hiện không an toàn và không khác gì những quả “bom tấn” đang treo lở lửng trên đầu người dân vùng hạ lưu. Trong khi đó, thực trạng quản lý hồ chứa hiện nay có nhiều điều bất cập, lúng túng.
Nhiều hồ chứa nước thủy lợi đang trong tình trạng báo động.
1.150 hồ chứa mất an toàn
Theo báo cáo tại hội nghị “Tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn hồ chứa” do Bộ NN-PTNT vừa tổ chức tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), hiện cả nước có 6.648 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trữ khoảng 11 tỷ m3, trong đó có 560 hồ chứa lớn dung tích trên 3 triệu m3 và 1.752 hồ có dung tích từ 0,2 – 0,3 triệu m3. Các hồ chứa này đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ được xây dựng từ 30 – 40 năm trước, nên số liệu tính toán, kinh nghiệm thiết kế, kỹ thuật thi công hạn chế nên đã không còn phù hợp với điều kiện mưa lũ cực đoan, nguy cơ dẫn đến mất an toàn hồ chứa rất cao. Theo thống kê của các địa phương, hiện có tới 1.150 hồ chứa đang xuống cấp và thiếu khả năng xả lũ, cần sớm được nâng cấp.
Vấn đề nghiêm trọng hơn là có rất nhiều hồ đập hiện nay không thể đánh giá được các thông số kỹ thuật an toàn, khiến địa phương lúng túng. Ông Đặng Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cho biết, toàn tỉnh có 151 hồ chứa; hầu hết các hồ chứa được xây dựng năm 1989, được đầu tư với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, công nghệ thi công lạc hậu, chất lượng còn hạn chế, nhất là các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý. Vì vậy, hiện nay hầu hết các công trình đã xuống cấp hư hỏng. Trong khi đó, Quảng Bình là tỉnh nghèo, ngân sách địa phương hạn hẹp nên không “tự quyết” việc nâng cao an toàn hồ đập.
Tương tự, ông Phan Công Ngôn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng, cho hay, trong số 426 công trình thủy lợi (trong đó 217 hồ chứa nước), đến nay chỉ có 100/217 hồ đập đăng ký an toàn đập. Còn ông Đoàn Đức Thiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hòa Bình, cho biết, ngoài đập thủy điện Hòa Bình, không có hồ đập thủy lợi nào trên địa bàn tỉnh được lắp đặt các thiết bị theo dõi quan trắc thấm qua thân đập, chuyển vị của đập. Các hồ chứa tại Hòa Bình được xây dựng từ rất lâu, có hồ cách đây đã 55 năm. Vậy nên, hiện phần lớn thông số kỹ thuật của các công trình không đầy đủ; việc đánh giá hiện trạng chỉ dựa vào quan sát trực quan. Đó là điều đáng lo nhưng vượt tầm của địa phương!
Cần “nội soi, đại phẫu” đồng loạt
Hàng loạt ý kiến về an toàn hồ chứa đã nêu ra và cho thấy công tác quản lý, đầu tư, bảo đảm an toàn hồ chứa vẫn còn quá nhiều bất cập. Theo ông Trần Kim Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế, xét về số lượng thì Huế không phải là tỉnh có nhiều hồ chứa, tuy nhiên địa phương này lo lắng nhất bởi có khá nhiều hồ chứa dung tích rất lớn, từ 10 – 100 triệu m3. Các hồ chứa tại Huế đa số xây từ năm 1980 nên đã xuống cấp. “4 trận động đất trong một năm là bất thường. Bởi vậy sau sự cố động đất, Chủ tịch tỉnh đã chỉ đạo rà soát lại tất cả các hồ chứa trên địa bàn. Nhưng thật ngạc nhiên khi tất cả các hồ chứa tại tỉnh Thừa Thiên – Huế đều vừa khít mức chịu đựng dư chấn động đất 4,7 độ richter. Nếu động đất mạnh hơn, quả thật là nguy hiểm”, ông Thành lo lắng và kiến nghị thêm: “Bấy lâu nay việc kiểm tra các hồ chứa chỉ dựa vào cảm tính, mắt thường, đó là điều nguy hại. Các hồ chứa phải được “nội soi” một cách kỹ lưỡng mới ra vấn đề”.
Thực tế, hàng năm Chính phủ phải rót hàng ngàn tỷ đồng để sửa chữa, nâng các hồ chứa trên cả nước, nhưng việc đầu tư chưa hợp lý. Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An cho biết, địa phương này có số lượng hồ cũng như dung tích chứa các hồ thuộc loại lớn nhưng thực tế đầu tư vốn cho tỉnh nâng cấp các hồ chứa rất ít, lại đầu tư dàn trải, không ưu tiên tập trung các công trình trọng điểm, xung yếu. Có những công trình giải pháp trình tự thi công sai, như việc thi công nâng tràn trước, đắp áp trúc thân đập sau.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Hoàng Văn Thắng, thời gian qua chúng ta đã đầu tư một số tiền không nhỏ để sửa chữa hồ chứa, tuy nhiên việc sửa chữa tốn kém hơn làm mới nhưng hiệu quả chưa cao, đó là thực tế. Bên cạnh đó, việc hạn chế áp dụng khoa học vào đầu tư nâng cấp, quản lý, vận hành hồ chứa cũng là nguyên nhân khiến các hồ chứa không an toàn. Ngoài ra, công tác quản lý hồ chứa tại các địa phương hiện nay còn nhiều bất cập nên hiệu quả đầu tư công trình không cao. “Có lần thị sát tại Đắk Lắk, tôi giật mình khi thấy có cây gỗ đường kính 20cm mọc ngay giữa thân đập của một hồ chứa thủy lợi, điều đó thật tai hại, thể hiện công tác quản lý lỏng lẻo, hành chính. Vậy nên tại tỉnh Đắk Lắk mới có cả chuyện hồ chứa công bị bán cho tư nhân. Sắp tới, khi đã có vốn, việc đầu tư hồ chứa phải tính lại kỹ càng hơn trong việc thẩm định đầu tư”, ông Thắng nói.
Thực hiện Chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa của Chính phủ, hiện nay, Bộ NN-PTNT đang thực hiện dự án WB8 “Sửa chữa và nâng cao an toàn” các hồ chứa, với tổng kinh phí 460 triệu USD. Dự án WB8 được xem như cuộc “giải phẫu” lớn cho vấn đề an toàn hồ chứa hiện nay. Tuy nhiên, trong việc xét duyệt hồ sơ hỗ trợ đầu tư sắp tới, vấn đề đặt ra là cơ sở nào để xét duyệt khi các thông số kỹ thuật của rất nhiều hồ chứa này không rõ ràng. |
VĂN NGỌC
(SGGP)
Bình luận (0)