Liên tiếp có những bom tấn thành công đạt doanh thu khủng, nhưng ngành điện ảnh vẫn còn đó nhiều vấn đề cần phải khắc phục.
Điện ảnh đầy thăng trầm
Năm 2023 là một năm đầy thăng trầm đối với các rạp chiếu phim. Mặc dù tổng doanh thu phòng vé ở Mỹ năm 2023 đã tăng 20% so với năm 2022, vượt 9 tỉ USD nhưng con số đó vẫn còn kém 2 tỉ USD so với thời điểm trước đại dịch.
Tất nhiên, những thành công của Oppenheimer, Barbie, The Super Mario Bros. Movie, Spider-Man: Across the Spider-Verse, Wonka… đã đóng góp đáng kể vào doanh thu phòng vé. Ngoài những dự án bom tấn, cũng có những tác phẩm gây bất ngờ dù không được kỳ vọng như Five Nights at Freddy's và Cocaine Bear.
Sự thành công của Oppenheimer mang về doanh thu "khủng" cho các rạp chiếu phim
Và không thể không kể đến những đổi mới thành công, bao gồm cả sự hợp tác mang tính đột phá của Taylor Swift và Beyoncé với AMC Theaters, để phát hành các bộ phim ca nhạc của họ. Tác phẩm Taylor Swift: The Eras Tour đã kiếm được hơn 260 triệu USD trên toàn thế giới, trở thành bộ phim ca nhạc có doanh thu cao nhất mọi thời đại.
Hãng phim Toho cũng đánh dấu bước ngoặt khi tự phân phối bộ phim đầu tiên của mình. Và tác phẩm Godzilla Minus One của họ cũng thu về hơn 114 triệu USD trên toàn thế giới, ngay cả khi phát hành hạn chế ở Mỹ.
Tuy nhiên, đi kèm thành công cũng có không ít thất bại như các dòng phim siêu anh hùng không còn duy trì được phong độ như Ant-Man 3, The Marvels... bị chê tơi tả. Giải trí trực tuyến tiếp tục là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm, kể từ lúc đại dịch xảy ra cho đến nay.
Hiện, các chủ rạp chiếu và hãng phim cũng phải vật lộn với nguồn phim đã thay đổi và có phần cạn kiệt, hệ lụy do cuộc đình công kép kéo dài hơn trăm ngày của diễn viên, biên kịch Hollywood gây ra.
Bom tấn thôi là chưa đủ
Các chủ rạp chiếu phim vẫn đang cảm nhận được những tín hiệu tích cực từ các bom tấn. Điển hình Barbie và Oppenheimer đã đưa khán giả đổ xô đến các rạp chiếu phim trên khắp thế giới, thu về gần 2,5 tỉ USD tiền bán vé tổng hợp. Tuy nhiên, tập trung tại Las Vegas tuần này để tham dự hội nghị và triển lãm thương mại CinemaCon hàng năm, họ cũng nhận thức sâu sắc rằng họ cần nhiều hơn 2 bộ phim để tồn tại.
Một du khách đi ngang các tấm bảng quảng cáo những bộ phim sắp ra mắt, vào ngày khai mạc CinemaCon 2024 tại Caesars Palace, Mỹ
Michael O'Leary – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội các chủ rạp chiếu quốc gia Mỹ – cho biết: “Chỉ dựa vào các bộ phim bom tấn là chưa đủ. Để có một ngành công nghiệp giải trí điện ảnh thực sự thành công, việc đa dạng hóa các bộ phim hấp dẫn khán giả là điều vô cùng quan trọng”.
Với O'Leary, một thị trường mạnh mẽ và sôi động, còn cần phải có chỗ dành cho phim có kinh phí vừa hoặc nhỏ.
Tại CinemaCon, các hãng phim, nhà triển lãm và công ty công nghệ của Hollywood cũng cùng nhau xem trước những tác phẩm và không gian rạp chiếu, để có đánh giá tổng quan từ những bộ phim mà họ hy vọng sẽ đưa khán giả đến rạp, cho đến những món ăn nhẹ, chỗ ngồi và các công nghệ trình chiếu mới nhất.
O'Leary tiếp tục kêu gọi các tập đoàn trong ngành tài chính đầu tư thêm vốn vào hệ thống các rạp chiếu, ông gọi đây là “khoản đầu tư thông minh” mang lại lợi ích cho “các nhà sáng tạo, hãng phim, cộng đồng địa phương và quan trọng nhất là người hâm mộ điện ảnh”.
Các hãng phim bao gồm Warner Bros., Universal Pictures, Paramount, Disney và Lionsgate cũng nhân dịp này trình chiếu các đoạn giới thiệu hoặc cảnh quay mới từ những bom tấn sắp ra mắt của họ như Furiosa, Deadpool & Wolverine.
Ngoài ra, ông Charles Rivkin – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội Điện ảnh (MPA) – cũng nói về tầm quan trọng của việc sản xuất phim ở Mỹ, mà theo ông là đã tạo ra 2,74 triệu việc làm cho người Mỹ.
Ông cũng đưa ra lời kêu gọi nhiệt thành chống lại nạn vi phạm bản quyền, và hy vọng sẽ làm việc với các nhà lãnh đạo Quốc hội để đưa ra luật chặn các trang web vi phạm.
Theo Hương Chung/PNO
Bình luận (0)