Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Bốn điều kiện giúp Nam Mỹ lên ngôi

Tạp Chí Giáo Dục

Tám đội bóng đã chia tay giấc mơ World Cup sau vòng 1/16, tám đội còn lại bước vào vòng tứ kết diễn ra vào ngày 2 và 3-7 để tìm nhà vô địch World Cup 2010. Vậy đội nào sẽ đi tiếp và chạm tay vào cúp vô địch? Có 4 yếu tố để tin rằng: nhà vô địch sẽ là đội bóng đến từ Nam Mỹ.
1. Qui luật luân phiên. Sau khi Brazil bảo vệ thành công ngôi vô địch lần thứ 2 vào năm 1962, kể từ đó đến nay chưa có đội bóng nào làm được điều tương tự và cũng từ đó đến nay các đội bóng châu Âu và Nam Mỹ luân phiên nhau lên ngôi vô địch: Năm 1962 – Brazil; năm 1966 – Anh; năm 1970 – Brazil; năm 1974 – Đức; năm 1978 – Argentina; năm 1982 – Italia; năm 1986 – Argentina; năm 1990 – Đức: năm 1994 – Brazil; năm 1998 – Pháp; năm 2002 – Brazil; năm 2006 – Italia. Nếu theo qui luật thì năm 2010 phải là một đội bóng Nam Mỹ.
2. Các đội bóng châu Âu suy yếu và tự loại lẫn nhau. Chỉ có 6 đội bóng của châu Âu lọt vào vòng 2 thì phải tự loại lẫn nhau ngay từ vòng 1/16 ( Đức – Anh; Tây Ban Nha – Bồ Đào Nha; Hà Lan – Slovakia) nên còn 3 đại diện ở vòng tứ kết. Trong khi đó 5 đội Nam Mỹ chỉ có một cặp phải loại nhau (Brazil – Chi Lê) nên Nam Mỹ đang chiếm ưu thế hơn.
3. Phong độ ổn định và lối chơi tương đối thuyết phục của các đội bóng Nam Mỹ. Argentina và Brazil đã thể hiện được một phong độ ổn định, nhất là những cầu thủ ngôi sao đều đã để lại ấn tượng như: Messi, Tevez, Higuain, Kaka, Robinho, Fabiano, Maicon… một lối chơi thuyết phục, luôn tiềm ẩn sự bùng nổ; còn các cầu thủ luôn thể hiện được sự khát khao và tinh thần thi đấu nhiệt tình lăn xả, có những cầu thủ đẳng cấp cao có thể thay đổi cục diện trận đấu trong những thời khắc bất ngờ. Carlos Dunga và Maradona là những HLV cá tính, đã thể hiện được tài cầm quân của mình. Họ biết thổi bùng ngọn lửa đam mê và tinh thần thi đấu đến các cầu thủ, để quân nhà chiến đấu hết mình vì màu cờ, sắc áo… Vì vậy, đây là hai đội bóng có thể nổi trội hơn so với phần còn lại và nhiều khả năng một trong hai đội bóng này sẽ lên ngôi.
4. Độ cao thi đấu quen thuộc. Nếu các đội bóng châu Âu hay châu Á rất lo ngại khi phải thi đấu trên mặt sân có độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển (các sân bóng thi đấu ở Nam Phi đều có độ cao tương đương 1.000m) thì các đội bóng Nam Mỹ lại quá quen thuộc với những độ cao này và xem đây là một lợi thế không nhỏ đối với họ.
Các điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa đều thuộc về các đội bóng Nam Mỹ và cúp vàng sẽ về Nam Mỹ. Nếu không có bất ngờ lớn xảy ra, nhiều khả năng trận chung kết sẽ diễn ra giữa Argentina và Brazil.
Phương Anh
Bạn có biết
Klose sánh ngang thành tích Pele
Với pha chớp cơ hội mở tỉ số trận đấu với tuyển Anh, tiền đạo Miroslav Klose của Đức đã sánh ngang với “vua” Pele về thành tích ghi bàn ở các kỳ World Cup với 12 bàn.
Nếu Đức tiếp tục duy trì phong độ và tiến xa trên đất Nam Phi, chân sút 32 tuổi này hoàn toàn có thể xác lập kỷ lục mới (Ronaldo của Brazil đang giữ kỷ lục 15 bàn).
Các chân sút tốt nhất trong lịch sử World Cup: Ronaldo (Brazil) – 15 bàn; Gerd Mueller (Đức) – 14 bàn; Just Fontaine (Pháp) – 13 bàn; Pele (Brazil) – 12 bàn.
P.V
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)