Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bốn điều tạo nên tình thầy trò

Tạp Chí Giáo Dục

Muốn HS kính trọng thì người thầy cần gần gũi và yêu quý các em. Trong ảnh: Giáo viên Trường TH Trần Quốc Toản (Q.5) chỉ dẫn HS viết bài. Ảnh: N.Trinh
Tình thầy trò là một trong những tình cảm thiêng liêng, cao quý. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, tình thầy trò có vẻ đang phai nhạt. Biểu hiện đó đến từ xã hội, phụ huynh và từ đó tác động đến học sinh (HS).
Nếu không xây dựng được tình thầy trò trong sáng, tốt đẹp thì tinh thần tôn sư trọng đạo cũng khó mà thành. Chúng tôi cho rằng có bốn điều cần lưu ý sau.
Tạo và giữ được hình ảnh người thầy
Vẫn có câu “Thầy phải ra thầy, trò phải ra trò”, hàm ý phải thể hiện cho đúng vai trò, vị trí của mình, chứ không phải “cá mè một lứa”. Như vậy, trong quan hệ thầy trò, tuyệt đối tránh suồng sã, vồ vập theo kiểu “bằng vai phải lứa” với HS, kể cả khi không có chênh lệch lớn về tuổi tác. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là người thầy không được quyền chủ động tạo mối quan hệ thân mật, gần gũi với HS. Bởi người thầy trong nhiều trường hợp, bên cạnh là người hướng dẫn, truyền đạt kiến thức… còn nên là người bạn, người đồng hành, chia sẻ với HS. Người thầy có gần gũi, thân ái, tôn trọng và yêu quý HS thì mới hình thành được sự kính trọng ở học trò của mình.
Bên cạnh đó, người thầy còn phải thể hiện sự gương mẫu trong lời nói, thái độ, ứng xử, hành động…; luôn cố gắng là một hình mẫu chân thực cho HS. Tính chân thực là bản thân vốn có (bản chất) của người thầy chứ không phải “gồng mình” để tạo ra một hình mẫu giả tạo. Tức là, người thầy phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng để là một người có phẩm hạnh tốt.
Người thầy cũng phải tự thể hiện mình xứng đáng với danh xưng và bản thân người thầy phải xem nghề dạy học thực sự là một thiên chức cao cả như Comenxki từng nói: “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Nếu người thầy rẻ rúng nghề nghiệp, không thực sự tôn trọng địa vị của mình thì khó tạo được sự tôn kính của HS, từ đó cũng không thể có tình cảm sâu sắc.
Nhà quản lý phải tôn trọng người thầy đúng mực
Trong quan hệ giữa nhà quản lý (nên hiểu bao gồm các thầy cô trong ban giám hiệu và các nhà quản lý khác, như cán bộ, lãnh đạo của phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT…) và người thầy nên tách bạch hai vai trò: Thứ nhất, là quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới; thứ hai, là quan hệ đồng nghiệp. Ở quan hệ thứ nhất, nhà quản lý có quyền dùng mệnh lệnh, nhưng nên tế nhị, tốt nhất là tránh thể hiện điều đó trước mặt HS. Ở quan hệ thứ hai, nhà quản lý phải trân trọng người thầy, thể hiện cả trong lời nói, cách ứng xử, các biện pháp mang tính quản lý.
Trong hầu hết các trường hợp, khi nào HS thấy được thầy cô của mình cũng được hiệu trưởng tôn trọng thì các em có sự kính trọng hơn với người thầy và cả hiệu trưởng, đồng thời cũng có biểu hiện ngược lại. Sự kính trọng trong trường hợp này cũng là một biểu hiện hoặc là khởi nguồn của tình cảm tốt đẹp với các nhà giáo nói chung và một số người thầy cụ thể nói riêng.
Phụ huynh phải hiểu đúng vị trí người thầy
Những người đầu tiên phải dạy cho trẻ lòng yêu quý kính trọng thầy cô chính là cha mẹ của các em.
Thái độ của phụ huynh thường tác động mạnh mẽ và trực tiếp với tình cảm của trẻ đối với người thầy. Có ba góc độ thể hiện: Thái độ đối với những người thầy (nói chung); thái độ đối với người thầy của bản thân mình; thái độ đối với người thầy của con mình. Nếu phụ huynh luôn thể hiện sự trân trọng đối với những người làm nghề giáo, qua lời nói, thái độ, hành động… thì hẳn đọng lại trong lòng trẻ một sự gợi mở về vị trí, vai trò của người thầy và bổn phận, cách thức ứng xử của trẻ đối với những người thầy cụ thể. Hay như chuyện Thầy học cũ của cha tôi trong Tâm hồn cao thượng (của Edmond De Amicis), chắc chắn sẽ gieo cho trẻ tình cảm tốt đẹp, ấn tượng sâu sắc về người thầy. Và, nếu phụ huynh có cách thức ứng xử đúng mực với người thầy của con thì trẻ hẳn cũng nhận thức được trách nhiệm của mình với người thầy.
Phụ huynh đừng cho rằng mình hay biếu xén cho giáo viên của con là sự tôn trọng; trong nhiều trường hợp càng làm cho trẻ coi rẻ người thầy của mình hơn, bởi các em dễ cho rằng việc dạy và học như sự trao đổi, mua bán. Do đó, phụ huynh phải thành tâm, thành kính với những người thầy, nhất là người thầy của mình và của con.
HS phải được dạy biết yêu quý, kính trọng thầy
Những người đầu tiên phải dạy cho trẻ lòng yêu quý kính trọng thầy cô chính là cha mẹ của các em. Cha mẹ phải khơi gợi, định hướng cho con mình hiểu rằng “Phải tôn kính thầy dạy mình, bởi lẽ nếu cha mẹ cho ta sự sống thì chính các thầy giáo cho ta phương cách sống đàng hoàng tử tế”, như Philoxêne de Cythêrê từng nói. Do đó, cha mẹ phải dạy cho con điều đó bằng sự gợi mở, định hướng và bằng hành động thực tế của mình.
Chính những người thầy cũng phải dạy cho trẻ biết tôn trọng người thầy – bản thân mình và những người thầy khác. Giáo viên khi đứng lớp hay trò chuyện với HS nên dành sự kính trọng về những người thầy khác, tuyệt đối không nói xấu, xúc phạm hay có bất kỳ biểu hiện nào để các em hiểu rằng người thầy này đang coi thường người thầy khác.
Xã hội, nhất là qua các phương tiện truyền thông, qua phim ảnh…, phải tác động, giáo dục tinh thần kính trọng người thầy, bằng việc xây dựng hình ảnh người thầy đúng mực, nêu những gương kính trọng thầy cô, cũng như phê phán các biểu hiện rẻ rúng người thầy hay nghề giáo…
Nguyễn Minh Tâm (Thủ Đức, TP.HCM)
Chỉ khi xã hội thực sự xem trọng người thầy thì bản thân HS mới kính trọng người thầy và chỉ có như vậy thì tinh thần tôn sư trọng đạo mới được gìn giữ và không ngừng vun bồi!
 

Bình luận (0)