Dạo ấy, những bồn hoa của trường (mặc dù đã có sơ đồ phân công cụ thể từng lớp phụ trách) nhưng cây kiểng, các loại hoa vẫn nghèo nàn, đơn điệu… Học sinh thành phố, thị xã chưa bao giờ nhìn thấy thực tế thì làm sao biết nhổ cỏ, chăm sóc, tưới cây! Vì vậy, cây kiểng, hoa bị còi cọc, khô héo là chuyện xảy ra thường ngày. Trường phấn đấu trở thành trường “xanh-sạch-đẹp” thì “xanh và sạch” đã có, chỉ còn thiếu “đẹp” của sắc màu bông hoa. Trước tình trạng đó, thầy Dương Cẩm Nang, một thạc sĩ bộ môn toán; xuất thân từ nông dân chính hiệu – đã nhận phần chăm sóc, gầy dựng lại các bồn hoa…
Không quản ngại khó khăn ban đầu, khâu đầu tiên là thầy cùng các học sinh “tình nguyện” nhặt đá, xà bần vôi vữa xi măng; san mặt bằng bồn hoa, tái tạo đất bồn hoa bằng lớp đất khác và bón phân tro trấu để đất màu mỡ hơn. Thầy thông qua nhà trường kế hoạch, thiết kế từng loại hoa cho từng bồn hoa. Tiếp đó, thầy Nang xin phép nhà trường cho thiết kế lại hệ thống đường ống tưới cây cho khoa học, hợp lý.
Không nề hà với công việc, lúc nào rảnh là thầy Nang chăm sóc, tưới đều cây kiểng, bồn hoa. Thầy sắp xếp từng bồn hoa có từng loại xen kẽ nhau như màu vàng, màu trắng, màu tím, màu đỏ… Giờ đây, nhìn những bồn hoa khoe sắc trong nắng mới, mọi người đều thấy bộ mặt của trường càng đẹp hơn. Bồn hoa làm đẹp cho trường và có nhiều “tác dụng” ở phía sau.
Đó là giáo dục học sinh lòng yêu thích, kính trọng người lao động chân tay. Thầy Nang không ngại lời ra tiếng vào về công việc của mình! Lao động chân tay cần lắm chứ! Thành quả của lao động chân tay là những bồn hoa đủ sắc màu. Ở Nhật Bản, học sinh dành ngày thứ bảy hàng tuần để lao động chân tay thực sự; chăm sóc bồn hoa trong trường và các em luôn tự hào về thành quả lao động của mình. Phía sau những bông hoa là những giọt mồ hôi rơi xuống để hoa nở đẹp màu. Đó là giáo dục các em học sinh ý thức giữ gìn vệ sinh chung, giữ gìn môi trường luôn sạch và đẹp. “Em và các bạn không nỡ nào xả rác trong bồn hoa đâu vì nó đẹp quá!” – lời của các em Uyển Nhi (10A1), Khánh Tâm (10A7)… Đó là giáo dục các em học sinh lòng yêu trường, yêu lớp; gắn bó với trường lớp như lời của Phước Huy, Phương Trang (lớp 12A9): “Một ngày gần đây, các em sẽ xa mái trường này. Nhưng em luôn nhớ mãi bóng cây xanh sân trường; nhớ mãi màu hoa mười giờ và đủ màu hoa trong các bồn hoa của trường… Nhớ đến màu hoa là nhớ đến trường đến lớp”.
Hoa cứ nở trong những bồn hoa nhỏ như tấm lòng của người thầy tươi nở mãi với công việc thầm lặng, có ý nghĩa và tác dụng giáo dục nhiều mặt cho học sinh trường tôi…
Lê Đức Đồng
(Trường THPT chuyên Nguyễn Thị
Minh Khai – tỉnh Sóc Trăng)
Bình luận (0)