Nhà báo, nhà văn Trúc Chi thắp hương trước mộ ông Dương Ngọc Chánh (ảnh chụp tháng 7-2008) |
Xã Mỹ Đức có quốc lộ chạy giữa như đường xương sống, hai bên như hai trang giấy. Lật phía trang trắng nghe bà con nói về ông Dương Ngọc Chánh. Lật phía trang đen nghe nói về Nguyễn Ng…
Một nỗi oan?
Đêm nay, đêm trong ngôi nhà nhỏ không đầy 20 mét vuông, trống trước trống sau. Ngôi nhà đặt trên nền đất từ 40 năm trước từng chứng kiến cảnh đêm khuya ông Chánh ngồi bên bàn gỗ chấm bài, giúp và vuốt lại mấy sợi dây gai giật mìn, sớm ra đi đến lớp dạy, hoặc trước khi vào núi gặp anh em báo cáo tình hình, ông quay lại dặn dò bà coi lại cái hầm chìm sau nhà. Bà Cầu – vợ ông Chánh thường trực ở nhà, lúc chuyển thuốc men, lúc đưa tiền gạo đến cơ sở, lúc tiếp cán bộ đưa xuống hầm giấu, lúc nhắn tin, lúc chạy báo tin từng đường từng ngõ địch trên đồn vào thôn. Một lần bà nghe có người nằm sắp chết ở ngoài mương. Bà chạy rủ thêm bà Biên, bà Thự ra giải cứu anh bộ đội. Hồi ấy đã có vè về ba bà: “Tấm gương tập thể ba bà/ Cứu anh bộ đội thoát ra vòng càn”. Một lần bà đặt mìn ngoài đường đợi địch đi qua. Bà ở trong nhà ngồi trên ván gỗ với bốn con nhỏ. Sợi dây giật mìn bà quấn trong ngón tay run run. Địch kéo đến, ngón tay bà bất ngờ động mạnh. Mìn nổ to. Bà ôm chặt bốn đứa con vào lòng. Thằng Trị không khóc, con An, thằng Ninh, con Bảo sợ ré lên. Đêm ấy ông Chánh về thương quá, hôn lên tóc vợ còn lấm đỏ bụi đường.
Nhắc lại chuyện hồi ấy bà Cầu mắt rân rấn nói, không có ông Chánh thì làm sao tôi hoạt động được. Có công ông Chánh mới có công tôi. Vậy mà từ hồi ấy ông Chánh đã mang tiếng oan, tiếng ác điệp viên cho địch. Mà hồi đó còn trong bóng tối nói gì không được, nói gì mà không tin! Bây giờ thanh thiên bạch nhật, vậy mà ông Chánh vẫn còn oan, vẫn không được giải oan. Một nỗi oan cứ như cha truyền con nối vậy. Thằng Dương Minh Trị đứa con trai đầu mới 16, 17 tuổi tìm cách thoát ly lên núi Bà Phù Cát, vào bệnh tác xá Khu Đông để tránh oan cho đến ngày giải phóng. Thằng con giữa Dương Minh Ninh đang học nửa chừng tình nguyện vào bộ đội đi chiến đấu ở Campuchia để tránh oan. Hai đứa con gái ở Phù Cát, Qui Nhơn cũng như hai anh nó. Sau ba mươi năm giải phóng, nỗi oan lại cứ như truyền kiếp. Dương Minh Trị vào làm hết cơ quan này đến cơ quan khác như một cuộc đổi vùng, công tác làm đến tận lực đến hết mình, nhiều lần đoàn thể xét kết nạp Đảng nhưng không được vì cha là tên điệp báo cho địch. Dương Minh Ninh hi sinh trên chiến trường Campuchia, gia đình tìm bốc hài cốt về để mai táng ở quê hương cũng không được, Nguyễn Ng. đề nghị ném hài cốt ra cửa biển Châu Trúc chỉ vì cha là gián điệp. Dương Minh Toàn đứa con út sinh cùng năm cha bị Nguyễn Ng. giết, tốt nghiệp phổ thông vì lý lịch có người làm cho địch không được xét thi vào đại học.
Giữa ánh sáng còn tin ở bóng tối?!?
“Chẳng lẽ giữa ánh sáng mà người ta còn tin ở bóng tối?”. Không riêng bà Cầu nói mà nhiều người dân An Giang, Mỹ Đức nói, nhiều cán bộ huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cùng hoạt động với ông Chánh nói như thế!
Bà Trương Thị Đổng, Đảng viên từ hồi kháng chiến, chồng đi tập kết, bà được tổ chức phân công ở lại. Từ những năm 1961, bà gần gũi giác ngộ ông Chánh. Ông Chánh là người có học, có tư cách nên bà tin tưởng và giao nhiệm vụ ông Chánh làm thư ký hội đồng địch để lấy tin tức, làm giáo viên dạy để bà con có chữ có nghĩa. Quan hệ của bà Đổng với ông Chánh đã thành dư luận trong nhân dân không những thành dư luận mà dựng lên thành chuyện bà Đổng có bầu với ông Chánh để có điều kiện thuận lợi cho ông Chánh hoạt động. Bà Đổng người của tổ chức mang tiếng để dễ hoạt động, ông Chánh người của cơ sở im chịu mang tiếng, đó không phải là hi sinh sao?
Không những để dân tin mà còn để bà Cầu vợ ông Chánh tin cái điều mang tiếng ấy. Nhưng rồi bà Cầu hiểu ra. Từ đó, thấy bà Cầu bà Đổng đi với nhau, người ta nói, cả bên địch nói: “Bà lớn bà nhỏ của ông Chánh”. Bây giờ bà Đổng mới nói, có những việc ở ban ngày ban mặt phải hiểu phải ở trong bóng tối, có bóng tối mới có ban ngày. Khác với việc phao tin, đặt điều ông Chánh là gián điệp để đi đến sát hại ông Chánh đó mới là lợi dụng bóng tối, lấy bóng tối làm bình phong thực hiện âm mưu đen tối. Đó mới là giả danh cách mạng.
TRÚC CHI
Kỳ 3: Nguyễn Ng. – tên giả danh cách mạng
Buổi sáng hôm đó Nguyễn Ng., đã hiện nguyên hình. Bộ mặt của một người an ninh cách mạng mà trước đây hắn vẫn khoác vào bị vạch trần. Nguyễn Ng. đã bị bắt, khám trong người hắn có một khẩu ru-lô và mấy chỉ vàng. Phạm pháp bị bắt quả tang, hắn cúi đầu nhận tội.
Bình luận (0)