Cách đây bốn năm, Chỉ thị 33/2006/TC-TTg đưa vào thực hiện đã tạo ra một cơ hội cũng như thách thức cho ngành GD. Thời điểm đó, cuộc vận động “Hai không” như một phát pháo nhằm vào việc dạy và học chạy theo thành tích. Trải qua bốn năm cuộc vận động “Hai không” đã thực sự tạo nên dấu ấn lớn trong ngành GD. Tại hội nghị, nhiều đại biểu đánh giá hiệu ứng mà cuộc vận động “Hai không” mang lại là rất lớn. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý phát biểu: Cuộc vận động tuy có khó khăn trong việc thực hiện, nhưng với sự hỗ trợ, quyết tâm từ cấp lãnh đạo cao nhất đến các sở ban ngành thì việc học nghiêm túc hơn, “bệnh” thành tích trong bộ phận ngành GD giảm rõ rệt.
Bà Hoàng Thị Ái Liên, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đồng tình: “Cuộc vận động “Hai không” mà Bộ GD-ĐT đang đi đúng hướng, đúng mục đích, tuy nhiên bộ nên thực hiện lâu dài, triệt để hơn”. Còn ông Nguyễn Khắc Hào, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cho rằng: “Thời gian qua, dư luận xã hội “ngờ vực” về cuộc vận động “Hai không” chưa đạt hiệu quả là chưa thỏa đáng cho những người tâm huyết với GD và hết lòng với công tác “Hai không”, như thế là phủ nhận thành quả, nỗ lực vượt bậc của các tỉnh, thành; bởi kết quả đạt được rất rõ nét”. Ông Hào lấy ví dụ trước “Hai không” việc dạy và học ở tỉnh nhà có nhiều hạn chế, học sinh dân tộc thiểu số đậu vào các trường CĐ, ĐH thấp; học sinh bỏ học cao. Tuy nhiên cuộc vận động “Hai không” được phát động đã khắc phục được tình trạng trên.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Năm học 2010-2011, ngành GD đã nỗ lực phát huy thành tựu đã đạt được, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Một trong những nhiệm vụ đạt được kết quả cao là phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Tuy chất lượng GD có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của các địa phương; tại các vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn số học sinh yếu kém còn chiếm tỷ lệ khá cao; việc huy động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ đi học vẫn còn nhiều khó khăn; vấn đề phân luồng học sinh THCS và GD hướng nghiệp chưa hiệu quả.
Bốn nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2011-2012
Năm học này, ngành GD-ĐT tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động GD ở các cấp học; tiếp tục đổi mới công tác quản lý GD; tăng cường chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD; phát triển mạng lưới trường, lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị GD. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động GD: Theo đó, nhiệm vụ chung cho các cấp học: Tiếp tục triển khai có hiệu quả, sáng tạo cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo… Tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học và kiểm tra, đánh giá ở phổ thông theo hướng giảm tải, phù hợp với mục tiêu GD… Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung các chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh ở vùng dân tộc, đặc biệt với học sinh bán trú.
Tiếp tục đổi mới công tác quản lý GD: Tăng cường phân cấp quản lý, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban ngành và địa phương trong quản lý GD. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về GD đối với các loại hình GD khác nhau, các cơ sở GD có yếu tố nước ngoài. Thực hiện cải cách hành chính, nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí…
Chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD: Triển khai thực hiện đề án quy hoạch nguồn nhân lực của ngành GD. Tổ chức có hiệu quả công tác bồi dưỡng giáo viên mầm non, phổ thông, giáo viên thuộc các trung tâm GD thường xuyên (TTGDTX) theo chương trình mới về bồi dưỡng thường xuyên; bồi dưỡng viên chức làm công tác thiết bị và thư viện về chuyên môn, nghiệp vụ. Chú trọng bồi dưỡng kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm lớp…
Phát triển mạng lưới trường, lớp và tăng cường CSVC, thiết bị GD: Đầu tư trang thiết bị, đồ dùng dạy học, CSVC hạ tầng theo hướng chuẩn hóa, xây dựng các trường MN, TH, THCS và THPT đạt chuẩn quốc gia. Đầu tư xây dựng, hiện đại hóa hệ thống trường THPT chuyên. Tập trung hoàn thiện mạng lưới trường, lớp MN. Quan tâm đầu tư CSVC cho các trường TCCN, củng cố và phát triển mô hình hoạt động của TTGDTX theo hướng thực hiện nhiều chức năng: GDTX – hướng nghiệp – dạy nghề, củng cố trung tâm học tập cộng đồng theo hướng bền vững, linh hoạt và hiệu quả. Tiếp tục thực hiện đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011 và chuẩn bị danh mục, dự án, công trình đầu tư giai đoạn 2012-2015.
Q.H – V.M
Bình luận (0)