Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bọn trường quốc tế toàn chơi!

Tạp Chí Giáo Dục

Những phép tính về phân số mà một đứa trẻ lớp 3 chương trình tiểu học VN có thể làm làu làu thì tại nhiều trường quốc tế, đến lớp 8 các em mới bắt đầu làm quen. Phụ huynh sẽ bảo, bọn trường quốc tế toàn chơi!

 Học sinh một trường mầm non quốc tế học về mua sắm thực phẩm ở siêu thị /// Ảnh: Nữ Hồng

Học sinh một trường mầm non quốc tế học về mua sắm thực phẩm ở siêu thị. ẢNH: NỮ HỒNG
Nhìn bề ngoài thì có vẻ như thế thật.
Ví dụ như bài tập tuần này của học sinh lớp 6 ở một trường quốc tế tại TP.HCM: Các con sẽ chuẩn bị một món ăn, nấu sẵn ở nhà và đem đến lớp, thuyết trình về món ăn ấy, rồi cùng hâm nóng món ăn, và cả lớp cùng chia sẻ với nhau những món mình đã nấu.
Nghe thật đơn giản và “toàn chơi” chứ gì nữa!
Toàn chơi như thế!
Thực tế là trước khi làm bài tập này, các con đã học khá nhiều thứ không bao giờ xuất hiện trong chương trình phổ thông của VN: học về cách đọc thành phần nguyên liệu trên bao bì đựng thực phẩm, được học về thế nào là chế độ dinh dưỡng lành mạnh, được thử tự lập cho mình một chế độ ăn đủ dinh dưỡng và lành mạnh…
Bài tập nấu ăn này, chính là phần ứng dụng các kiến thức con đã học: phải sử dụng internet để tìm công thức món ăn mình muốn nấu, nghiên cứu xem có… dễ nấu không (tất nhiên, trẻ con lớp 6 không nhiều em tự vào bếp, nhất là các em trai), xem thành phần nguyên liệu có hợp với nguyên tắc dinh dưỡng lành mạnh không, rồi tự đi siêu thị mua nguyên vật liệu, tự sơ chế, tự nấu, khi đem món ăn đến lớp, các con sẽ thuyết trình về lý do vì sao mình chọn món này, cách tính toán khẩu phần như thế nào, cách nấu ra sao…
Bạn nào cũng hào hứng chuẩn bị bài tập này, và háo hức chờ đến thứ hai để được khoe, được xem và được ăn cùng nhau những món ăn do chính tay mình nấu!
Và “toàn chơi” như thế, nhưng phụ huynh chắc sẽ giật mình khi đọc phần mục tiêu học tập của bài tập này, vì ngoài Healthy Living (sống lành mạnh) là cái liên quan trực tiếp đến việc nấu một món ăn ra, còn có cả Maths (toán) với các tiêu chí rất rõ ràng: Cách giải quyết vấn đề bằng cách chuyển đổi đơn vị đo lường từ lớn hơn sang nhỏ hơn (ví dụ công thức món ăn con tìm được trên mạng cho khối lượng thực phẩm dành cho phần ăn dành cho 4 người, các con nấu khẩu phần 1 người thì sẽ phải tính toán lại khối lượng thực phẩm cho hợp lý).
Cách chuyển đổi đơn vị đo lường cho phù hợp với thực tế (công thức món ăn con chọn có thể tính khối lượng bằng oz, thực tế ở VN thường dùng gram…). Chưa kể là kỹ năng sử dụng dao, kéo, bếp, canh thời gian nấu nướng, nêm nếm… cũng sẽ được vận dụng khi các con làm bài tập này.
Vậy đó, người ta “toàn chơi” nhưng lại rất sát với thực tế cuộc sống, mang tính ứng dụng cao và hữu ích cho sự tự lập của một con người; còn con chúng ta “toàn học”, không dám nói là học những thứ cao siêu, ít mang tính ứng dụng, có khi cả đời không bao giờ dùng đến.
Phụ huynh phải chịu buông nỗi sợ của mình ra
Thực tế, có thực sự quá khó để giảm bớt kiến thức chữ và số, thay vào đó là tăng thêm giờ ứng dụng cho các em ở trường học của VN không? Câu trả lời là không quá khó.
Bạn tôi dạy một trường tư ở H.Bình Chánh (TP.HCM), với sự linh hoạt trong điều phối chương trình giảng dạy, thầy cô vẫn giúp học sinh bám sát chương trình Bộ GD-ĐT quy định, nhưng các em học sinh lớp 7 vẫn làm được các mô hình bếp sử dụng năng lượng mặt trời từ kính, từ đĩa CD cũ cắt ghép (vận dụng tính chất của thấu kính hội tụ), các em lớp 9 vẫn tạo ra được chiếc thùng rác điều khiển được bằng smartphone (chạy từ xa đến gần người dùng, tự động mở nắp để người dùng dễ dàng bỏ rác vào và chạy ngược trở lại góc quen thuộc của nó sau khi nhận rác),…
Các em học sinh cấp 2 làm được mô hình “Đô thị mơ ước của em” (chống ngập nước, phân luồng giao thông chống kẹt xe…) từ những kiến thức về thiết kế trên phần mềm, kiến thức về thống kê để có số liệu về lưu lượng xe lưu thông vào giờ cao điểm…
Các em lớp 10 có những dự án du lịch “Sài Gòn tôi yêu” ứng dụng tất cả các kiến thức về toán, lý, thuyết trình, làm phim, sáng tạo… (các em thiết kế city tour trọn gói giới thiệu những điểm tham quan đặc trưng của thành phố, du khách có thể đi trong vòng 3 tiếng đồng hồ, tính toán thời gian di chuyển, thời gian tham quan, sắp đặt phương tiện di chuyển, chi phí di chuyển, vé tham quan, ăn uống cho khách để ra được giá tốt nhất cho sản phẩm của mình, các em tự quay phim, chụp ảnh để thiết kế brochure cho tour của mình, làm clip minh họa cho phần thuyết trình của mình cho du khách…).
Một môi trường học tập cởi mở và sáng tạo như thế, chắc chắn là điều cả học sinh và phụ huynh đều mong muốn. Tại sao môi trường ấy, với những hoạt động học tập gắn liền với thực tiễn ấy vẫn là một niềm mơ ước của phụ huynh VN chứ chưa trở thành điều tất nhiên mà ngành giáo dục phải dành cho học sinh của mình trong khối trường công lập (nơi số đông học sinh đang theo học)? Liệu các trường có thể tự tìm ra lối đi cho mình để trường học thực sự là nơi cung cấp kiến thức và kỹ năng, chuẩn bị cho các em tự tin bước vào đời hay không?
 
Không có gì là không thể, miễn là có những ngôi trường dám tiên phong trong việc ứng dụng cái hay cái mới vào giáo dục. Nhưng cùng lúc ấy, phụ huynh phải chịu buông nỗi sợ của mình ra – sợ con không vào được trường chuyên lớp chọn – sợ con “lạc loài” giữa một rừng “gà công nghiệp” làu làu kinh sử.
Miễn là phụ huynh dám cùng con dấn thân vào một con đường mới, đầy cơ hội cho con phát triển tư duy độc lập và nuôi dưỡng ước mơ của mình, thì không quá khó để chúng ta có một thế hệ công dân biết chữ vừa đủ và biết ứng dụng nhiều nhiều, một thế hệ đủ tự tin để sống cuộc sống của chính mình.
Đinh Thanh Phương/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)