Nguyên nhân chính là cách hành xử thiếu công bằng và minh bạch của trưởng bộ môn bóng bàn TP và HLV trưởng, bên cạnh những chuyện phản thể thao khác…
Bóng bàn TPHCM vừa qua đón nhận cú sốc lớn khi hàng loạt tay vợt trẻ triển vọng đã làm đơn nghỉ tập luyện và thi đấu. Nguyên nhân chính là cách hành xử thiếu công bằng và minh bạch của trưởng bộ môn bóng bàn TP và HLV trưởng. Đi sâu tìm hiểu sự việc, phóng viên Báo NLĐ còn phát hiện những chuyện phản thể thao khác.
Uẩn khúc từ một chuyến du đấu
“Đã gần một tháng qua kể từ ngày gởi đơn khiếu nại nhưng đến nay gia đình chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hồi âm chính thức từ ban giám đốc, Thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch TPHCM và Ban Giám hiệu Trường Nghiệp vụ TDTT và Bộ môn bóng bàn TP. Chính sự im lặng này, hay nói đúng hơn là nỗi bức xúc của con gái, buộc chúng tôi phải gõ cửa báo chí”. Ông Phạm Tiến Đạt, cha của VĐV năng khiếu Phạm Nguyễn Nhật Thùy, đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy. Theo trình bày của ông Đạt, mọi chuyện sẽ không có gì ầm ĩ nếu như cách hành xử của trưởng bộ môn bóng bàn Nguyễn Thị Lành và HLV trưởng Trần Tuấn Anh được thể hiện công tâm hơn. Nhưng theo ông Đạt, ngược lại là thái độ cư xử của người lớn lại thiếu công bằng đã khiến cho tinh thần con ông suy sụp và không thể nào tiếp tục gửi gắm lòng đam mê cho phong trào bóng bàn TP.
Theo lá đơn khiếu nại đề ngày 25-8-2008 và trước đó là đơn xin phép nghỉ tham gia tập luyện tại đội năng khiếu bóng bàn đề ngày 11-7-2008 được gia đình VĐV Nhật Thùy gửi đến cấp thẩm quyền, lý do xin nghỉ của Thùy là do bản thân và gia đình thấy có nhiều điều khuất tất trong việc lựa chọn VĐV trẻ đại diện bóng bàn TPHCM tham dự trại hè tại Mỹ vào tháng 7 vừa qua. Để làm sáng tỏ thêm điều khuất tất trên, trong hai lá đơn nêu trên, ông Đạt đã lý giải thêm rằng: “Sau Hội khỏe Phù Đổng TPHCM diễn ra vào tháng 1-2008 đến tháng 2-2008, bộ môn bóng bàn và HLV trưởng có thông báo quyết định chọn VĐV Tố Quyên làm đại diện tham dự trại hè trên với lý do là VĐV này vừa đoạt chức vô địch đơn tại Hội khỏe Phù Đổng TP lứa tuổi 14-15”.
Theo chúng tôi, với tiêu chí được bộ môn và HLV trưởng đưa ra như trên khá hợp lý, song đó lại là sự lựa chọn miễn cưỡng, thiếu thuyết phục về chuyên môn và đặc biệt đây là quyết định gây nhiều tác động tâm lý đến VĐV đang ở độ tuổi thiếu niên. Đồng thuận với quan điểm này, nhiều nhà chuyên môn đã nhận xét thêm rằng việc lựa chọn VĐV thuộc thẩm quyền của trưởng bộ môn và HLV trưởng nhưng phải tránh tạo một hệ quả tâm lý vì đối tượng được chọn còn quá trẻ.
Nhiều nhà chuyên môn đã tán đồng quan điểm với chúng tôi khi đề cập vấn đề trên, đồng thời cho rằng cả hai VĐV trong câu chuyện còn quá trẻ và có lẽ hai em chẳng có tội tình gì. Tựu trung vấn đề đặt ra và buộc ông Đạt phải lên tiếng là dường như vụ việc xảy ra có sự sắp đặt của người lớn. Nhưng rất tiếc mọi việc cho đến nay đều rơi vào im lặng.
Bị o ép trong thời gian dài
Không dừng lại câu chuyện uẩn khúc trên, giới bóng bàn TPHCM còn cảm thấy chua chát hơn khi trong số hàng loạt lá đơn xin rời khỏi các lớp năng khiếu gần đây, dù chỉ ghi lý do đơn giản xin nghỉ tập luyện và thi đấu vì phải tập trung học văn hóa nhưng phía sau đó lại chứa đựng biết bao điều trái khoáy, thậm chí phi thể thao.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ trên đường Trần Bình Trọng, quận 5 – TPHCM, tay vợt trẻ Liêu Tú Mỹ khi được hỏi về nguyên nhân khiến gia đình em phải làm đơn xin rời khỏi lớp năng khiếu bóng bàn TP đã nghẹn ngào trong nước mắt: “Vì tôi thấy mình bị xúc phạm quá nhiều nên không thể chơi bóng bàn được nữa”. Tú Mỹ kể tiếp: “Đỉnh điểm là tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc mới đây, ưu thế của tôi là đánh đôi nữ nhưng không biết vì lý do gì ban huấn luyện lại đẩy sang thi đấu nội dung đôi nam – nữ và kết quả là tôi không có thành tích”. Tú Mỹ cho biết thêm: “Nỗi buồn chưa dứt thì đến giải đấu đơn, sau khi vượt qua nhiều đối thủ mạnh ở các vòng đấu trước, tôi bước vào vòng 1/8 và đối thủ là đồng đội Bùi Trung Ngọc Thanh Hà. Lúc này, HLV Từ Nhân Luân bảo tôi phải nhường cho Thanh Hà thắng nhưng tôi đã thẳng thắn từ chối đồng thời nói rằng trong thể thao ai giỏi đi tiếp chứ làm sao nhường được!”.
Nói là làm, Tú Mỹ chiến thắng và vào đến trận chung kết. Nhưng nếu chỉ đơn giản xem những diễn biến trên là nguyên nhân khiến Tú Mỹ phải làm đơn xin nghỉ thì chưa đúng bởi bản thân tay vợt này từng có quá trình gắn bó với phong trào hơn 5 năm qua và đã đem về cho bóng bàn TPHCM các chức vô địch trẻ toàn quốc 2005, vô địch giải 12 cây vợt trẻ xuất sắc toàn quốc 2004 – 2005. Tú Mỹ vừa nói tiếp vừa khóc: “Tôi bị o ép trong thời gian dài. Trưởng bộ môn đến HLV luôn gây nhiều ức chế, thường xuyên dùng lời hăm dọa và điển hình hơn là việc chuyển tôi từ lớp năng khiếu tập trung xuống dự bị tập trung không có lý do rõ ràng, trong khi có nhiều VĐV thành tích không cao nhưng vẫn được ưu ái”.
Danh sách ra đi còn dài Trong quá trình tìm hiểu đâu là nguyên nhân khiến cho hàng loạt VĐV năng khiếu bóng bàn phải rời xa Trường Nghiệp vụ TDTT và các lớp năng khiếu, chúng tôi còn được biết khá nhiều trường hợp của các tay vợt trẻ như Phạm Hoàng Đăng, Phạm Đình Thông, Nguyễn Tiến Đăng Vũ, Hồ Ngọc Thuận… cũng vì không chịu nổi cung cách hành xử của trưởng bộ môn bóng bàn và HLV trưởng nên phải gác vợt ra đi. Ông Liêu Hùng, cha của VĐV Tú Mỹ, tâm sự: “Con tôi nghỉ, tôi buồn cho gia đình mình thì ít mà buồn cho bóng bàn TP nhiều hơn. Tiềm lực của bóng bàn TPHCM rất lớn nhưng chỉ tiếc rằng những người có trách nhiệm chưa thấu hiểu và chưa biết trân trọng đúng mức tài năng trẻ. Nếu không sớm chấm dứt tình trạng này, danh sách những VĐV xin nghỉ chắc còn dài…”.
|
Thọ Trung (theo NLĐ)
Bình luận (0)