Có giải vô địch quốc gia từ năm 1997, nhưng hơn 10 năm nay, bóng chuyền bãi biển vẫn không thể phát triển mạnh ở VN.
Các giải đấu bị khai tử
Khi đến thị sát tại VN, hầu hết các quan chức thể thao quốc tế đều cho rằng VN có điều kiện tuyệt vời để phát triển mạnh môn bóng chuyền bãi biển. Ưu thế số một là về địa lý tự nhiên khi chúng ta có bờ biển trải dọc chiều dài đất nước và nhiều bãi cát rộng đẹp, những nơi rất lý tưởng để chơi bóng chuyền trên cát. Môn thể thao này cũng khá phù hợp với tố chất người VN và cũng rất đơn giản, ít tốn kém về kinh phí đầu tư khi mỗi đội chỉ có 2 người.
Nhận xét về tầm chiến lược của bóng chuyền bãi biển, những quan chức đầu ngành thể thao VN cũng thừa nhận rằng bóng chuyền bãi biển của VN dễ tiếp cận với các giải đấu quốc tế hơn là bóng chuyền trong nhà. Thế nhưng, những ai quan tâm đến bóng chuyền bãi biển VN không khỏi chạnh lòng khi thấy sự phát triển èo uột của môn thể thao hấp dẫn này.
Các giải đấu truyền thống hằng năm như “Giải bóng chuyền bãi biển Vũng Tàu mở rộng”, “Giải bóng chuyền bãi biển miền Đông Nam Bộ”… lần lượt bị khai tử. Để cứu phong trào, Liên đoàn Bóng chuyền VN và Bộ môn bóng chuyền bãi biển VN đã nghĩ ra cách chia giải vô địch quốc gia ra làm 3 tour thi đấu khác nhau để giúp cho VĐV có cơ hội được thi đấu nhiều trận. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế bởi nó vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của dư luận.
Chưa có lối ra
Trao đổi với báo chí trong buổi họp báo Giải vô địch bóng chuyền bãi biển toàn quốc vòng chung kết xếp hạng – Cúp Tanimex lần II – 2008, ông Lê Hoàng Sơn – Trưởng bộ môn bóng chuyền bãi biển, Tổng cục TDTT trăn trở: “Chúng tôi cũng rất đau khi thấy các giải đấu ngày càng lụi tàn. Nhưng một khi môn thể thao này vẫn chưa được những người có trách nhiệm nhìn nhận như môn thể thao chính thống, thì rất khó để phát triển”.
Theo ông Sơn, vẫn còn rất nhiều người xem bóng chuyền bãi biển ở VN là một tiết mục vui để phục vụ lễ hội, chứ không phải là môn thể thao chính thống đi tranh tài tại các đại hội thể thao quốc tế, nên các địa phương không chịu đầu tư. Trước đây, đa số các VĐV chịu khó chơi môn thể thao này vì không có được suất chính thức ở các đội tuyển bóng chuyền trong nhà.
Thậm chí, những VĐV trẻ được đào tạo cho bóng chuyền bãi biển khi đã chơi thành thạo thì liền chuyển qua thi đấu cho bóng chuyền trong nhà vì có chế độ đãi ngộ tốt hơn. Ông Sơn cũng tỏ ra tiếc rẻ về việc hai đội bóng chuyền bãi biển rất có tương lai của Đà Nẵng vừa được phát hiện qua một mùa giải bỗng dưng chuyển qua thi đấu môn… đua thuyền. Hay trường hợp VĐV bóng chuyền bãi biển VN dự SEA Games 24 Nguyễn Thị Tuyết rẽ ngang để đến với đội bóng chuyền Cao su Phú Riềng.
Vì không có định hướng đầu tư chiến lược, nên lực lượng HLV của môn thể thao này thiếu trầm trọng. Hầu như ở VN chưa có HLV nào được đào tạo bài bản về bóng chuyền bãi biển và điều này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của VĐV. Ngay cả người có nhiều tâm huyết với môn bóng chuyền bãi biển như ông Nguyễn Minh Tâm – Tổng giám đốc Công ty Tanimex, cũng phải lên tiếng: “Tôi chưa nghĩ đến chuyện thuê HLV nước ngoài để nâng chất cho các VĐV của mình, bởi cho đến nay bóng chuyền bãi biển vẫn chưa được xem là môn chiến lược đối với thể thao VN”.
Q.H (theo thanhnien)
Bình luận (0)