Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Bóng đá Việt Nam có phù hợp với lối đá tấn công của HLV Troussier?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Một lần nữa câu hỏi này đã được đưa ra sau khi đội U23 Việt Nam phải đón nhận những kết quả tệ hại sau khi thay đổi cách tiếp cận trận đấu ở giải U23 Doha Cup 2023.
HLV Troussier và triết lí bóng đá mới cho Việt Nam
Khác với thời còn được HLV Park Hang Seo dẫn dắt, đội tuyển U23 Việt Nam dưới thời tân thuyền trưởng Philippe Troussier đang dần thay đổi cách chơi với tiêu chí tấn công được ưu tiên hàng đầu thay vì phòng ngự rồi mới đến phản công. 
Trong các trận đấu vừa qua của U23 Việt Nam tại giải giao hữu diễn ra tại Qatar, không khó để nhận ra sự thay đổi này khi đoàn quân của ông Troussier đã nhập cuộc chủ động và cầm bóng tự tin hơn. 
U23 Việt Nam đã phải đón nhận những kết quả tệ hại sau khi thay đổi chiến thuật
Đã không còn tư duy chơi bóng phòng ngự, phản công giống như dưới thời HLV Park Hang Seo, các học trò của ông Troussier đã được yêu cầu chơi bóng tự tin hơn. Họ phải sẵn sàng cầm bóng và triển khai tấn công ngay từ phần sân nhà để từng bước tiếp cận khung thành đối phương.
Có thể lối chơi này chưa mang tới hiệu quả như kỳ vọng song ít nhiều điều này cũng cho thấy U23 Việt Nam của HLV Philippe Troussier đã dám thay đổi, dám tự tin cầm bóng tấn công chứ không thận trọng chơi phòng ngự như trước. 
Tuy nhiên câu hỏi đang được đặt ra là liệu về lâu dài, cách đá mới này có thể mang tới thành công cho bóng đá Việt Nam?
Chắc chắn là ai cũng biết rằng một đội bóng muốn tiến xa, duy trì khả năng thành công thì sẽ cần phải có được sự đa dạng, biến ảo về lối chơi. Và tất nhiên chỉ có tấn công thì họ mới có thể nghĩ tới những pha ghi bàn để chiến thắng. Song trên thực tế bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể thành công với cách đá này, dù đã nhiều lần thử nghiệm trong quá khứ. 
Nhìn lại quá khứ, HLV Henrique Calisto từng vô địch AFF Cup 2008 cùng đội tuyển Việt Nam với lối đá phòng ngự phản công. Tuy nhiên sau đó, ông thầy người Bồ Đào Nha đã chuyển sang định hướng chơi kiểm soát bóng và đã không thể thành công với cách chơi kể trên.
Tại SEA Games 2009 và AFF Cup 2010, các đội bóng của thầy "Tô" quả thực đã thể hiện một lối chơi mở mẻ hơn. Họ đã chủ động cầm bóng, áp đặt đối thủ ngay từ cách tiếp cận trận đấu để tìm kiếm bàn thắng dẫn trước. 
Đáng tiếc là lối chơi đó cuối cùng đã không mang đến thành công như kỳ vọng của nhà cầm quân người Bồ Đào Nha khi đội U23 để thua trận chung kết SEA Games 25 trước Malaysia, còn ĐTQG sau đó cũng không thể vượt qua vòng bán kết AFF Cup 2010 trước lối đá phòng ngự, phản công đầy khó chịu của các đồng nghiệp người Mã.
Bóng đá Việt Nam từng có thời điểm đề cao lối chơi tấn công trước các đối thủ.
Sau thời kỳ của HLV Calisto, bóng đá Việt Nam đã có một giai đoạn chìm sâu trong khủng hoảng trước khi gây ấn tượng trở lại với lối đá kiểm soát bóng đậm chất kĩ thuật của lứa Công Phượng được trình làng vào cuối năm 2014. 
Khi ấy đội tuyển U19 Việt Nam với hạt nhân là lứa cầu thủ tài năng của HAGL đã trình diễn một lối đá tấn công đẹp mắt, uyển chuyển với tinh thần không e ngại mọi đối thủ. Song đáng tiếc là cũng như các thế hệ đàn anh, họ đã không thể bước lên đỉnh cao khu vực với một loạt những hạn chế trong phòng ngự. 
Sau khi xuất hiện ở đội U19 Việt Nam, lối đá tấn công kiểm soát bóng cũng đã trở lại đội U23 và đội tuyển quốc gia khi HLV Nguyễn Hữu Thắng lên thay ông Miura. Tuy nhiên như đã thấy, cách đá này trên thực tế không mang đến thành công như kỳ vọng cho bóng đá Việt Nam, khi các đội tuyển của chúng ta đều thất bại bởi nhiều điểm yếu trong cả phòng ngự và tấn công. 
Và rõ ràng việc HLV Park Hang Seo tạo tiếng vang với lứa cầu thủ từng để thua ê chề ở SEA Games năm 2017 là minh chứng rõ nét cho thấy sự thay đổi về chiến thuật đã mang tới những kết quả hoàn toàn khác biệt. 
Có thể nói cách đá phòng ngự, phản công đã tỏ ra khá hiệu quả với các đội tuyển Việt Nam khi phải đối đầu với các đội bóng có trình độ cao hơn. Tuy nhiên nếu mãi duy trì cách đá này thì e là bóng đá Việt Nam sẽ khó có thể vươn tầm châu lục khi mà chỉ biết đá phòng ngự đổ bê tông trước các đối thủ mạnh.
Bởi vậy đây cũng là lý do ông Troussier quyết tâm thay mới chiến thuật thi đấu của các đội tuyển Việt Nam kể từ khi nhậm chức hồi tháng trước. Song liệu nhà cầm quân người Pháp có thể thành công với cách đá này thì chỉ tương lai mới có thể cho chúng ta biết được câu trả lời.
Đội tuyển Thái Lan từng thất bại với lối chơi kiểm soát bóng 'tik-tok' dưới thời HLV Kiatisuk ở vòng loại World Cup 2018 dù đã 'làm mưa làm gió' ở sân chơi khu vực trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2017.
Thất bại này phần nào đã cho thấy những hạn chế của nền bóng đá khu vực Đông Nam Á nói chung và bóng đá của Thái Lan nói riêng khi phải đương đầu với các đội tuyển hàng đầu châu lục. 
Rõ ràng so sánh về thể hình, thể lực, kỹ chiến thuật thì cả Thái Lan lẫn Việt Nam đều đang tỏ ra bất lợi nếu so sánh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc hay các đội bóng tốp đầu Tây Á. Và nếu không có những cuộc cách mạng, e là rất khó để bóng đá Việt Nam có thể vươn tầm châu lục trong tương lai gần.
Hãy kiên nhẫn với ông Troussier
Việc VFF ký hợp đồng kéo dài tới 3,5 năm với HLV Philippe Troussier đã cho thấy niềm tin của ban lãnh đạo liên đoàn đối với ông thầy người Pháp. Song với người hâm mộ, những người yêu thích thứ bóng đá 'chiến thắng' thì quả thực họ khó có thể nhẫn nại khi liên tiếp phải chứng kiến những kết quả tệ hại của đoàn quân áo đỏ. 
Với việc toàn thua trong cả 3 trận đấu tại giải giao hữu Doha Cup vừa qua, rõ ràng U23 Việt Nam đang mang tới một nỗi thất vọng lớn với những người hâm mộ ở quê nhà. Trong những trận đấu vừa qua, họ không chỉ bộc lộ những hạn chế về thể hình, thể lực mà ở cách triển khai lối đá, cầm bóng hay dứt điểm, các học trò của HLV Troussier vẫn cho thấy nhiều vấn đề bất cập. 
HLV Philippe Troussier cần thời gian để thay đổi bóng đá Việt Nam.
U23 Việt Nam với thành phần nòng cốt là U22 cũng chính là lực lượng sẽ tham dự môn bóng đá nam SEA Games 32 và sau đó sẽ bước vào tranh tài ở vòng loại U23 châu Á 2024. Bởi vậy những gì mà đội đã thể hiện tại Qatar vừa qua thực sự rất đáng để lo ngại. 
Song dư luận và người hâm mộ cũng cần cho thầy trò HLV Philippe Troussier thêm thời gian bởi thực tế chơi phòng ngự thì dễ nhưng chuyển sang đá tấn công rõ ràng là không đơn giản.
Không chỉ cần một bức tường phòng ngự chất lượng, U23 Việt Nam rõ ràng sẽ cần duy trì một tuyến giữa đủ cứng cáp, vững chắc và hàng tấn công sắc sảo đủ khả năng xuyên phá hàng thủ đối phương. Nhưng chiến thuật của HLV có hay đến mấy mà không có những cầu thủ chất lượng thì cũng khó mang đến hiệu quả. 
Rõ ràng ông Troussier đang rất cần những gương mặt chất lượng, phù hợp với lối chơi của mình. Và vì thế nhà cầm quân này sẽ cần tới một quá trình chuẩn bị lực lượng lâu dài để tuyển chọn ra những nhân tố tốt nhất và phù hợp nhất, thay vì hoàn thành điều đó trong ngày một ngày hai.
Minh Long (theo bongda24h)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)