Olympic Tokyo 2020 là một giải đấu mà Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản đã chuẩn bị rất kỹ cho thế hệ tiếp nối của mình thể hiện quyết tâm và khát vọng vươn tầm thế giới, muốn hiện thực hóa giấc mơ hóa rồng. Dù chỉ về thứ tư nhưng họ đã để lại nhiều dấu ấn cho bóng đá châu Á mà Việt Nam có thể học hỏi.
Olympic Nhật Bản (trái) đã thể hiện sự tiến bộ tại giải lần này với lối chơi hiện đại quật ngã nhiều ông lớn như Pháp ở vòng bảng
Chiến lược dài hơi mang tên “Japan’s Way”
Olympic Nhật Bản đã tập trung tất cả những gương mặt xuất sắc nhất ở độ tuổi U.24 đang thi đấu ở châu Âu, gọi cả các tuyển thủ kỳ cựu, những chủ lực của đội tuyển quốc gia như Yoshida, Sakai hay Endo để cố gắng hoàn thành mục tiêu trong một giải đấu được tổ chức ngay trên sân nhà. Kết quả thì Kubo cùng với đồng đội cũng đã có những trận đấu thành công và lọt vào đến bán kết rất xứng đáng. Suốt giải họ đều rất nổi bật với lối chơi pressing tầm cao, khả năng chuyển đổi và những miếng đánh trực diện vô cùng sắc sảo. Đó là dáng dấp của một thứ bóng đá hiện đại được đội chủ nhà áp dụng rất uyển chuyển trước những đối thủ tầm cỡ thế giới. Đặc biệt, chiến thắng cách biệt 4-0 trước Pháp là một trong những cú sốc lớn nhất của Olympic lần này.
Các cầu thủ Nhật không chỉ cho thấy khát vọng về mặt tinh thần ý chí mà còn thể hiện bằng sức mạnh chuyên môn trước những đối thủ mạnh. Ở giải đấu năm nay, Ritsu Doan và đồng đội đã cho khán giả một cái nhìn khác về bóng đá Nhật, chơi rất nổi trội ở vòng bảng bằng lối đá phòng ngự tấn công tổng lực, vượt qua New Zealand một cách thuyết phục và khiến Tây Ban Nha mướt mồ hôi, mệt nhoài sau 120 phút thi đấu. Và nếu như Asensio không lóe sáng với pha dứt điểm đột biến thì chưa chắc Pedri và đồng đội đã vào đến trận chung kết.
Thành quả này không phải tự nhiên mà đến. Ở giai đoạn đầu, Nhật Bản tôn thờ lối chơi kỹ thuật, được xây dựng trên nền tảng chuyền ngắn một chạm của bóng đá Brazil. Từ việc mời những danh thủ kỳ cựu như Zico về làm việc cho đến cử những ngôi sao như K.Miura sang tận Brazil để học nghề, nhập tịch một số cầu thủ gốc Brazil để gia tăng sức mạnh. Lối đá ngắn, nhuyễn của người Brazil kết hợp với kỷ luật của người Nhật tạo ra lối đá mang phong vị, bản sắc riêng cho đội bóng xứ hoa anh đào. Nhật Bản vươn lên số 1 châu Á, nhưng như thế là chưa đủ. Ở các sân chơi lớn, họ vẫn lép vế trước các cường quốc thế giới.
Olympic Nhật Bản chơi hay khi thắng đậm Pháp ở vòng bảng
Liên đoàn Bóng đá Nhật thay đổi chiến lược, họ chuyển hướng sang châu Âu. Đầu tiên là mời những kiến trúc sư hàng đầu như thầy phù thủy Philippe Troussier hay Giáo sư Arsene Wenger trực tiếp huấn luyện và truyền giáo. Những HLV trẻ có tiềm năng được cử đi châu Âu du học. Giám đốc kỹ thuật hiện tại của VFF là giảng viên Yusuke Adachi hay cựu HLV của đội tuyển quốc gia Việt Nam Toshiya Miura là số ít trong hàng trăm, hàng ngàn những cựu sinh viên của Trường đại học Thể thao Leverkusen, cái nôi đào tạo những HLV, những giảng viên, những nhà quản lý thể thao nói chung và bóng đá nói riêng của cả nước Đức và toàn châu Âu.
Tiếp sau đó là kết hợp với các CLB hàng đầu châu Âu để phát triển công tác đào tạo trẻ, tìm kiếm những hạt giống tài năng gửi gieo trồng khắp châu Âu. Đầu tiên là Đức, sau đó là Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Pháp và các nước khác. Những lứa lớp cứ nối nhau trưởng thành và có những bước thành công nhất định: khởi đầu là Hidetoshi Nakata, Shunsuke Nakamura, Makoto Hasebe, Keisuke Honda hay Shinji Kagawa. Và tại Olympic Tokyo, 9/22 cầu thủ Nhật Bản đang chơi ở những nền bóng đá hàng đầu như Anh, Tây Ban Nha, Ý, Đức hay Hà Lan, nhiều gấp 4 lần số cầu thủ xuất ngoại của đội trẻ Hàn Quốc. 7 trong số đó dưới 24 tuổi, tức còn nhiều tiềm năng phát triển ở lục địa già.
Bao giờ mới có “Vietnam’s Way ?
Con đường đang đi của bóng đá Nhật Bản gợi mở cho những nhà quản lý bóng đá Việt Nam, các CLB muốn phát triển bóng đá nước nhà lên một tầm vóc mới cần phải chú trọng đào tạo trẻ song song với việc đầu tư cho đội tuyển quốc gia chinh chiến ở những giải đấu lớn. Những năm qua dù Việt Nam có quan tâm bóng đá trẻ, có cải thiện hình ảnh và chất lượng của đội tuyển nhưng cách làm vẫn chưa đồng bộ và khoa học. Người hâm mộ vẫn chưa thấy cách đào tạo bài bản cùng với một chương trình huấn luyện chỉn chu như thế nào để giúp các cấp độ trẻ của bóng đá Việt Nam tạo sức bật. Chính vì vậy, khoảng trống về lực lượng kế thừa có chất lượng cho đội tuyển vẫn đang là thách thức lớn mà VFF cần phải gấp rút điều chỉnh, thay đổi.
Bóng đá Việt Nam bao giờ mới có con đường đi của mình?
Đó còn là cải thiện và nâng tầm chất lượng của V-League cho đến đầu tư cho những tài năng lớn của bóng đá Việt Nam có cơ hội tu nghiệp ở châu Âu. Mặt khác cần phải chăm chút cho đội ngũ HLV hiện tại và phát triển hơn nữa cho những nhà cầm quân trẻ có tiềm năng được trau dồi, được học tập ở những môi trường có trình độ, đẳng cấp cao như ở châu Âu. Ngoài ra cần một chủ trương đúng để huy động nguồn lực, phải xã hội hóa, tập trung phát triển bóng đá học đường, bóng đá phong trào ngày càng lớn mạnh. Chính Nhật Bản có nhiều cầu thủ hay đa số trưởng thành từ ghế nhà trường. Muốn vậy phải có chủ trương phát triển mạnh bóng đá trong trường học, đầu tư cơ sở vật chất và con người.
Quan trọng nhất, chúng ta cần tìm ra “Vietnam’s Way”, con đường phát triển của riêng mình. Thành tựu của bóng đá Nhật Bản khi phát triển ổn định và liên tục tạo sức bật trong vài năm qua rất đáng để tham khảo nhất vì phong cách chơi bóng cũng như cách định hướng của người Nhật rất gần gũi, sát sườn của bóng đá Việt Nam. Bên cạnh đó học hỏi của Hàn Quốc, của Đức hay Tây Ban Nha cũng vẫn được, miễn là tinh hoa đó có thể vận dụng một cách tốt nhất. Thế nhưng, tất cả những gạn lọc đó không thể sao y bản chính mà phải phù hợp với thực tế phát triển của bóng đá Việt Nam và mặt bằng phát triển xã hội. Nhiệm vụ này thuộc về VFF, nếu không có chiến lược phát triển đúng đắn và thích hợp, bóng đá Việt Nam sẽ không thể chuyển mình, không thể có giấc mơ hóa rồng như người Nhật được.
Cấp độ trẻ không kém, nhưng càng lớn lên vì sao Việt Nam sa sút?
Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhận xét: “Bóng đá Việt Nam không phải không nhìn ra những cái hay của Nhật Bản hay Hàn Quốc để học hỏi, nhưng thực sự là đang có sự lúng túng trong việc vận dụng chỉ bởi những ràng buộc, yếu kém của chính mình. Tôi lấy đơn cử như các đội trẻ của Việt Nam đâu hề kém một số nước mạnh của châu Á, từng á quân U.23, nhiều lần lọt vào VCK U.19, U.16 châu Á và cả FIFA World Cup U.20. Nhưng tại sao lên cấp độ cao hơn như Olympic hay tuyển quốc gia thì đều tuột lại? Đó là do chúng ta chưa tạo ra một môi trường chuyên nghiệp cho cầu thủ trẻ dấn thân và trưởng thành. Họ chỉ quanh quẩn phát triển ở CLB rồi hết, không được cọ xát quốc tế thường xuyên, không có những người thầy giỏi có bằng cấp pro huấn luyện nên chẳng trui rèn được gì.
Thứ nữa là chúng ta chưa quan tâm việc đầu tư phát triển tầm vóc, thể trạng, sức mạnh cho cầu thủ trẻ nên họ thiếu tố chất khi bước lên những sân chơi cao hơn. Chỉ cần so sánh cầu thủ Việt Nam với các nước châu Á cũng thấy độ dày hình thể của chúng ta không bằng, tranh chấp va chạm hay thua thiệt. Đó là do ngành TDTT nói chung và bóng đá nói riêng chưa xem sức khỏe của tài năng thể thao là mấu chốt. Làm sao để người Việt cao to hơn, khỏe hơn, đó phải là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển đất nước thì khi đó bóng đá Việt Nam mới đủ sức “đứng” được một cách vững vàng trên vũ đài quốc tế”.
|
T.K (theo thanhnien)
Bình luận (0)