Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bỗng dưng mất tiền trong thẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều người phản ánh họ bỗng dưng bị trừ tiền trong thẻ tín dụng dù không sử dụng hay mua sắm gì. Thực hư chuyện này ra sao?
Chị Hồng Nhung, ngụ Hà Nội, mới đây lên một diễn đàn kêu cứu: “Em vừa bị hack mất 2 triệu trong tài khoản thẻ visa debit dù em không dùng gì cả. Em đã liên lạc tổng đài khóa thẻ rồi, nhưng mọi người có ai biết cách nào để có thể lấy lại được số tiền đó không, giúp em với”. Theo lời chị Nhung, khi đang bế con nhỏ ở nhà, chị nhận được tin nhắn báo qua điện thoại di động là “Số dư tài khoản 049… thay đổi – 2,046,363 VND… VISA-DEBIT GATEWAY…”. Nhiều người đặt ra các tình huống như có thể bị mất thẻ, bị lộ thông tin khi mua hàng qua mạng hoặc có giao dịch nhưng quên vì đôi khi 3, 4 ngày sau mới có tin nhắn báo về điện thoại… Tuy nhiên, chị Nhung quả quyết lúc tin nhắn tới chị đang giữ thẻ trong tay và thời gian gần đó cũng không mua bán gì qua mạng. Sau khi kiểm tra, phía ngân hàng cho biết số tiền trên dùng để thanh toán cho phần mềm chơi game mà chị lần đầu nghe tên, chứ đừng nói sử dụng.
Thẻ tín dụng mang đến sự tiện lợi nhưng cần bảo mật cao	- Ảnh: Diệp Đức Minh
Thẻ tín dụng mang đến sự tiện lợi nhưng cần bảo mật cao – Ảnh: Diệp Đức Minh

Tỏ ra đồng cảm vì đã rơi vào trường hợp tương tự, bạn Hồng Lan (cũng ở Hà Nội) kể mới đây, sau khi mua hàng trên Amazon, web đã trừ 110 USD nhưng 2 ngày sau, lúc 4 giờ sáng lại có tin nhắn báo trừ 100 USD nữa. “May mà thẻ không còn đủ số tiền nên giao dịch không thành công, chứ không là bị mất tiền oan rồi”, Hồng Lan chia sẻ.
Cần bảo mật chặt chẽ
 
 
Một trong những cách bảo toàn số tiền là khách hàng có thể sử dụng hai tài khoản khác nhau, trong đó chỉ để một thẻ tín dụng có chức năng thanh toán online với hạn mức thấp. Khi đó, nếu thẻ này có bị hack thì cũng không thiệt hại nhiều vì trong thẻ không có nhiều tiền.
 

Có nhiều nguyên ngân dẫn đến việc bị mất tiền trong thẻ tín dụng. Ví dụ như bị lộ thông tin cá nhân và bị kẻ xấu làm thẻ giả để rút tiền; khi quẹt thẻ ở các máy POS bị nhiễm mã độc hay rút tiền tại các trạm ATM bị gắn camera quay lén. Hay khách hàng thường không theo dõi thanh toán mà gửi thẻ cho người phục vụ đi cà thẻ một lúc lâu và quay lại cùng hóa đơn, khi đó có thể thẻ đã bị chụp hình 2 mặt và người trộm thông tin sẽ dùng đặt hàng trực tuyến để mua hàng khắp thế giới. Hơn nữa, việc giao dịch thanh toán online qua các trang web mang tính rủi ro khá cao trong thời buổi có nhiều

vi rút cũng như tràn ngập các trang web giả mạo. Đặc biệt, nếu bị lộ mã số CVV (mã số xác nhận thẻ, nằm ở mặt sau của thẻ tín dụng) thì bất kỳ ai cũng có thể dùng thẻ này để thanh toán mua hàng trên mạng. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, không bị mất tiền, người dùng thẻ tín dụng phải tuyệt đối xóa 3 chữ số CVV hoặc dùng băng keo đen dán đè lên 3 số này để không ai biết được. Việc này cũng tránh được trường hợp khi mua hàng hay thanh toán ở các nhà hàng có đưa thẻ cho nhân viên quẹt sẽ không lo bị ăn cắp mã CVV.
Ngoài ra, khi sử dụng thẻ debit (là thẻ tín dụng chỉ sử dụng khi bạn có đủ tiền) cần lưu ý không làm thẻ kết nối trực tiếp với tài khoản ngân hàng của mình. Vì nếu có kết nối thì khi tài khoản có tiền đồng nghĩa là thẻ có tiền. Một vấn đề khác là chủ thẻ cũng lưu ý khi làm thẻ debit, một số ngân hàng cấp thẻ dập sẵn nên rủi ro cao hơn. Bởi thẻ đó được in theo cả một lô nên việc trùng khoảng 14 số đầu và ngày tháng hết hạn thẻ dễ dàng cho kẻ gian có thể đoán được 2 số cuối của thẻ (thậm chí không cần biết mã CVV) đem thanh toán ở một số trang web không yêu cầu mã CVV như Amazon. Đặc biệt, nếu có giao dịch bất thường dù lúc đêm khuya cũng phải gọi ngay tổng đài hoặc số đường dây nóng ngân hàng in trên thẻ để yêu cầu khóa thẻ ngay, nhằm hạn chế số tiền bị kẻ gian sử dụng.

Thảo Vy (TNO)

 

Bình luận (0)